Căng thẳng tại Ukraine tiếp tục leo thang

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh tình hình miền Đông và Nam Ukraine tiếp tục leo thang căng thẳng, Quốc hội lâm thời nước này hôm 6/5 đã tiến hành phiên họp kín nhằm tìm giải pháp tháo gỡ "ngòi nổ" của một cuộc nội chiến tại khu vực mà đa số người dân đang ủng hộ liên bang hóa.

Theo Chủ tịch Quốc hội lâm thời Ukraine Aleksander Turchinov, dù chiến dịch quân sự mang tên "chống khủng bố" ở miền Đông và Nam gặp nhiều khó khăn do vấp phải sự đáp trả của người biểu tình nhưng chính quyền nước này vẫn điều động 7 tiểu đoàn ở các địa phương đến các điểm nóng này. 

Điểm nóng Odessa và Sloviansk 

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Ukraine Arsen Avakov hôm 6/5 cho biết, đã có 30 tay súng thuộc lực lượng ly khai bị bắn chết trong cuộc giao tranh gần Sloviansk, miền Đông nước này. Trước đó, ông Avakov cũng xác nhận, 4 binh sĩ Ukraine thiệt mạng và 20 người khác bị thương. Trên thực tế, bầu không khí chiến sự đã bao phủ Sloviansk - thị trấn với hơn 110.000 dân khi các đồ dùng thiết yếu và thực phẩm ngày càng thiếu thốn vì quân đội thắt chặt vòng vây. Hai ngân hàng của Ukraine gồm: Ukrsibbank - chi nhánh con của BNP Paribas Group và UniCredit Bank đã tạm thời đóng cửa một loạt chi nhánh ở Sloviansk. Còn tại Odessa, biểu tình lan rộng với hàng ngàn người tham gia đã khiến chính quyền lâm thời Ukraine phải triển khai lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ gồm 400 người tới TP cảng này.
Binh lính Ukraine được điều động đến TP Sloviansk.     Ảnh: AFP
Binh lính Ukraine được điều động đến TP Sloviansk. Ảnh: AFP
Tình hình bất ổn đã buộc các ngân hàng của Ukraine đóng cửa 10 chi nhánh khác tại Odessa và hệ thống giao thông công cộng của một số khu vực khác ở miền Đông như Donetsk, Lugansk, Kharkov đã hoàn toàn ngưng trệ. Những diễn biến này cùng sự hiện diện của lực lượng đặc nhiệm của quân đội, những chiếc máy bay quần thảo trên bầu trời, âm thanh từ những chiếc súng máy khiến người dân lo sợ về một cuộc chiến ác liệt sắp sửa nổ ra. 

Tiếp tục các nỗ lực ngoại giao

Trong khi tình hình tại khu vực miền Đông vượt khỏi tầm kiểm soát của tất cả các bên thì trên bình diện ngoại giao, các nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine vẫn chưa phát huy hiệu quả. Đại diện Bộ Ngoại giao Ukraine đã kêu gọi các bên sớm triệu tập một hội nghị bàn về việc triển khai thỏa thuận Geneva trước khi diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống vào 25/5 tới. Trong khi đó, Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Ban Ki-moon vừa hối thúc các bên liên quan tại Ukraine giải quyết vấn đề thông qua biện pháp hòa bình, đồng thời nhấn mạnh "sẵn sàng đóng góp sức lực của mình nếu cần thiết". Ngoại trưởng Nga và Ukraine hôm 6/5 đã có cuộc gặp chớp nhoáng bên lề một hội nghị của Hội đồng châu Âu tại Thủ đô Vienna (Áo) nhưng chưa có một thỏa thuận đáng kể nào được đưa ra. Ngoại trưởng Áo Sebastian Kurz cũng đã hạ thấp triển vọng về một bước đột phá trong tiến trình tìm kiếm giải pháp cho tình hình Ukraine. 

Tình hình căng thẳng tại Đông Nam Ukraine và bế tắc trên bàn đám phán quốc tế không chỉ đe dọa phá sản Tuyên bố Geneva giữa Nga, Mỹ, EU và Kiev hôm 17/4 mà còn khiến quốc gia bên bờ biển Đen này đứng trước nguy cơ tái diễn kịch bản của Nam Tư những năm 1990.