Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cảng Liên Chiểu tăng cường vị thế của Đà Nẵng

Quang Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), việc phát triển cảng Liên Chiểu là cần thiết đối với hệ thống cảng biển Đà Nẵng. Chiến lược trọng tâm là phát triển khu cảng Liên Chiểu góp phần tăng cường vị thế của Đà Nẵng như một trung tâm logistics quốc tế quan trọng.

Nên nghiên cứu chuẩn bị di dời chức năng cảng Tiên Sa
Chiều 13/4, tại Đà Nẵng đã có buổi hội thảo về phát triển cảng Liên Chiểu với Đoàn công tác JICA (Nhật Bản). Tại đây, JICA đã có báo cáo cuối kỳ dự án Khảo sát thu thập số liệu và phát triển cảng Liên Chiểu.
JICA báo cáo cuối kỳ dự án Khảo sát thu thập số liệu và phát triển cảng Liên Chiểu. Ảnh: Q.HẢI
JICA cho rằng, sự gia tăng nhu cầu vận chuyển hàng hóa đến cảng Đà Nẵng là chắc chắn, việc phát triển cảng Liên Chiểu là cần thiết đối với hệ thống cảng biển Đà Nẵng. Chiến lược trọng tâm là phát triển khu cảng Liên Chiểu góp phần tăng cường vị thế của Đà Nẵng như một trung tâm logistics quốc tế quan trọng.
Vì vậy, JICA cho rằng Đà Nẵng nên nghiên cứu năng lực đường bộ bao gồm hiện trạng cải tạo đường bộ; thống nhất về giai đoạn chuyển hàng hóa từ cảng Tiên Sa đến cảng Liên Chiểu. Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng nên tiến hành nghiên cứu chuẩn bị di dời chức năng cảng Tiên Sa, trong đó bao gồm giai đoạn thực hiện phù hợp dựa trên quy hoạch chung của TP, phương án đền bù và kế hoạch sử dụng đất.
Theo JICA, lượng hàng hóa tại cảng Tiên Sa đang gia tăng trung bình 13%/năm đối với tổng sản lượng và 20%/năm đối với hàng hóa container trong 10 năm gần đây. Lượng hàng hóa sẽ đạt tối đa công suất của cảng trong vòng vài năm tới. JICA đề xuất thời điểm di dời chức năng cảng hàng hóa từ cảng Tiên Sa sang cảng Liên Chiểu trong trường hợp 1 là từ năm 2031; trường hợp 2 là từ năm 2041. Tuy nhiên Cảng Tiên Sa vẫn là cảng đa năng; đảm nhận xếp dỡ hàng tổng hợp và hàng container cho đến thời điểm nêu trên sẽ di dời hàng hóa từ Cảng Tiên Sa sang cảng Liên Chiểu.
JICA: Đà Nẵng cũng nên tiến hành nghiên cứu chuẩn bị di dời chức năng cảng Tiên Sa, trong đó bao gồm giai đoạn thực hiện phù hợp dựa trên quy hoạch chung của TP, phương án đền bù và kế hoạch sử dụng đất. Ảnh: Q.HẢI
Năm 2026, cảng Liên Chiểu có 2 bến cảng
Cũng theo JICA, cảng Liên Chiểu sẽ được phát triển và khai thác theo từng tiến độ, đến cuối năm 2026 là 2 bến cảng (giai đoạn 1), năm 2031 là 4 bến cảng (việc di dời hàng hóa sẽ bắt đầu và hoàn thành vào năm 2034), đến năm 2035 là  5 bến cảng và năm 2038 là 6 bến cảng.
JICA cũng đề xuất, quy hoạch phân khu cảng biển Liên Chiểu trong quy hoạch chung, với tổng diện tích là khoảng 1.285ha, dân số dự kiến là khoảng 19.000 người.
Bên cạnh đó, JICA cũng đề xuất kế hoạch sử dụng đất tại khu đô thị cảng Liên Chiểu như: Khu hậu cần cảng ở phía Bắc là khoảng 12ha; Khu dân cư khoảng 24ha; Khu Thương mại dịch vụ ở phía đông khoảng 16ha; Trường Cao đẳng Đường sắt đề xuất giữ nguyên hiện trạng; Khu Quảng trường, công viên cây xanh, thể dục thể thao là khoảng 18ha.
Ngoài ra, JICA cho rằng cần tiến hành một số nghiên cứu bổ sung đối với phương án bố trí cho đê chắn sóng, cát thải và đất bồi lắng ở cửa sông để có được phương án bố trí cảng tối ưu. Cần chốt quy hoạch mạng lưới đường sắt mới và quy hoạch ga hàng hóa mới để nghiên cứu cụ thể hơn mạng lưới đường sắt đến cảng Liên Chiểu.
Khu vực dự kiến xây cảng Liên Chiểu. Ảnh: Q.HẢI
Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Quang Nam cho biết, JICA và UBND TP Đà Nẵng đã ký kết Biên bản ghi nhớ triển khai dự án Khảo sát thu thập số liệu và phát triển Cảng Liên Chiểu.
Theo nghiên cứu sơ bộ về kết quả, JICA đã tư vấn xây dựng, xác định quy hoạch khu đô thị xung quanh cảng Liên Chiểu, phương án kết nối giao thông, phương án xác định vị trí các bến cảng phù hợp; tính khả thi dự án PPP; mô hình quản lý khai thác hiệu quả cảng Liên Chiểu và phương án đầu tư phù hợp, hài hòa lợi ích giữa nhà nước và khu vực tư nhân.
Cũng theo ông Lê Quang Nam, sự tham gia, hỗ trợ hợp tác của JICA rất cần thiết, tạo tiền đề để dự án cảng Liên Chiểu được đầu tư đồng bộ, sớm đưa vào khai thác sử dụng.
Phó Chủ tịch Lê Quang Nam cho biết thêm, công tác chuẩn bị kêu gọi nhà đầu tư cho dự án cảng Liên Chiểu là nhiệm vụ hàng đầu, quan trọng, cần thực hiện song song với hợp phần đầu tư cơ sở hạ tầng dùng chung mà TP Đà Nẵng đang nỗ lực thực hiện. Đà Nẵng cũng được yêu cầu khẩn trương triển khai các thủ tục để tổ chức lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực thực hiện đầu tư xây dựng, kinh doanh các bến cảng.
Dự án bến cảng Liên chiểu (hợp phần cơ sở hạ tầng dùng chung) vừa mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư. Theo đó, mục tiêu của dự án nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng dùng chung bến cảng Liên Chiểu tạo cơ sở phát triển cảng biển tại khu vực Liên Chiểu - TP Đà Nẵng.
Quy mô dự án gồm các hạng mục chính như kè chắn sóng, đê chắn sóng, luồng tàu, hạ tầng kỹ thuật kết nối có khả năng tiếp nhận tàu tổng hợp, hàng rời trọng tải đến 100.000 tấn, tàu container có sức chở từ 6.000 đến 8.000 Teus. Dự án có tổng mức đầu tư dự án dự kiến hơn 3.400 tỷ đồng, được triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025.