70 năm giải phóng Thủ đô

Cảng Sài Gòn từ thời chúa Nguyễn đến thời Pháp thuộc

Vĩnh Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sông nước, bến cảng vừa là đặc trưng văn hóa vừa là nền tảng kinh tế cho sự phát triển của Sài Gòn, từ xưa đến nay. Cảng Sài Gòn là một biểu tượng của đặc trưng này.

Là thương cảng từ thời chúa Nguyễn

Cư dân của quốc gia Phù Nam (thế kỷ I - VI) là những người đầu tiên chiếm lĩnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long ngay sau khi biển rút và chính họ là người đã sáng tạo nên nền văn hóa cổ Óc - Eo nổi tiếng (bao gồm cả Nam bộ và Đông Nam bộ của Việt Nam). Lúc này Phù Nam giao thương với bên ngoài thông qua hải cảng lớn là Óc - Eo (Ba Thê thuộc An Giang ngày nay).

Thương cảng Sài Gòn 150 năm trước (năm 1866) - hai năm sau khi được xây dựng. Ảnh: Emile Gsell
Thương cảng Sài Gòn 150 năm trước (năm 1866) - hai năm sau khi được xây dựng. Ảnh: Emile Gsell

Đến cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII, khi lưu dân người Việt đến khẩn hoang, đất Sài Gòn trên danh nghĩa thuộc Chân Lạp nhưng chưa có chính quyền Chân Lạp trực tiếp cai trị. Lúc này đây vẫn là một vùng hoang vu, "ở phủ Gia Định, đất Đồng Nai, từ cửa biển Cần Giờ, Lôi Lạp, cửa Đại, cửa Tiểu trở vào toàn là rừng rậm hàng ngàn dặm" (Lê Quý Đôn - Phủ biên tạp lục).

Lưu dân người Việt đã khai phá và phát triển nơi này thành một vùng trù phú, tạo nên phố - chợ và từng bước xác lập vai trò thủ phủ của Gia Định/ Sài Gòn.

Vào thế kỷ XVI, XVII, vùng này có hai thị trấn là Prei Nokor (Sài Gòn về sau là Chợ Lớn) và Kas Krobey (Kompong Krabei, Bến Nghé về sau là Sài Gòn) hình thành từ thời kỳ tiền Ankor hoặc trước đó.

Năm 1623, chúa Sãi (Nguyễn Phúc Nguyên) đã viết thư "mượn" Prei Nokor và Kas Krobey của vua Chân Lạp là Préas Cheychesda để đặt các trạm thu thuế. Năm 1679, đồn dinh Tân Mỹ được thành lập và đến năm 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu đã sai Nguyễn Hữu Cảnh vào đây lập Gia Định Phủ. Đây là sự lựa chọn chính xác vì nó thuận lợi cho sinh hoạt kinh tế và kiểm soát chính trị.

Vai trò trung tâm - đầu mối của Sài Gòn/ Gia Định càng về sau càng rõ nhất là khi kênh Ruột Ngựa được đào vào năm 1772 nối liền Rạch Cát và Rạch Lò Gốm để hình thành một hệ thống đường thủy thuận lợi với miền Tây. Lúc này Sài Gòn là trung tâm kinh tế, thương mại "chẳng thiếu món gì" (Trịnh Hoài Đức). Làm ăn buôn bán ở đây ngoài người Việt còn có người Âu, Phi, Ấn và người Tàu. Tàu thuyền các nước đến Sài Gòn khá nhiều. Sài Gòn đã bắt đầu có tính chất của một thương cảng quốc tế từ hồi đó.

Cảng lớn nhất Đông Dương thời Pháp thuộc

Tháng 9/1859, thực dân Pháp đánh chiếm Gia Định không chỉ để mở đầu cầu xâm lược toàn Đông Dương mà còn hướng đến sớm khai thác vùng đất giàu tiềm năng này; đặc biệt là hệ thống đường thủy rất phù hợp với chính sách xâm lược bằng pháo hạm của họ. Với vị trí chính trị - quân sự - kinh tế, đặc biệt là yếu tố đậm chất "cảng" của Sài Gòn, thực dân Pháp đã khẩn trương tiến hành xây dựng cảng ở đây để vừa có điều kiện nuôi chiến tranh xâm lược vừa thực hiện mục tiêu khai thác thuộc địa.

Vì vậy, ngay từ tháng 2/1860 - chỉ một năm sau khi chiếm Gia Định, đô đốc Page đã quyết định cho mở cảng Sài Gòn bằng cả vốn nhà nước và vốn của tư bản tư nhân.

Công ty vận tải đường biển (Compagnie des Messageries) được chính quyền thực dân Pháp ủng hộ để đầu tư xây dựng cảng Sài Gòn.

Tháng 2/1861, công ty này cử đại diện sang Sài Gòn, sau đó cử hai kỹ sư sang để thực hiện công việc điều tra cơ bản, khẩn trương lên kế hoạch xây dựng cảng. Đầu năm 1862, họ đã được cấp đất để xây dựng cảng ở bờ sông Sài Gòn về phía Bắc, ở bờ rạch Thị Nghè và ở gần ngã ba sông Sài Gòn với vàm Bến Nghé.

Ngay trong năm 1862, công việc xây dựng cảng Sài Gòn được tiến hành. Trên một diện tích khá lớn, các công trình bao gồm ngôi biệt thự Nhà Rồng, văn phòng, cư xá, tổng khố, nhà máy, kho than, giếng nước, bến đậu được gấp rút xây dựng; trong đó có cầu tàu bến đậu dài tới 350m. Tổng chi phí gần 3 triệu francs.

