Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Canada, Ấn Độ liên tiếp "trả đũa" ngoại giao vì đâu?

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cáo buộc của Canada rằng Ấn Độ có thể liên quan đến vụ ám sát một nhà hoạt động theo đạo Sikh đã gây ra tranh cãi ngày càng gia tăng.

Căng thẳng leo thang khi Ottawa và New Delhi đều trục xuất các nhà ngoại giao cấp cao, khiến quan hệ giữa hai nước lao dốc.

Một tấm biển bên ngoài ngôi đền Guru Nanak Sikh Gurdwara  xuất hiện sau vụ sát hại thủ lĩnh đạo Sikh Hardeep Singh Nijjar  ở Surrey, British Columbia, Canada ngày 18/9/2023. Ảnh: REUTERS
Một tấm biển bên ngoài ngôi đền Guru Nanak Sikh Gurdwara  xuất hiện sau vụ sát hại thủ lĩnh đạo Sikh Hardeep Singh Nijjar  ở Surrey, British Columbia, Canada ngày 18/9/2023. Ảnh: REUTERS

Các vụ trục xuất ngoại giao trả đũa diễn ra sau khi Thủ tướng Justin Trudeau cho biết Canada đang điều tra “những cáo buộc đáng tin cậy” liên kết Ấn Độ với vụ sát hại công dân Canada và nhà lãnh đạo nổi tiếng của đạo Sikh, Hardeep Singh Nijjar vào tháng 6.

“Trong nhiều tuần qua, các cơ quan an ninh Canada đã tích cực theo đuổi các cáo buộc đáng tin cậy về mối liên hệ tiềm tàng giữa các đặc vụ của Chính phủ Ấn Độ và vụ sát hại công dân Canada Hardeep Singh Nijjar,” ông Trudeau nói trước quốc hội hôm 18/9, đồng thời cho biết thêm chính phủ của ông sẽ thực hiện tất cả các bước cần thiết “để buộc thủ phạm của vụ sát hại này phải chịu trách nhiệm.”

Canada cho biết họ đã trục xuất một nhà ngoại giao Ấn Độ, người được Bộ trưởng Ngoại giao Mélanie Joly mô tả là người đứng đầu cơ quan tình báo Ấn Độ tại nước này.

Bộ trưởng Ngoại giao Canada cũng cho biết thêm rằng Trudeau đã nêu vấn đề này với cả Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Rishi Sunak.

Bộ Ngoại giao Ấn Độ hôm 19/9 có động thái đáp trả tương tự, thông báo đã trục xuất một nhà ngoại giao cấp cao của Canada có trụ sở tại Ấn Độ.

“Nhà ngoại giao liên quan đã được yêu cầu rời khỏi Ấn Độ trong vòng 5 ngày tới,” cơ quan này cho biết trong một tuyên bố. “Quyết định này phản ánh mối quan ngại ngày càng tăng của Chính phủ Ấn Độ về sự can thiệp của các nhà ngoại giao Canada vào các vấn đề nội bộ của chúng tôi và sự tham gia của họ vào các hoạt động chống Ấn Độ.”

Nijjar là nhà lãnh đạo Sikh nổi tiếng ở miền Tây Canada, và theo cảnh sát địa phương, ông đã bị hai tay súng đeo mặt nạ bắn hạ trong xe riêng vào tháng 6 bên ngoài một ngôi đền đạo Sikh ở Surrey, British Columbia.

Cái chết của ông gây sốc và phẫn nộ cho cộng đồng người Sikh ở Canada, một trong những cộng đồng lớn nhất bên ngoài Ấn Độ và là nơi sinh sống của hơn 770.000 thành viên thuộc tôn giáo thiểu số.

Sau những bình luận của Trudeau, hai nhóm cộng đồng người Sikh nổi tiếng ở Canada, Hội đồng Gurdwaras British Columbia (BCGC) và Ủy ban Gurdwaras Ontario (OGC), đã kêu gọi chính phủ Canada “ngay lập tức đình chỉ mọi hoạt động hợp tác tình báo, điều tra và truy tố với Ấn Độ”.

Theo một tuyên bố từ Tổ chức Sikh Thế giới, Hardeep Singh Nijjar là người thẳng thắn ủng hộ việc thành lập một nơi chốn riêng của người Sikh được gọi là Khalistan, thường dẫn đầu các cuộc biểu tình ôn hòa chống lại điều mà nhóm vận động gọi là “sự vi phạm nhân quyền ở Ấn Độ và ủng hộ Khalistan.”

Phong trào Khalistan bị chính phủ Ấn Độ coi là mối đe dọa an ninh quốc gia - một số nhóm có liên quan đến phong trào này bị liệt vào danh sách “các tổ chức khủng bố” theo Đạo luật (Phòng chống).

Vào năm 2020, Cơ quan Điều tra Quốc gia Ấn Độ cáo buộc ông “có nỗ lực cực đoan hóa cộng đồng người Sikh trên toàn thế giới để ủng hộ việc thành lập 'Khalistan'”.