Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cảnh báo nguy cơ từ ổ dịch công trường xây dựng

Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước việc phát hiện các ca dương tính liên quan đến công trình xây dựng tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, nhiều người lo ngại, nếu không có các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 quyết liệt tại các công trường xây dựng, nơi tập trung nhiều công nhân, lao động thì rất dễ hình thành các ổ dịch lớn, nguy cơ lây nhiễm chéo cao.

 Chuyên gia y tế khuyến cáo, đảm bảo an toàn phòng dịch là yêu cầu rất quan trọng trong thực hiện công trình hiện nay. Do đó, đơn vị, nhà thầu luôn nêu cao trách nhiệm, kiểm soát người ra vào công trường, thực hiện nghiêm nguyên tắc “3 tại chỗ”.
“Đóng rào”, thực hiện “3 tại chỗ”
Theo Sở Y tế Hà Nội, từ ngày 6/8 đến ngày 7/8, Hà Nội đã ghi nhận 32 ca dương tính tại ổ dịch công trường xây dựng Bệnh viện Đa khoa Hà Đông. Hiện toàn bộ khu công trường, xung quanh bệnh viện đã được phong toả, lực lượng chức năng đã phun khử khuẩn. Hiện chùm ca bệnh này chưa xác định được nguồn lây.
Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hà Đông Đào Thiện Tiến cho biết, các ca dương tính tại khu công trình thi công nhà 9 tầng biệt lập với các khu các của bệnh viện. Kết quả điều tra dịch tễ cho thấy, những bệnh nhân này không có tiền sử dịch tễ, vào làm việc tại công trường dự án nâng cấp – cải tạo khối nhà Ngoại Sản của Bệnh viện Đa khoa Hà Đông từ đầu tháng 7/2021. Họ đều được xét nghiệm sàng lọc trước khi vào công trường và sàng lọc định kỳ theo kế hoạch. Khu công trường thi công nhà 9 tầng biệt lập với các khu vực khác của bệnh viện.
 Đo thân nhiệt cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông.
Kể từ ngày 27/4/2021, thực hiện Chỉ thị 17 của TP Hà Nội về việc giãn cách xã hội trên địa bàn TP, để phòng, chống dịch Covid-19, công trình này đã dừng thi công.  Theo quy định “ai ở đâu, ở yên đó” nên nhiều công nhân xây dựng là người ở tỉnh xa, thường ngày vẫn ở tại lán trong công trường, là khu riêng biệt với Bệnh viện Đa khoa Hà Đông nên khi thực hiện giãn cách xã hội, họ không đi về quê hoặc ra bên ngoài. Họ chỉ hoạt động trong phạm vi lán của tổ xây dựng (gồm 35 công nhân), ăn uống, sinh hoạt chung tại lán của công trường. Theo đánh giá ban đầu của CDC Hà Nội, do các công nhân đã thực hiện nguyên tắc "3 tại chỗ" nên nguy cơ lây nhiễm trong Bệnh viện Đa khoa Hà Đông là rất thấp.
Sau khi công trường xây dựng bên trong Bệnh viện Đa khoa Hà Đông phải phong toả, TP Hà Nội yêu cầu các dự án thi công (trong đó có 8 dự án giao thông cấp bách), phải thực hiện “đóng rào”, công nhân thực hiện “3 tại chỗ”. Trong đó, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu phải có phương án, kịch bản duy trì thi công đảm bảo phòng chống dịch Covid-19, nhất là trong giai đoạn giãn cách xã hội.
Theo đó, với công trình thi công có khuôn viên độc lập, đơn vị thi công phải có hàng rào khép kín xung quanh công trường để tổ chức giám sát, kiểm soát các hoạt động ra - vào công trường, đáp ứng điều kiện phòng chống dịch bệnh đúng quy định và phải thực hiện nguyên tắc “3 tại chỗ”, gồm: Sản xuất, ăn uống, nghỉ ngơi tại chỗ và không đi ra ngoài công trường khi không có nhiệm vụ. Các công trình xây dựng theo tuyến phải có biện pháp tổ chức thực hiện nguyên tắc 3 tại chỗ hoặc nguyên tắc “một cung đường hai điểm đến” và phải được UBND cấp huyện nơi có công trình xây dựng chấp thuận trước khi thực hiện.
Với hoạt động cung cấp vật tư xây dựng, lãnh đạo TP Hà Nội yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu phải xây dựng phương án, kế hoạch nhu cầu cung ứng vật tư, đồng thời báo cáo địa phương về nhu cầu, đơn vị cung cấp, lịch trình, số lượt và thời gian phương tiện vận chuyển để được xem xét, chấp thuận. Trên cơ sở phương án, kế hoạch của chủ đầu tư, nhà thầu, địa phương báo cáo Sở GTVT để được cấp giấy xác nhận cho các phương tiện phục vụ thi công xây dựng được phép di chuyển.
