TP Thủ Dầu Một (Bình Dương):

Cảng bến thủy nội địa và nhà hàng nổi không phép trên sông Sài Gòn

Lâm Thiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedohi – Tại TP Thủ Dầu Một, cảng bến thủy nội địa và nhà hàng du thuyền Bình Dương được xây dựng không phép trên đất công.

Cảng bến thủy hoạt động không phép, lấn chiếm đất công...gây xôn xao dư luận Bình Dương. Ảnh: Lâm Thiện
Cảng bến thủy hoạt động không phép, lấn chiếm đất công...gây xôn xao dư luận Bình Dương. Ảnh: Lâm Thiện

Nguy cơ mất an toàn cho du khách, thuyền bè và ô nhiễm

Theo đó, công trình bến thủy nội địa mang tên “Du thuyền Bình Dương” trên sông Sài Gòn thuộc địa phận phường Phú Cường (TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) đã xây dựng không phép, lấn chiếm đất công thuộc hành lang an toàn đường bộ, hành lang bảo vệ sông. Cảng đã đi vào hoạt động nhiều năm nay mặc dù chưa được cơ quan chức năng cấp giấy phép xây dựng, giấy phép hoạt động,...

Ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị vào những ngày đầu tháng 9, khu vực công trình cảng rộng hàng nghìn m2 mặt nước và đất ven sông. Từ xa phía dòng chảy, loạt trụ bê tông cắm sâu xuống lòng sông và chĩa thẳng lên trời cao, nhiều hạng mục công trình, nhiều thuyền và ca nô neo đậu. Trong số những thuyền neo đậu có những thuyền lớn được dùng làm nhà hàng nổi.

Một góc cảnh bến thủy nội địa không phép, du thuyền với biển kiểm soát BD-0477 hạn đăng kiểm chỉ tới ngày 12/4/2020 làm nhà hàng nổi. Ảnh: Lâm Thiện
Một góc cảnh bến thủy nội địa không phép, du thuyền với biển kiểm soát BD-0477 hạn đăng kiểm chỉ tới ngày 12/4/2020 làm nhà hàng nổi. Ảnh: Lâm Thiện

Hệ thống phao nổi rộng hàng trăm m2 chênh vênh trên sóng nước, trên đó là sảnh tiệc, mái che nắng lợp tôn làm tăng thêm diện tích hứng gió, nhà vệ sinh thiết kế "nhanh gọn" với đường ống xả xuống lòng sông.

Phao nổi diện tích lớn mặc dù vậy kết cấu khá sơ sài bằng vật liệu xốp, thùng phi và ván lót. Tất cả các hạng mục liên kết với nhau bằng dây xích và cố định vào trụ bê tông. Hai cây cầu dài hàng chục mét dẫn xuống cảng tạo thành hình chữ H.

Du khách có cả trẻ em đang ngồi ăn uống chênh vênh trên sông nước tại công trình không giấy phép xây dựng. Ảnh: Lâm Thiện
Du khách có cả trẻ em đang ngồi ăn uống chênh vênh trên sông nước tại công trình không giấy phép xây dựng. Ảnh: Lâm Thiện

Cơ quan chức năng từng kiểm tra và phát hiện vi phạm

Được biết, công trình bến thủy nội địa này do Công ty TNHH Phát triển du lịch Sông Thủ (GPKD số 3702690293; năm 2020 doanh nghiệp gồm 4 thành viên, do Nguyễn Xuân Vũ đứng tên) đầu tư xây dựng trên đất công (đất hành lang đường bộ, hành lang sông) và dưới mặt nước vào năm 2019. Đến tháng 12 cùng năm, UBND phường Chánh Nghĩa phối hợp cùng đại diện Phòng quản lý đô thị TP Thủ Dầu Một, Thanh tra Sở Giao thông vận tải (GTVT), Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương đi kiểm tra, xác minh về việc xây dựng tại đây.

Qua kiểm tra, đoàn kiểm tra ghi nhận công trình đang triển khai xây dựng, nhưng chủ đầu tư không cung cấp được các hồ sơ giấy tờ liên quan đến việc thi công như: Giấy phép xây dựng, phương án đảm bảo an toàn giao thông đường thủy,… Biên bản vi phạm đã được lập có nội dung "yêu cầu chủ đầu tư tạm ngưng thi công", thế nhưng, sau đó các sai phạm vẫn không được xử lý.

