Thế giới ngày nay đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Hàng năm, 6,7 triệu người chết do ô nhiễm không khí, với gần 2/3 số ca tử vong sớm do bụi mịn gây ra.
Theo tạp chí Lancet Planetary Health, khoảng 99,82% diện tích đất trên toàn cầu bị bao phủ bởi lớp bụi mịn PM2.5 – là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh ung thư phổi và bệnh tim – vượt mức an toàn mà Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra và chỉ 0,001% dân số thế giới hít thở bầu không khí được coi là chấp nhận được.
Một nghiên cứu mới của các nhà khoa học Úc và Trung Quốc cho biết tình trạng ô nhiễm không khí ở tất cả mọi nơi trên trái đất đều ở mức báo động.
Theo nghiên cứu, hơn 70% số ngày trong năm 2019 có nồng độ PM2.5 hàng ngày vượt quá 15 microgam/m3 – tiêu chuẩn của WHO. Đặc biệt, tình trạng này càng đáng quan ngại hơn ở các khu vực như Nam Á và Đông Á - nơi mà hơn 90% số ngày có nồng độ PM2.5 trên ngưỡng 15 microgam/m3.
Mặc dù bất kỳ lượng PM2.5 nào cũng đều có hại, tuy nhiên thay vì quan tâm đến việc con người tiếp xúc với PM2.5 trong thời gian ngắn, các nhà khoa học và cơ quan quản lý chỉ quan tâm đến việc ô nhiễm trong thời gian dài.
Yuming Guo, trưởng nhóm nghiên cứu và là giáo sư sức khỏe môi trường tại Đại học Monash cho biết: “Tôi hy vọng nghiên cứu của chúng tôi có thể thay đổi quan điểm của các nhà khoa học và nhà hoạch định chính sách về việc tiếp xúc với PM2.5 hàng ngày.
“Tiếp xúc trong thời gian ngắn với PM2.5 cũng gây ra các vấn đề nghiêm trọng đối với sức khỏe… Nếu chúng ta có thể hít thở không khí sạch mỗi ngày, thì tất nhiên việc tiếp xúc với ô nhiễm không khí trong thời gian dài sẽ được cải thiện.”
Trong khi các nhà khoa học và quan chức y tế công cộng từ lâu đã cảnh giác với những mối nguy hiểm này thì việc định lượng mức độ nhiễm PM2.5 hàng ngày trên toàn cầu đang gặp phải khó khăn do thiếu các trạm quan trắc ô nhiễm.
Ông Guo và các thành viên đã khắc phục sự thiếu hụt này bằng cách kết hợp các phép đo ô nhiễm không khí trên mặt đất từ hơn 5.000 trạm quan trắc trên toàn thế giới với các máy mô phỏng, dữ liệu khí tượng và các yếu tố địa lý để ước tính nồng độ PM2.5 hàng ngày trên toàn cầu.
Khi ước tính mức nhiễm hàng năm trên tất cả các khu vực, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng nồng độ cao nhất xảy ra ở Đông Á (50 microgam/m3), tiếp theo là Nam Á (37 microgam/m3) và Bắc Phi (30 microgam/m3).
Trong khi đó, các khu vực khác ở Châu Đại Dương và Nam Mỹ là những nơi có nồng độ PM2.5 hàng năm thấp nhất.
Họ cũng xem xét tình trạng ô nhiễm không khí đã thay đổi như thế nào trong hai thập kỷ tính đến năm 2019. Ví dụ: hầu hết các khu vực ở Châu Á, Châu Phi phía Bắc và cận Sahara, Châu Đại Dương, Châu Mỹ Latinh và Caribe đều chứng kiến sự gia tăng đột ngột của nồng độ PM2.5 trong vòng 20 năm – một phần do cháy rừng gây ra.
Nồng độ PM2.5 cao ở Châu Âu và Bắc Mỹ đã giảm nhờ các quy định chặt chẽ hơn. Các hạt ô nhiễm ở khu vực này được tạo thành từ các phương tiện giao thông, khói và tro từ cháy rừng và ô nhiễm bếp sinh khối, cộng với khí sunfat từ quá trình sản xuất điện và bụi sa mạc.
Nghiên cứu cũng cho thấy mức độ của các hạt ô nhiễm thay đổi như thế nào tùy theo mùa, phản ánh các hoạt động của con người làm tăng tốc độ ô nhiễm không khí. Ví dụ, vùng đông bắc Trung Quốc và bắc Ấn Độ đã ghi nhận nồng độ PM 2,5 cao hơn từ tháng 12/2022 đến tháng 2/2023, có thể là do việc tăng cường sử dụng các máy phát nhiệt đốt nhiên liệu hóa thạch trong những tháng mùa đông.
Mặt khác, các quốc gia Nam Mỹ như Brazil đã chứng kiến mức tăng nồng độ hạt ô nhiễm trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 9/2022, có thể liên quan đến việc đốt nương làm rẫy vào mùa hè.