Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cảnh báo sốt xuất huyết gia tăng, nhiều ca biến chứng nặng

Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) tiếp tục tăng cao, trong đó, gia tăng bệnh nhân nặng do thời tiết mưa nhiều. Chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân khi có triệu chứng sốt, đau mỏi… nên đến cơ sở y tế khám, tránh trường hợp biến chứng nặng.

Hà Nội ghi nhận hơn 1.300 ca mắc

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua, TP ghi nhận 308 trường hợp mắc SXH và 22 ổ dịch mới, không có trường hợp nào tử vong. Tính từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận 1.342 ca mắc SXH, không có trường hợp tử vong, tăng gấp 3 lần so với số mắc cùng kỳ năm 2021. Theo đó, bệnh nhân ghi nhận tại 27 quận/huyện, 144 xã/phường/thị trấn. Bệnh nhân tập trung chủ yếu tại một số quận, huyện như: Đống Đa (36), Thường Tín (33), Thanh Trì (32), Thanh Oai (28), Phú Xuyên (19), Hoàng Mai (18), Ba Đình (15).

CDC Hà Nội nhận định, số ca mắc SXH tiếp tục tăng cao so với tuần trước. Dự báo số ca mắc SXH vẫn tăng thời gian tới do đang trong cao điểm mùa dịch, kết quả giám sát tại nhiều điểm có chỉ số muỗi, bọ gậy cao vượt ngưỡng.

Bộ Y tế cho biết, theo thống kê từ các địa phương, tuần qua cả nước ghi nhận 8.891 trường hợp SXH. So với tuần trước (10.852 ca mắc, 3 trường hợp tử vong) số mắc SXH hơn giảm 18%. Trong đó, số nhập viện là 6.784 trường hợp, so với tuần trước (8.347 trường hợp nhập viện) số nhập viện giảm 18,7%. Tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 179.011 ca mắc SXH, 70 trường hợp tử vong.

Bệnh nhân mắc SXH được điều trị, chăm sóc tích cực tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.
Bệnh nhân mắc SXH được điều trị, chăm sóc tích cực tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

Tại Miền Bắc vào mùa nắng nóng, mưa nhiều đang là điều kiện thuận lợi để muỗi gây bệnh SXH phát triển. Từ tháng 8 đến nay, tại Hà Nội và nhiều tỉnh phía Bắc, số ca SXH tăng mạnh.

Thời điểm này, tại các bệnh viện cũng tiếp nhận nhiều bệnh nhân SXH nặng. Riêng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đang điều trị gần 30 ca SXH, trong đó gần 10 ca nặng và mỗi ngày tiếp nhận thêm từ 3 - 6 ca nặng từ tuyến dưới chuyển lên.

TS Thân Mạnh Hùng - Phó Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, mới đây, trường hợp nữ bệnh nhân 38 tuổi, khi vào viện đã là ngày thứ 4 của bệnh, rất nặng, suy hô hấp, phải đặt nội khí quản, thở máy, lọc máu. Sau 2 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân có tiến triển, qua giai đoạn nguy hiểm, sức khỏe tương đối ổn định, đang dần được dừng thở máy, cai thuốc an thần.

Trước đó, bệnh nhân có triệu chứng sốt cao, đau đầu, tự điều trị tại nhà nhưng bệnh không giảm. Vào khoa Cấp cứu, bệnh nhân đã trong tình trạng khó thở, thiếu máu, phổi tổn thương, tiểu cầu giảm, rối loạn đông máu nặng, suy thận…

Thời gian qua, tại bệnh viện đã có 4 trường hợp tử vong, nguyên nhân chính là do bệnh nhân chủ quan, vào viện muộn trong tình trạng suy gan, suy thận, có bệnh nhân nôn ra máu, chảy máu rất nhiều, xuất huyết trong cơ, xuất huyết tiêu hóa…

Trước thực tế nhiều người mắc SXH đã tự ý điều trị bệnh tại nhà, TS Thân Mạnh Hùng đã đưa ra cảnh báo, việc tự truyền nước hoặc sử dụng các dịch vụ tại nhà mà không có sự kiểm soát chặt của nhân viên y tế rất nguy hiểm. Khi truyền dịch tại nhà, người dân có thể bị phản vệ ngay với dịch truyền. Trong khi đó, điều kiện cấp cứu tại nhà không thể tốt và đầy đủ như ở các cơ sở y tế, đặc biệt là hộp chống sốc cũng như những phương tiện cấp cứu khác.

Không phải bệnh nhân nào cũng cần được truyền dịch. Bởi vì dịch truyền đôi khi làm tăng gánh nặng của tim, gây ra tình trạng nguy hiểm ở nhóm người mắc bệnh tim mạch hay hô hấp. Ngoài ra, khi truyền dịch tại nhà, điều kiện về sát khuẩn như bông băng, cồn có thể không đảm bảo bằng ở các cơ sở y tế, do đó, việc nhiễm khuẩn trong khi thao tác truyền rất dễ xảy ra.

