Càng gỡ càng rối

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lại thêm một cuộc họp khẩn nữa của các bộ trưởng Liên minh châu Âu (EU) được triệu tập tại Brussels (Bỉ) trong bối cảnh cuộc khủng hoảng di cư đang trong thế “càng gỡ càng rối”.

Đầu tiên là Đức với vai trò quốc gia tiên phong mở rộng cánh cửa với người di cư cách đây vài tháng. Chính sách mở cửa này đã gây xáo trộn cho đầu tàu kinh tế châu Âu khi dư luận trong nước “nổi sóng” vì người dân lo ngại dòng người di cư ảnh hưởng tới hệ thống phúc lợi của chính họ. Gần đây nhất, tình trạng người di cư tràn đến biên giới ồ ạt tới mức quá tải đã buộc Đức tạm thời kiểm soát biên giới, tình trạng tương tự với Thụy Điển. Một khi “giọt nước tràn ly” khiến hai quốc gia này buộc phải đóng cửa biên giới, hiệu ứng domino có khả năng lan rộng trong lòng EU.
Vấn đề người di cư tiếp tục đặt ra những thách thức mới cho châu Âu. Ảnh: AP
Vấn đề người di cư tiếp tục đặt ra những thách thức mới cho châu Âu. Ảnh: AP
Đến lúc này, một hạn ngạch phân bổ người di cư theo từng quốc gia được coi là biện pháp hàng đầu và cũng đã được các nước thành viên EU thông qua vào hồi tháng 9 với con số 160.000 người. Tuy nhiên, tính đến nay chưa tới 200 người được tái định cư. Có thể thấy từ kế hoạch tới hành động vẫn còn khoảng cách xa bởi các nước thành viên EU vẫn chưa thực sự đồng thuận với nhau.

Thêm một vấn đề thôi thúc các nhà lãnh đạo châu Âu tìm phương thức cho cuộc khủng hoảng này là mùa Đông đang đến gần. Hình ảnh hàng ngàn người di cư mắc kẹt tại khu biên giới vùng Balkan trong mưa lạnh trên đường tới Tây Âu có khả năng tái diễn. Nếu trong một vài tuần tới EU không thể đưa ra một phương án khả thi, nhiều thảm cảnh sẽ diễn ra, thậm chí còn tồi tệ hơn cả việc cậu bé Syria thiệt mạng bên bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ vài tháng trước.

Trước những bài toán trên, cuộc họp khẩn cấp bộ trưởng EU hôm 9/11 đã đưa ra biện pháp tạm thời ngăn dòng người nhập cư tràn vào Lục địa già thông qua các trung tâm phân loại người di cư ngoài biên giới. Đây là tiền đề cho cuộc họp EU – châu Phi diễn ra tại Malta hôm nay với nội dung chính là bàn về khủng hoảng di cư. Tuy nhiên, bên cạnh nguồn lực tài chính, vốn là điều quan trọng để giải quyết bất kỳ cuộc khủng hoảng nào, điều các lãnh đạo EU cần phải ưu tiên hơn chính là tìm được tiếng nói chung giữa các thành viên. Từ đó, quá trình thực hiện các kế hoạch và mục tiêu chung giải quyết cuộc khủng hoảng này mới được đặt trên con đường vững chãi và đúng hướng hơn.