Cảnh báo nhiều chiêu trộm tài khoản ngân hàng

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, các đối tượng lừa đảo sử dụng nhiều chiêu thức tinh vi, giả danh ngân hàng lừa đảo qua điện thoại để ăn cắp thông tin tài khoản của khách hàng.

Để tránh bẫy của kẻ gian, cơ quan công an, các ngân hàng khuyến cáo khách hàng đề cao cảnh giác khi có nghi ngờ về hành vi lừa đảo.
Gửi tin nhắn giả đầu số ngân hàng lừa đảo

Một số ngân hàng vừa qua liên tục cảnh báo tình trạng giả mạo thương hiệu ngân hàng gửi tin lừa đảo đến khách hàng để lấy cắp thông tin, trộm tiền tài khoản. Mới đây, anh Tâm (quận 3, TP Hồ Chí Minh) cũng nhận tin nhắn có nội dung giả mạo Ngân hàng Sacombank. Cụ thể: “Phát hiện tài khoản của bạn đăng nhập khác vùng bất thường, vui lòng đăng nhập http://vn-sacombank.com để xác nhận thông tin và thay đổi mật khẩu".
 Ảnh minh họa.
Tương tự, ngày 3/2, chị Trang (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) thông tin cảnh báo những người thân và bạn bè tình trạng lừa đảo bằng hình thức tin nhắn giả mạo thương hiệu ngân hàng. Chị Trang nhận được tin nhắn thể hiện đầu số ACB với nội dung: “Chúng tôi phát hiện tài khoản của bạn đang tiêu dùng ở nước ngoài. Nếu không phải bạn đang tiêu dùng, vui lòng nhập vào https://v-acb.com để hủy thanh toán”.
Liên quan các tin nhắn mạo danh ngân hàng, ACB cảnh báo: “Hiện có các tin nhắn SMS mạo danh ACB gửi đến khách hàng nhằm mục đích lừa đảo. Các yêu cầu cung cấp thông tin hoặc số OTP hoặc mời bấm link đều là giả mạo. Đề nghị quý khách cảnh giác và chỉ giao dịch với ACB qua các kênh chính thức, ứng dụng ACB, website”. Có thể thấy rõ, đây là chiêu lừa đảo khá tinh vi khi đầu số gửi tin nhắn đến khách hàng đều mang thương hiệu của các ngân hàng, điều này dễ làm khách hàng mất cảnh giác và thực hiện theo hướng dẫn trên tin nhắn.

Các ngân hàng cũng cảnh báo: Dịp trước, trong và sau Tết luôn là thời điểm các hoạt động gian lận, lừa đảo tài chính diễn ra phức tạp với các thủ đoạn ngày càng tinh vi. Đặc biệt, thời gian gần đây, xuất hiện hình thức mạo danh tin nhắn của ngân hàng để lừa khách hàng bấm vào đường link trong tin nhắn, từ đó đánh cắp thông tin dịch vụ ngân hàng điện tử và chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng. Để phòng tránh các hình thức lừa đảo và đảm bảo an toàn khi giao dịch, khách hàng tuyệt đối không truy cập các đường link, liên kết trong tin nhắn/ email lạ hoặc không rõ nguồn gốc. Ngân hàng không bao giờ yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin bảo mật của khách hàng dưới bất cứ hình thức nào. Khách hàng chỉ nên đăng nhập vào những đường link dịch vụ ngân hàng điện tử chính thức.
Khách hàng cũng nên hạn chế dùng máy tính công cộng, mạng không dây công cộng khi truy cập vào hệ thống ngân hàng điện tử; không cung cấp tên, mật khẩu đăng nhập ngân hàng trực tuyến, mã xác thực OTP, số thẻ ngân hàng qua điện thoại, email, mạng xã hội và các trang web. Đặt mật khẩu khó đoán, thực hiện thay đổi mật khẩu thường xuyên hoặc khi nghi ngờ bị lộ. Không sử dụng các tính năng lưu mật khẩu để đăng nhập tự động, không sử dụng chung một mật khẩu để đăng nhập ngân hàng trực tuyến và mật khẩu thư điện tử hoặc mật khẩu đăng nhập vào các mạng xã hội...