Hạn chế đi lại, tránh nguy cơ lây bệnh từ bên ngoài
Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho rằng, điều nguy hiểm trong đợt dịch lần thứ 4 chính là dịch tấn công thẳng vào các cơ sở y tế, nhất là các bệnh viện tuyến cuối, nơi được coi là “thành trì chống dịch” và cũng là nơi Covid-19 dễ lây lan ra nhiều địa phương khác. “Đến nay, Bệnh viện Phổi Trung ương vẫn giữ được an toàn. Đặc biệt là với mô hình sàng lọc 3 lớp xét nghiệm Xpert của bệnh viện đảm bảo virus không xâm nhập vào bệnh viện cũng là đảm bảo an toàn của khối điều trị. Với mô hình này, thứ nhất là bảo vệ bệnh nhân, những người có bệnh nền. Thứ hai, bảo vệ bác sĩ và điều dưỡng - những người trên mặt trận chống dịch, đồng thời, phải chủ động, có một kế hoạch cũng như có một đội ngũ đủ mạnh. Thứ ba, lãnh đạo phải chuẩn bị nhiều kịch bản để ứng phó khi cần, tránh bị lúng túng.
“Thời điểm này, các bệnh viện phải coi những công nhân trong đơn vị thi công tại bệnh viện như cán bộ, nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Những công nhân này đều phải ăn, ở tại chỗ và được xét nghiệm định kỳ như cán bộ, nhân viên y tế của bệnh viện. Đây cũng là những đối tượng nên được ưu tiên tiêm vaccine Covid-19. Trước tình hình dịch hiện nay, công nhân tham gia công trình xây dựng không nên đi lại, thực hiện nghiêm nguyên tắc “3 tại chỗ”. Nếu tập trung “3 tại chỗ” không đảm bảo thì đơn vị phải dừng thi công” - PGS.TS Nguyễn Viết Nhung nhấn mạnh.
Đề cập đến vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, Bộ Y tế cho rằng, trước tình hình dịch hiện nay, nước ta cũng như Hà Nội xuất hiện rải rác các ca mắc trong cộng đồng, trong đó có những ca không phát hiện ra được, không rõ nguồn lây. Vì vậy, những công nhân ở các công trường xây dựng hạn chế giao lưu, đi lại ra bên ngoài bởi có thể nguy cơ lây bệnh từ bên ngoài vào công trường bất cứ lúc nào. Trong khi, người cung ứng, mua bán vật liệu xây dựng, người nấu ăn, ra ngoài đi chợ có thể là nguồn lây. Đặc biệt, bản thân công nhân công trường, chỗ ăn, ở chật chội, đông đúc. Nên khi một người bị mắc Covid-19 sẽ lây nhiễm cho những người khác.
“Để đảm bảo an toàn cho công nhân, đơn vị thi công cũng như chủ đầu tư nên sắp xếp cho công nhân ăn, ở tại chỗ là tốt nhất trong thời gian giãn cách, hạn chế việc giao lưu đi lại, tiếp xúc với người ngoài. Đặc biệt, người cung ứng cũng không nên tiếp xúc với hệ thống công nhân. Bên cạnh đó, chúng ta phải thực hiện tốt khuyến cáo 5K của Bộ Y tế. Trong lúc này, mọi đơn vị, người dân trên địa bàn Hà Nội phải thực hiện nghiêm giãn cách xã hội. Những đơn vị nào được phép xây dựng thì tiếp tục triển khai. Còn các công trình, đơn vị khác không được xây dựng phải thực hiện nghiêm giãn cách. Trong thời gian giãn cách, công nhân, những người liên quan đến công trường xây dựng không được về quê, không đến những nơi khác tránh lây nhiễm từ cộng đồng vào” - PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo.
Theo các chuyên gia, thời điểm này, các chủ đầu tư, đơn vị thi công nghiêm túc chấp hành, triển khai đầy đủ các biện pháp và hướng dẫn về phòng, chống dịch theo quy định. Tại các công trường, lán trại, nơi làm việc của các nhà thầu thi công đều có băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền phòng dịch, trang bị đầy đủ các thiết bị y tế, bố trí lực lượng tổ chức đo thân nhiệt, có sổ sách ghi chép và yêu cầu công nhân thường xuyên rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn. Đơn vị thi công thường xuyên nhắc nhở công nhân tránh tập trung đông, đảm bảo khoảng cách trong thời gian nghỉ tại công trường. Đây là những biện pháp cần thiết, góp phần chung tay với cả nước đẩy lùi dịch bệnh.