Phao nổi được làm bằng xốp và thùng phi; mái che nắng lợp tôn tăng thêm diện tích hứng gió. Phao chao đảo khi gió lớn xuất hiện. Ảnh: Lâm Thiện
Phao nổi được làm bằng xốp và thùng phi; mái che nắng lợp tôn tăng thêm diện tích hứng gió. Phao chao đảo khi gió lớn xuất hiện. Ảnh: Lâm Thiện

Sau thời điểm nói trên, chủ đầu tư vẫn tiếp tục xây dựng, hoàn thành nhiều hạng mục dưới nước và trên bờ, đưa vào hoạt động bất chấp an toàn giao thông đường thủy, nguy cơ ô nhiễm môi trường nước, đặc biệt là nguy cơ mất an toàn tính mạng con người.

Bài học đau thương còn đó, cần xử lý dứt điểm

Trước đó, cũng tại con sông này từng xảy ra vụ lật nhà hàng nổi Dìn Ký khiến 16 người tử vong.

Sau vụ tai nạn, cơ quan chức năng vào cuộc và phát hiện một loạt sai phạm của doanh nghiệp này, như: Giấy phép đăng kiểm tàu hết hạn, bến đỗ hoạt động không phép…Thời điểm đó, do quy định việc quản lý còn chồng chéo nên chưa xác định rõ trách nhiệm chính thuộc về đơn vị nào.

Phao được nổi trên sông nhờ phi nhựa. Ảnh: Lâm Thiện
Phao được nổi trên sông nhờ phi nhựa. Ảnh: Lâm Thiện

Bình Dương là địa phương có nhiều con sông lớn chảy qua, doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch đường sông phải có giấy phép xây dựng, giấy phép hoạt động, phải biện pháp đảm bảo an toàn cho du khách. Thế nhưng, sai phạm tại cảng bến thủy nội địa và nhà hàng du thuyền Bình Dương  diễn ra suốt thời gian dài mà chính quyền sở tại không xử lý dứt điểm.

Một trong hai cầu dẫn xuống hệ thống phao và nhà hàng nổi. Ảnh: Lâm Thiện
Một trong hai cầu dẫn xuống hệ thống phao và nhà hàng nổi. Ảnh: Lâm Thiện
Nhà vệ sinh có hệ thống xả thải xuống lòng sông, nguy cơ ô nhiễm nguồn nước sông Sài Gòn. Ảnh: Lâm Thiện
Nhà vệ sinh có hệ thống xả thải xuống lòng sông, nguy cơ ô nhiễm nguồn nước sông Sài Gòn. Ảnh: Lâm Thiện

Trả lời phóng viên, một lãnh đạo địa phương (xin giấu tên) cho biết: "Nói tới bến thủy nội địa này là "đụng" một người tên "cò Tùng". TP Thủ Dầu Một đã nhiều lần xử phạt chủ đầu tư với lỗi xây dựng công trình không phép trên đất công. Mặc dù khu vực mặt nước tại đây tỉnh có chủ trương làm cảng bến thủy nội địa. Nhưng trên bộ là đất công thuộc hành lang đường bộ, đường sông, trường hợp này không thể nào cấp phép xây dựng được, địa phương xử lý riết luôn, rất mệt mỏi".

Tiếp đó, phóng viên liên hệ với Sở GTVT Bình Dương, một cán bộ Sở này (xin dấu tên), cho biết: "Dự án này Sở đã nhiều lần nhắc nhở chủ đầu tư cần hoàn thiện hồ sơ theo quy định để được cấp phép xây dựng, công bố bến thủy nội địa trên cổng thông tin Cục đường thủy Việt Nam, cấp phép hoạt động. Thế nhưng đến nay, chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện. Tất nhiên là những công trình dưới mặt nước, còn những công trình trên bờ tại đây Sở GTVT không quản lý".

Du thuyền và Ca nô neo đậu tại cảng. Ảnh: Lâm Thiện.
Du thuyền và Ca nô neo đậu tại cảng. Ảnh: Lâm Thiện.

Hiện dư luận mong muốn cơ quan chức năng Bình Dương vào cuộc xử lý dứt điểm những sai phạm cảng bến thủy nội địa và nhà hàng du thuyền Bình Dương trước lúc quá muộn…