Đối với bệnh SXH, bác sĩ Thân Mạnh Hùng cho biết, trong những ngày đầu (thường là 4 ngày đầu), người bệnh có thể được chỉ định truyền dịch. Đến khi bệnh nhân bắt đầu bước vào trạng thái thoát dịch, tăng tính thấm thành mạch, lúc này, truyền dịch không kiểm soát có thể gây tràn dịch màng phổi, tim, bụng dẫn đến suy hô hấp, tuần hoàn. Việc tự ý truyền nước làm nặng thêm quá trình bệnh. Do đó, người bệnh nên đến bệnh viện để khám, chẩn đoán và nghe tư vấn của bác sĩ nếu muốn truyền dịch, không tự ý truyền tại nhà.

Nguy cơ diễn biến nặng

Đề cập đến vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương lưu ý, SXH là bệnh cấp tính nên diễn biến nặng rất nhanh chóng. Người bệnh từ lúc có dấu hiệu cảnh báo cho đến khi xuất hiện sốc, nếu không được xử lý phù hợp thì có thể chỉ khoảng vài tiếng.

"Nguy cơ diễn biến nặng ở bệnh nhân SXH có thể xảy ra ở mọi đối tượng, tuy nhiên mô hình diễn biến có thể khác nhau. Ở trẻ nhỏ thường gặp tình trạng sốc nhiều hơn, ít có biến chứng chảy máu nghiêm trọng. Ở người già và người có bệnh nền, biến chứng chảy máu nghiêm trọng hơn, nhất là ở người loét dạ dày tá tràng, xơ gan có giãn tĩnh mạch. Nếu như xuất huyết xảy ra trên những bệnh nhân này thì việc xử lý cực kỳ khó khăn" - bác sĩ Nguyễn Trung Cấp khuyến cáo.

Bệnh SXH ở miền Bắc thường bắt đầu từ tháng 7 kéo dài đến tháng 11. Thời điểm tháng 9, tháng 10 sẽ là đỉnh dịch. Tuy nhiên theo các bác sĩ năm nay, SXH có diễn biến bất thường khi nhiều ca nặng xuất hiện sớm hơn.

Các bệnh nhân SXH nặng được theo dõi sát sao tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.
Các bệnh nhân SXH nặng được theo dõi sát sao tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

TS Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, trong 10 năm qua, tỷ lệ tử vong do SXH ở Việt Nam vẫn ở mức thấp trong khu vực. Tuy nhiên do nhiều yếu tố khách quan, đặc biệt là dịch Covid-19 kéo dài khiến nhiều đơn vị gặp khó khăn, ca tử vong năm nay tăng cao hơn so với năm ngoái.

Các chuyên gia cho rằng, có thể đặc tính của virus hoặc diễn biến trên quần thể bệnh nhân có thay đổi, đặc biệt là sau một giai đoạn dài chống Covid-19, số người bị mắc Covid-19 rất nhiều, miễn dịch của người dân thay đổi, điều đó cũng làm ảnh hưởng đến diễn biến trên bệnh nhân SXH. Các bác sĩ lưu ý, đặc điểm SXH là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong.

Theo các chuyên gia, bệnh SXH có biểu hiện lâm sàng đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: Sốt, nguy hiểm và hồi phục.

Bắt đầu từ ngày thứ 4, bệnh có dấu hiệu nguy hiểm. Vì thế, trong những ngày đầu người bệnh có thể ở nhà, uống thuốc hạ sốt, bù dịch hoặc đi khám để được bác sĩ cho đơn và hẹn tái khám. Từ ngày thứ 4 thì nên vào viện vì đây là lúc có thể xuất hiện những dấu hiệu nguy hiểm, do đó người bệnh đến khám lại ngay khi có một trong các dấu hiệu sau: Cảm thấy khó chịu hơn mặc dù sốt giảm hoặc hết sốt; không ăn, uống được; nôn nhiều; đau bụng nhiều; tay chân lạnh, ẩm; mệt lả, bứt rứt; chảy máu mũi, miệng hoặc xuất huyết âm đạo; không tiểu trên 6 giờ. Biểu hiện hành vi thay đổi như lú lẫn, tăng kích thích, vật vã hoặc li bì, khó thở.

Để phòng bệnh SXH, Bộ Y tế kêu gọi người dân mỗi tuần dành 10 phút để diệt bọ gậy/lăng quăng và thực hiện các biện pháp phòng bệnh như kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thay rửa, đậy nắp kín bể và vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng. Bên cạnh đó, các gia đình thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh...; loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng.

Bộ Y tế khuyến cáo, người dân cần ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt. Đặc biệt, người dân không tự ý điều trị SXH tại nhà.

 

Thời gian tới, Hà Nội tiếp tục duy trì đội đáp ứng nhanh và thường trực phòng chống dịch đảm bảo sẵn sàng đáp ứng kịp thời các tình huống dịch bệnh xảy ra trên địa bàn TP. Tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm giám sát huyết thanh và virus Dengue. Tăng cường giám sát phát hiện bệnh nhân tại cộng đồng và các bệnh viện được phân cấp để kịp thời nắm bắt tình hình dịch, phát hiện sớm, điều tra xử lý ca bệnh. Tăng cường giám sát các chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh SXH tại khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, khu vực nguy cơ cao và ổ dịch cũ. Triển khai ngay chiến dịch vệ sinh môi trường - diệt bọ gậy tại khu vực có chỉ số côn trùng vượt ngưỡng nguy cơ, trong đó cần huy động sự tham gia của các ban ngành đoàn thể.