Đồng thời, một số công trình phục vụ khác cũng đưa vào sử dụng như: Hải đăng ở Vũng Tàu; đường dây điện tín liên lạc từ Vũng Tàu với Sài Gòn; cột cờ Thủ Ngữ ở Sông Thị Nghè giáp với rạch Bến Nghé…

Ngày 23/11/1862, con tàu hơi nước đầu tiên của công ty này đã khai trương tuyến đường biển từ Pháp tới bến cảng Nhà Rồng.

Ngày 25/8/1862, luật cảng Sài Gòn được ban hành với đầy đủ chi tiết.
Từ năm 1879, do có vị trí quan trọng cả về quân sự lẫn kinh tế, cảng Sài Gòn được đầu tư thành một cảng lớn, gồm quân cảng và thương cảng.
Quân cảng Sài Gòn dài 537,02m, kể từ nhà máy Ba Son tới công trường Mê Linh ngày nay.

Thương cảng Sài Gòn ngày càng mở rộng. Trước năm 1911, thương cảng Sài Gòn dài khoảng 600m, từ công trường Mê Linh đến cột cờ Thủ Ngữ đã mở rộng phạm vi bến bãi và mở thêm cảng mới về phía Khánh Hội gọi là bến Khánh Hội. Năm 1914, do nhu cầu cập bến của các tàu lớn, thương cảng Sài Gòn được nối dài đến ngã ba Kinh Tẻ (cầu Tân Thuận ngày nay). Tháng 6/1922, giang cảng Chợ Lớn sáp nhập vào thương cảng Sài Gòn, tạo thành một hệ thống đường thủy và cửa khẩu hoàn chỉnh, gồm Hải cảng Sài Gòn, Hải cảng Nhà Bè và Giang cảng Sài Gòn - Chợ Lớn.

Hệ thống thiết bị của cảng càng liên tục được đầu tư nâng cấp. Năm 1870, cảng đã trang bị 3 tàu kéo chạy bằng hơi nước.

Năm 1899, các cầu tàu bằng gỗ đã được thay thế thành 2 cầu tàu xi măng cốt thép. Mỗi cầu có chiều dài là 41,25m, chiều ngang là 8m, hai cầu cách nhau 18,75m được nối liền với bờ bởi một cầu phao rộng 10m. Bến cảng dài 1.100m ở hữu ngạn sông Sài Gòn được xây dựng, có thể đón nhận cùng lúc 9 con tàu loại 120m.

Dãy nhà kho dài 1.000m chạy dọc cảng trên một mặt bằng có diện tích 24.225m2. Hệ thống đường "ray" ở phía trước và phía sau dãy nhà kho được nối với đường xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho. Hệ thống neo ở tả ngạn và hữu ngạn sông Sài Gòn đươc xây dựng. Một cây cầu 3 nhịp nối đài từ đường Adran đến thương cảng cũng được xây dựng. Ở hai bên Khánh Hội và Thủ Thiêm có 16 phao nổi được đặt làm chỗ cho tàu đậu tạm… Những trang bị này giúp cho cảng Sài Gòn khi ấy cho phép tàu cỡ lớn cũng có thể cập bến được.

Từ năm 1910 trở đi, người Pháp đã đầu tư thêm 10.394.000 francs để tiếp tục nâng cấp cảng Sài Gòn. Riêng năm 1924, chỉ tiêu ngân sách của cảng Sài Gòn đã lên đến 1.188.850 francs. Thời gian này, nhiều công trình xây dựng ở cảng tiếp tục được đầu tư bởi vốn nhà nước và cả tư nhân như: Các công trình xây dựng cầu, cọc neo, bờ kè; các công trình làm đường, đắp đất... Các thiết bị điều khiển cảng như tàu kéo, xà lan, máy cẩu… được tăng cường; 9 kho hàng được xây thêm; xưởng đóng/sửa chữa tàu được xây dựng. Chỉ sau 5 năm - năm 1929, các công trình và thiết bị của cảng Sài Gòn đã được hoàn thiện hơn trước rất nhiều để tàu bè đậu và bốc dỡ hàng hóa, trên một chiều dài 6km.

Cảng Sài Gòn là cảng đầu tiên được hưởng quy chế cảng tự quản bởi một sắc lệnh ký ngày 2/1/1914, thiết lập thành một hãng quốc doanh tự do được đầu tư vốn bởi tư nhân và chịu sự quản lý của một Hội đồng quản trị như những điều kiện được quy định đối với hải cảng thương mại của chính quốc vốn không được thực thi ở các nước thuộc địa để có thể sử dụng một cách nhanh chóng và hiệu quả những lợi ích thương mại và các nguồn tài chính để phát triển hạ tầng nhằm đáp ứng nhu cầu giao thương đang tăng lên nhanh chóng.

 

Cảng Sài Gòn, cách cửa biển Vũng Tàu 46 hải lý, ngoài chức năng là một quân cảng hạng nhất về mặt vị trí chiến lược cũng như về tổ chức, trang bị và đứng thứ 12 trong số các quân cảng của Pháp về mặt trọng tải còn là cảng thương mại lớn nhất Đông Dương thời Pháp thuộc. Trải qua hơn 160 năm đầy biến động, cảng Sài Gòn đã và đang là cảng lớn nhất Việt Nam, tiếp tục mở rộng về quy mô, hiện đại hóa về công nghệ, tiến xa hơn về phía biển, mở rộng cửa hơn với thế giới để góp phần phát triển đất nước.