Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cảnh báo ngộ độc thực phẩm trong mùa nắng nóng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời tiết nắng nóng oi bức là điều kiện tốt cho các vi sinh vật trong thực phẩm phát triển mạnh.

Vì vậy, do chủ quan và bất cẩn, nhiều người đã sử dụng các thức ăn để lâu bên ngoài, không được bảo quản tốt dẫn đến tình trạng ngộ độc thực phẩm. Các chuyên gia khuyến cáo, bảo quản thực phẩm đúng cách sẽ giảm thiểu nguy cơ ngộ độc và mắc các bệnh về đường tiêu hóa.

Gia tăng ca ngộ độc thực phẩm

Theo thống kê của Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, trong 2 tuần trở lại đây khi thời tiết miền Bắc chuyển sang nắng nóng, số ca ngộ độc thực phẩm đã tăng lên. Trung bình mỗi ngày, Trung tâm tiếp nhận 10 bệnh nhân nhập viện do ngộ độc thực phẩm, nguyên nhân chủ yếu là do ăn phải thức ăn nhiễm vi sinh vật. Mặc dù số ca bệnh không tăng đột biến nhưng so với thời điểm đầu năm cũng đã tăng gấp 4 - 5 lần. 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên – phụ trách Trung tâm Chống độc cho biết, bên cạnh những bệnh nhân ngộ độc thực phẩm do ăn phải thức ăn nhiễm vi sinh vật, vẫn có những trường hợp ngộ độc do ăn phải thức ăn có lượng hóa chất tồn dư lớn như thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất bảo quản… “Đáng lo ngại là những trường hợp bệnh nhân này thường có biểu hiện không rõ ràng, kết quả xét nghiệm cũng không tìm ra cụ thể ngộ độc do loại hóa chất nào nên khó quy kết được nguyên nhân” - bác sĩ Nguyên cho hay.

Như trường hợp của gia đình chị Nguyễn Thu Hiền (Hoàng Mai, Hà Nội), trong những ngày nghỉ lễ 30/4, 1/5 vừa qua, gia đình thường xuyên tụ tập ăn uống đông người nên chị mua một lượng thực phẩm khá lớn. Sau bữa ăn trưa ngày 30/4, thức ăn còn thừa, chị không cất vào tủ lạnh. Đến gần đêm, con trai chị đi chơi về đã ăn phải thực phẩm nhiễm khuẩn. Chỉ khoảng một giờ sau, cậu bé có triệu chứng đau bụng, buồn nôn, đi ngoài và phải đưa đi cấp cứu.

Tại TP Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến nay đã xảy ra 5 vụ ngộ độc thực phẩm tập thể với hơn 160 người mắc. Trong đó, nguyên nhân chính là do thực phẩm nhiễm vi sinh vật như E.coli, Salmonella, tụ cầu vàng. Tính trên cả nước, trong quý I đã xảy ra 25 vụ ngộ độc thực phẩm với 969 người mắc, 669 người nhập viện và 2 trường hợp tử vong.

Bảo quản thực phẩm đúng cách

Trước tình hình trên, Cục ATTP, Bộ Y tế khuyến cáo, người tiêu dùng tuyệt đối không sử dụng những thực phẩm đã ôi thiu, mốc, hỏng và quá hạn sử dụng để chế biến, đồng thời không thu hái, đánh bắt, sử dụng các động, thực vật độc như nấm độc, cá nóc, sò biển, ốc lạ, quả lạ... Còn theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, trong bối cảnh nhiều nguy cơ mất ATTP, người dân cần mua thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng; khi chế biến ở nhà cần thực hiện nguyên tắc nấu chín thực phẩm, sử dụng sớm sau khi nấu, hạn chế thức ăn thừa. Đồng thời, thực phẩm cần được bảo quản cẩn thận trong tủ lạnh trong thời gian ngắn nhất có thể, không lạm dụng tủ lạnh để bảo quản thực phẩm quá lâu.

Theo đó, rau quả chỉ có thể bảo quản được từ 3 - 5 ngày; hải sản có thể trữ trong ngăn đá tủ lạnh khoảng 2 ngày, còn các loại thịt thì có thể trữ được 3 - 5 ngày trong điều kiện nhiệt độ thích hợp. Chú ý không nên để lẫn thức ăn sống với thức ăn chín và đảm bảo nhiệt độ khi chế biến thức ăn. Chủ động phòng chống là cách tốt nhất để đối phó với tình trạng ngộ độc thực phẩm trong mùa nắng nóng. Vì vậy, mỗi cá nhân cần tự trang bị cho mình những hiểu biết cơ bản nhất để không xảy ra tình trạng đáng tiếc, gây tổn hại sức khỏe.