Cảnh giác trước thủ đoạn phạm tội

Bộ Công an cảnh báo, qua công tác nắm tình hình, lực lượng công an phát hiện thủ đoạn lừa đảo gian lận chiếm đoạt tài khoản ngân hàng. Đây là thủ đoạn mới và có thể là xu hướng tội phạm trong thời gian tới, để chiếm đoạt tài sản của các tổ chức, cá nhân. Người dân cần hết sức cảnh giác trước thủ đoạn phạm tội này của các đối tượng lừa đảo. Bộ Công an đề nghị, khi phát hiện hành vi lừa đảo, người dân cần thông báo ngay đến cơ quan công an nơi gần nhất để được hướng dẫn giải quyết; hoặc tra cứu địa chỉ tố giác tội phạm trên Chuyên mục “Hướng dẫn tố giác tội phạm” của Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an.

Theo các chuyên gia pháp luật, cùng với sự phát triển của internet, phần mềm thông minh, việc sử dụng các dịch vụ ngân hàng trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Khách hàng hoàn toàn có thể sử dụng tất cả những dịch vụ ngân hàng chỉ với một chiếc smartphone. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của công nghệ, những thủ đoạn lừa đảo ngày càng phức tạp, tinh vi hơn, đặc biệt là lừa đảo chiếm đoạt tài khoản ngân hàng qua tin nhắn, điện thoại và mạng xã hội đang ngày càng có những diễn biến phức tạp dưới nhiều hình thức tinh vi khiến cho rất nhiều người rơi vào “bẫy” chỉ vì sự thiếu hiểu biết và chủ quan.

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Bùi Quang Thu (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, hành vi giả danh ngân hàng lừa đảo qua điện thoại để ăn cắp thông tin tài khoản của khách hàng là hành vi nguy hiểm cho xã hội cần được ngăn chặn, xử lý nghiêm. Bởi những đối tượng có hành vi này chủ yếu nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của người khác. Hành vi này có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chủ sở hữu, người quản lý tài sản tin tưởng và giao tài sản nhằm mục đích chiếm đoạt. Để lừa được chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản, người thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể sử dụng nhiều cách khác nhau như: bằng lời nói dối, giả mạo giấy tờ, giả danh người có chức vụ, quyền hạn, giả danh cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội…
“Tùy thuộc vào giá trị tài sản bị chiếm đoạt mà người lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể bị phạt xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Nhà nước. Nặng nhất, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 12 - 20 năm hoặc tù chung thân khi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên hoặc lợi dụng tình trạng khẩn cấp để lừa đảo chiếm đoạt tài sản...” - luật sư Bùi Quang Thu cho biết.

Để người dân không bị dính bẫy của các đối tượng lừa đảo, một số ngân hàng đã đặt các biển cảnh báo tại tất cả các phòng giao dịch, tuyên truyền, hướng dẫn người dân mỗi khi đến ngân hàng rút tiền. Nhân viên ngân hàng chủ động hỏi và hướng dẫn cho họ đọc những thông tin hướng dẫn. Từ công tác tuyên truyền đó, cơ quan chức năng đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn hàng loạt vụ lừa đảo chiếm đoạt số tiền lên tới hàng tỷ đồng...

"Người dân phải nâng cao cảnh giác cũng như cần phải tố giác tội phạm để cùng với cơ quan chức năng, chuyên ngành có những biện pháp ngăn chặn và xử lý tốt nhất nhằm đẩy lùi vấn nạn lừa đảo chiếm đoạt tài khoản ngân hàng qua tin nhắn, điện thoại và mạng xã hội." - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối - luật sư Nguyễn Ngọc Hùng

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần