Kiên Giang:

Cần xử lý hình sự tài công cố tình đưa tàu ra nước ngoài đánh bắt

Hữu Tuấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo đại diện các chủ tàu cá ở TP Rạch Giá, phải có chế tài nghiêm hoặc xử lý hình sự các tài công vi phạm vì tài công là người cố tình đưa tàu đi đánh bắt ở vùng biển nước ngoài nhưng chủ tàu lại là người phải chịu trách nhiệm

Chiều 20/2, Ban chỉ đạo của Bộ Quốc phòng về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (IUU) tỉnh Kiên Giang tổ chức gặp gỡ, trao đổi với 20 chủ tàu cá, đại diện cho các chủ tàu cá ở TP Rạch Giá. Đây là một trong những nội dung trọng tâm mà Ban chỉ đạo IUU của tỉnh triển khai thực hiện trong đợt cao điểm 180 ngày.

Ông Lê Quốc Anh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang (thứ 2 từ phải sang) gặp gỡ ngư dân tuyên truyền về chống đánh bắt trái phép. Ảnh Hữu Tuấn
Ông Lê Quốc Anh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang (thứ 2 từ phải sang) gặp gỡ ngư dân tuyên truyền về chống đánh bắt trái phép. Ảnh Hữu Tuấn

Trong năm 2022, tỉnh Kiên Giang có 11 vụ, 14 tàu, 154 ngư dân bị bắt và là tỉnh đứng đầu về vi phạm IUU. Riêng 2 tháng đầu năm 2023, Kiên Giang cũng đã có 6 vụ, 6 tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.

Theo những chủ tàu cá ở Rạch Giá, trong những năm qua, nghề đi biển càng trở nên khó khăn, khi nguyên liệu tất cả "sở hụi" đều tăng từ 15-25%, riêng ngư lưới cụ tăng 30% nên việc đánh bắt vô cùng khó khăn.

Trong khi, mỗi cặp tàu được đóng và gắn trang thiết bị để đủ điều kiện ra khơi phải chi hơn 10 tỷ đồng nhưng hiện trị giá xuống chỉ còn 5-6 tỷ đồng, rao bán cũng không còn người mua. 

Lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang tặng quà cho các ngư dân tại Rạch Giá. Ảnh Hữu Tuấn
Lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang tặng quà cho các ngư dân tại Rạch Giá. Ảnh Hữu Tuấn

Còn ông Trương Văn Ngữ, Chủ tịch Hội nghề cá TP Rạch Giá, đại diện cho các chủ tàu cá trên địa bàn TP Rạch Giá cho rằng, muốn tháo gỡ "thẻ vàng" nhanh trong thời điểm này cần phải có biện pháp khoanh nợ, giãn nợ và giảm lãi để bà con không bị "áp lực" trả nợ mà mang tàu đi đánh bắt dẫn đến vi phạm.

Đồng thời, ông Ngữ cũng kiến nghị, cần sửa luật ngay, phải có chế tài nghiêm hoặc xử lý hình sự các tài công khi vi phạm đưa tàu ra nước ngoài đánh bắt bởi vì chủ yếu tài công là người cố tình đưa tàu đi đánh bắt ở vùng biển nước ngoài nhưng chủ tàu cá lại là người phải chịu trách nhiệm thì khó mà ngăn chặn được vi phạm. Về lâu dài, tỉnh cần phải có biện pháp để tránh huỷ diệt nguồn lợi thuỷ sản.

Ông Lê Quốc Anh - Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, Phó trưởng ban thường trực IUU cho biết, trong thời gian qua Kiên Giang đã tổ chức tuyên truyền về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định bằng nhiều hình thức nhưng tàu cá trong tỉnh vẫn đi đánh bắt ở vùng biển nước ngoài và bị các nước sở tại bắt giữ, xử phạt. Điều này rất nguy hiểm trong việc thực hiện các khuyến nghị của Đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) trong việc tháo gỡ thẻ vàng IUU.

Ông Lê Quốc Anh cũng tha thiết kêu gọi các chủ tàu, thuyền trưởng và ngư dân từ nay tới hết tháng 5/2023 không đưa tàu đi khai thác trái phép vùng biển nước ngoài; chấp hành nghiêm các quy định thủ tục hành chính khi tham gia khai thác thủy sản trong vùng biển được cho phép; thiết bị giám sát hành trình phải mở 24/24.

Cùng với việc cam kết có những giải pháp mang tính đồng bộ để tháo gỡ khó khăn cho ngư dân; kiến nghị Chính phủ có giải pháp khoanh nợ, giãn nợ cho các chủ tàu chấp hành chủ trương, cần xử lý nghiêm các chủ tàu cố tình vi phạm, công bố danh sách chủ tàu vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng - ông Lê Quốc Anh nhấn mạnh.