Căng thẳng Ukraine: Nga tính ngăn Mỹ làm lớn chuyện ở UNSC

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (UNSC) dự kiến ​​họp vào hôm nay (31/1), lần đầu tiên thảo luận trước công chúng về vấn đề Nga tăng cường triển khai quân đội ở biên giới với Ukraine,.

Việc Nga điều khoảng 100.000 quân đến gần biên giới với Ukraine đã dẫn đến những cảnh báo ngày càng mạnh mẽ từ phương Tây rằng Moscow có ý định "xâm lược" quốc gia láng giềng.

Trong khi đó, Nga yêu cầu NATO đảm bảo không bao giờ cho phép Ukraine gia nhập liên minh, đồng thời ngừng triển khai vũ khí của NATO gần biên giới Nga và rút lực lượng của nước này khỏi Đông Âu. NATO và Mỹ gọi những yêu cầu đó là không thể.

Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp quốc Linda Thomas-Greenfield nói rằng hành động của Nga gây ra "mối đe dọa rõ ràng đối với hòa bình và an ninh quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc".

Bà đề xuất các thành viên UNSC "phải xem xét kỹ lưỡng các sự kiện và xem xét điều gì đang bị đe dọa đối với Ukraine, đối với châu Âu, cũng như các nghĩa vụ và nguyên tắc cốt lõi của trật tự quốc tế nếu Nga tấn công Ukraine".

Đáp lại, Phó đại sứ Liên Hợp Quốc Dmitry Polyansky của Nga đã viết trên Twitter: "Tôi không nhớ đây là lần bao nhiêu một thành viên của UNSC đề xuất thảo luận về những cáo buộc và giả định vô căn cứ của chính họ, như một mối đe dọa đối với trật tự quốc tế từ một nước khác. Hy vọng rằng các thành viên UNSC sẽ không ủng hộ hành động rõ ràng đáng xấu hổ này vì uy tín của chính UNSC".

Ông Polyansky cho rằng Nga có thể ngay lập tức yêu cầu một cuộc bỏ phiếu thủ tục về việc liệu cuộc họp có nên tiếp tục hay không khi nó vừa bắt đầu. Để chặn cuộc họp, Nga sẽ cần sự đồng ý của ít nhất 9/15 nước thành viên.

AFP dẫn lời một quan chức cấp cao trong chính quyền Biden cho biết, Mỹ thường xuyên liên lạc với các thành viên hội đồng và "tin tưởng" rằng có "nhiều sự hỗ trợ" để tổ chức cuộc họp.

Giả sử cuộc họp diễn ra, hội đồng sẽ nghe một báo cáo tóm tắt của một quan chức cấp cao của Liên hợp quốc, sau đó là các tuyên bố của 15 thành viên bao gồm Nga, Mỹ và các thành viên châu Âu, Pháp, Ireland, Vương quốc Anh và Albania. Theo quy định của hội đồng, Ukraine cũng sẽ phát biểu.

Đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc Trương Quân, nói rằng Bắc Kinh ủng hộ Moscow phản đối một cuộc họp hội đồng. "Cả hai bên (Nga và Ukraine) đều tỏ ra sẵn sàng tiếp tục đàm phán", ông nói với báo giới hôm 28/1, "hãy để họ giải quyết những khác biệt thông qua đối thoại, thông qua đàm phán".

"Nga đã nói rõ ràng rằng họ không có ý định xảy ra chiến tranh và Hội đồng Bảo an nên giúp làm dịu tình hình thay vì đổ thêm dầu vào lửa", đại sứ Trung Quốc nói thêm.

Người đứng đầu Hội đồng An ninh Nga, Nikolai Patrushev, hôm 30/1 đã bác bỏ những cảnh báo của phương Tây về "một cuộc xâm lược". Tass dẫn lời ông Nikolai nói: "Tại thời điểm này, họ đang nói rằng Nga đe dọa Ukraine - điều đó hoàn toàn vô lý. Chúng tôi không muốn chiến tranh và chúng tôi không cần phải làm vậy".