Căng thẳng tại Ukraine: Chưa thể hạ nhiệt

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hơn 3 tháng chìm trong bất ổn chính trị kéo dài, tình hình Ukraine bất ngờ leo thang căng thẳng sau khi thủ đô Kiev trải qua ngày đẫm máu nhất trong hơn 20 năm qua.

Diễn biến nguy hiểm

Theo số liệu được Bộ Y tế Ukraine công bố hôm 19/2, ít nhất 25 người đã thiệt mạng, 241 người phải nhập viện trong các vụ đụng độ ác liệt giữa người biểu tình chống chính phủ với cảnh sát ở thủ đô Kiev. Bạo lực bùng phát từ sáng 18/2 khi cảnh sát chống bạo động đụng độ với hàng ngàn người biểu tình tuần hành về phía tòa nhà quốc hội - nơi phe đối lập cáo buộc những nghị sĩ ủng hộ chính phủ đang tìm cách hạn chế tiến trình cải cách hiến pháp nhằm giảm bớt quyền hạn của Tổng thống.

 
Cảnh ngổn ngang ở thủ đô Kiev sau vụ đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình ngày 18/2. Ảnh: AFP
Cảnh ngổn ngang ở thủ đô Kiev sau vụ đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình ngày 18/2. Ảnh: AFP
Do diễn biến bạo lực leo thang và có dấu hiệu vượt ngoài tầm kiểm soát, nhà chức trách Ukraine đã buộc phải ra tối hậu thư đối với lực lượng đối lập và tiến hành giải tỏa một số khu vực bị người biểu tình chiếm đóng suốt 3 tháng qua. Khoảng 20.000 người biểu tình đã chống trả lại lực lượng cảnh sát bằng gạch đá, gậy gộc và bom xăng biến Tòa nhà Công đoàn, thành trì cuối cùng của người biểu tình ở Quảng trường Độc lập chìm trong biển lửa. Trong khi quyền Thủ tướng Ukraine Sergei Arbuzov cam kết, lực lượng an ninh nước này sẽ sử dụng mọi biện pháp để tránh xảy ra nổ súng, người biểu tình đã lập tức tái chiếm Tòa thị chính Kiev, phong tỏa và tấn công trụ sở của Đảng Các khu vực cầm quyền thủ đô.

Khó giải quyết

Phản ứng trước diễn biến trên tại Ukraine, cộng đồng quốc tế đã bày tỏ sự lo ngại và kêu gọi các bên kiềm chế, tiến hành "đối thoại thẳng thắn" nhằm giải quyết tình trạng bất ổn hiện nay. Tuy nhiên, sự đối đầu Đông - Tây vốn hiện hữu từ lâu tại Ukraine đã thể hiện hết sức sâu sắc khi Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Nga Alexei Pushkov nhấn mạnh Ukraine đang trên bờ vực một cuộc nội chiến do Phương Tây châm ngòi; còn lãnh đạo Mỹ, Liên minh châu Âu chỉ trích nhà chức trách Ukraine "sử dụng vũ lực bừa bãi" và khẳng định sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với những cá nhân có liên quan đến những vụ bạo lực.

Các cuộc biểu tình và đàm phán giữa chính phủ đã tạo nên diện mạo chính của chính trường Ukraine suốt 3 tháng qua với cái cớ ban đầu là phản đối chính phủ không ký thỏa thuận liên kết với châu Âu. Ngay cả thời điểm hiện tại, khi bạo lực leo thang nhất trong vòng 20 năm qua, cuộc đàm phán giữa hai bên vẫn diễn ra và thất bại đúng như dự đoán của giới quan sát. Cuộc bàn thảo trên bàn đàm phán không chỉ thất bại mà còn khép lại bằng những đe dọa và cảnh báo của cả hai bên. Tổng thống Viktor Yanukovych hôm 19/2 cho rằng, nếu các thủ lĩnh đối lập không từ bỏ tư tưởng cực đoan, ông sẽ "nói chuyện với họ theo cách khác". Thủ lĩnh đối lập Vitaly Klitschko cũng không ngần ngại khẳng định sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc biểu tình quy mô lớn và gây sức ép nhằm thay đổi hiến pháp, hạn chế quyền lực của Tổng thống…

Những diễn biến trên cho thấy, trong bối cảnh nội bộ Ukraine còn đang mâu thuẫn, sức ép từ bên ngoài tiếp tục gia tăng khiến "nút thắt" bất ổn của Ukraine khó lòng có thể tháo bỏ, ảnh hưởng lớn tới sự ổn định của khu vực và thế giới.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần