Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cảnh báo năm mới đầy sóng gió với Eurozone

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đang đứng trước sức ép phải tăng cường khả năng đề kháng trước nguy cơ cuộc khủng hoảng nợ công lan nhiễm tới các thành viên khỏe mạnh và hạ gục hệ thống ngân hàng khu vực.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 19/12 cảnh báo trong năm 2012, khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) sẽ đối mặt với những khó khăn tài chính “lớn chưa từng có,” có thể dẫn tới một đợt suy thoái kinh tế mới.

Theo phóng viên TTXVN tại Anh, trong “Báo cáo ổn định tài chính” trình bày trước Nghị viện châu Âu, Tổng giám đốc ECB Mario Draghi nhấn mạnh các ngân hàng và chính phủ thuộc Eurozone sẽ cần phải vay thêm những khoản tiền khổng lồ trong năm 2012 để có thể cân đối tài chính, trong bối cảnh các nhà đầu tư đang rất ngần ngại bỏ tiền vào khu vực này. Vì vậy, sức ép trên thị trường trái phiếu sẽ rất lớn.

Trên thực tế, quá trình huy động vốn trên thị trường trái phiếu đối với ngay cả những thành viên lớn của Eurozone như Italy và Tây Ban Nha đang ngày càng khó khăn. Trong khi đó, luồng tín dụng liên ngân hàng và từ ngân hàng tới doanh nghiệp và người tiêu dùng cũng dần cạn kiệt.

Theo ông Draghi, năm 2012 sẽ là một năm đầy khó khăn đối với các ngân hàng, nhất là trong quý 1. Tình trạng khan hiếm tín dụng có thể gây ra một đợt suy giảm nữa trong tăng trưởng kinh tế, và có thể là một cuộc suy thoái.

Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đang đứng trước sức ép phải tăng cường khả năng đề kháng trước nguy cơ cuộc khủng hoảng nợ công lan nhiễm tới các thành viên khỏe mạnh và hạ gục hệ thống ngân hàng khu vực. Bản thân ECB cũng bị gây sức ép phải tham gia việc cho các chính phủ thành viên của Eurozone vay tiền trong trường hợp khẩn cấp, bằng cách mua trái phiếu của họ. Tuy nhiên, ECB và Đức phản đối đề nghị này vì sợ rằng chính uy tín tài chính của ECB sẽ bị ảnh hưởng.

Tại hội nghị bộ trưởng tài chính EU hôm 19/12, các bên tham gia đã nhất trí tăng thêm 150 tỷ euro cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để tổ chức này có thể cứu trợ thành viên Eurozone khi cần thiết. Tuy nhiên, việc Anh từ chối tham gia chương trình này đã làm dấy lên nguy cơ Eurozone có thể không thực hiện được mục tiêu huy động 200 tỷ euro cho quỹ bình ổn tài chính khu vực.