Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Căng thẳng Nga - Ukraine: Cơ hội sở hữu cổ phiếu giá tốt?

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhìn lại những cuộc xung đột lớn trên thế giới xảy ra trong quá khứ đều thấy, kết quả chung là 100% thị trường chứng khoán sẽ phản ứng tiêu cực ngay trong ngày hôm đó. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để sở hữu những cổ phiếu có mức giá hấp dẫn.

Ngày 24/2, Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine. Ngay lập tức, thị trường chứng khoán Mỹ - châu Âu - châu Á đều giảm rất mạnh.

Sàn giao dịch tại Moscow tạm thời "rút phích", chỉ số chứng khoán sau khi mở cửa trở lại đã rớt tới 45% sau đó hồi phục dần. Vàng tăng chóng mặt còn bitcoin cũng rơi hơn 7%, về mốc 35.000 USD.

Với nhiều nhà đầu tư, đặc biệt nhà đầu tư mới, những sự kiện này sẽ tạo nên tâm lý bi quan khi thị trường bán tháo.

"Nhưng nếu bình tĩnh hơn và nhìn nhận lại tác động của sự kiện này thì đây lại là cơ hội để sở hữu những cổ phiếu có mức giá hấp dẫn, giá tốt"- Giám đốc điều hành Công ty CP Take Profit Phan Linh nhận định.

Giám đốc điều hành Công ty CP Take Profit Phan Linh
Giám đốc điều hành Công ty CP Take Profit Phan Linh

Cũng theo chuyên gia, trong quá khứ, có một sự kiện tương tự tham chiếu từ sự kiện này, đó chính là sự kiện Nga đưa quân vào bán đảo Crimea cuối tháng 3/2014. VN- Index giảm 6% trong 1 tuần. Nhưng chỉ 1 tuần sau lại về lại đỉnh cũ. Sau xung đột này thị trường còn hứng chịu thêm tác động kép từ sự kiện biển Đông vào đầu tháng 5/2014, thị trường giảm mạnh 2 tuần khiến VN-Index giảm tiếp 11 % nữa, nhưng kể từ đó VN-Index tạo đáy và liên tục chinh phục các đỉnh mới.

"Chiến tranh luôn luôn là cơ hội để mua cổ phiếu với giá rẻ hơn bởi thị trường sau đó sẽ hồi phục nhanh chóng. Tất nhiên, mức phục hồi nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào tình hình các cuộc chiến khác nhau"- CEO Take Profit nhấn mạnh và đánh giá có nhiều cơ hội trong cuộc chiến này đến từ lệnh cấm vận, trừng phạt của EU, Mỹ với Nga.

Cụ thể, Nga là quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ 3 thế giới sau UAE và Arập Xêút. Tổng sản lượng xuất khẩu dầu mỏ của Nga chiếm đến 11% sản lượng dầu xuất khẩu trên toàn cầu năm 2020. 48% sản lượng dầu mỏ và khí đốt của Nga được xuất sang EU.

Do vậy, nếu có cấm vận Nga hoàn toàn giá dầu thô WTI có thể vượt và duy trì trên mốc 100 USD/ thùng. Nếu giá dầu neo cao, ví dụ như 140 USD/ thùng như đỉnh cũ sẽ không có lợi gì cho châu Âu, bởi các quốc gia này phụ thuộc rất nhiều vào nguồn khí đốt từ Nga và thậm chí giá dầu cao còn tàn phá nền kinh tế thế giới.

Mới đây động thái cấm xuất khẩu Ammonium nitrate của Nga có thể đẩy giá phân đạm trên toàn cầu vốn đang ở mức cao kỷ lục sẽ tiếp tục tăng thêm. Sản lượng Ammonium nitrate trên toàn cầu hiện đạt 20 triệu tấn/năm, trong đó, 75% nguồn cung đến từ Nga.

Trước đó, Trung Quốc - nước xuất khẩu phân bón lớn thứ hai thế giới đã ngưng đáng kể việc xuất khẩu 29 loại phân bón, bao gồm phân Urea, DAP, MAP, NPK, NP/NPS, MOP, SOP, Ammonium Chloride và Ammonium Nitrate kể từ ngày 15/10/2021.

Ngoài ra, năm 2021, Nga sản xuất 76 triệu tấn thép, gần 4% sản lượng toàn cầu. Tỷ trọng xuất khẩu của Nga chiếm khoảng 50% sản lượng sản xuất, chủ yếu xuất sang châu Âu. Do vậy giá thép cũng sẽ có xu hướng tăng giá nếu Mỹ và EU quyết liệt ''dằn mặt'' Nga

"Sự kiện này sẽ có nhiều cơ hội hơn là rủi ro. Vậy thì lúc nãy hãy quan sát và phân tích kỹ để nhìn nhận các cơ hội chứ không phải để một cái đầu chứa đầy sự sợ hãi"- chuyên gia Phan Linh nhìn nhận.

Tạm dừng phiên sáng nay (25/2),  chỉ số VN-Index tăng 11,99 điểm (0,8%) lên 1.506,84 điểm; HNX-Index tăng 1,3% lên 440,54 điểm và UPCom-Index tăng 0,31% lên 112,66 điểm. Thanh khoản toàn thị trường ở mức trung bình với giá trị giao dịch 3 sàn đạt 18.000 tỷ đồng.

Giao dịch khối ngoại cũng khá tích cực khi mua ròng hơn 350 tỷ đồng trên sàn HoSE, lực mua tập trung vào DXG, KBC, GEX, SSI, VHM…