Cảnh báo tai nạn giao thông liên quan tới xe trọng tải lớn

Huyền Sâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong tháng 3 và những ngày đầu tháng 4/2024, nhiều tỉnh thành trên cả nước liên tiếp xảy ra các vụ TNGT thương tâm liên quan đến xe trọng tải lớn. Việc này cảnh báo cần tìm ra những giải pháp để kiềm chế tai nạn giao thông liên quan đến các loại hình phương tiện này.

Mối lo hiện hữu

Xe khách, xe tải và xe đầu kéo là các phương tiện trọng tải lớn, chuyên chở hành khách và hàng hoá. Với kích thước cồng kềnh, điểm mù lớn, việc di chuyển trên đường quốc lộ đông đúc rất dễ xảy ra va chạm giao thông.

Theo số liệu từ Cục CSGT, quý I/2024 toàn quốc đã xảy ra 6.550 vụ tai nạn, làm chết 2.723 người và bị thương 5.246 người. Tai nạn giao thông tập trung chủ yếu ở lĩnh vực giao thông đường bộ với 6.496 vụ, làm chết 2.686 người, bị thương 5.239 người.

Qua phân tích, phương tiện xe tải, xe rơmooc là phương tiện gây tai nạn giao thông xếp thứ hai, tiếp đó là xe ô tô con, ô tô khách...

Trong tháng 3 và những ngày đầu tháng 4, nhiều tỉnh thành liên tiếp xảy ra các vụ TNGT thương tâm liên quan đến xe trọng tải lớn. Một số vụ tai nạn điển hình có thể kể đến như: ngày 14/3, trên địa bàn TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa xe ô tô tải lưu thông theo hướng Nam - Bắc và xe đạp điện do ông H.V.S (SN 1938, trú tại phường Đông Lương, TP Đông Hà) điều khiển, lưu thông cùng chiều. Sau cú va chạm, ông H.V.S thiệt mạng, chiếc xe đạp điện bị hư hỏng.

Sáng 15/3, một vụ tai nạn xảy ra với xe khách của nhà xe Tân Kim Chi chạy tuyến Hà Nội - Đà Nẵng. Trên xe có 34 người, gồm 32 hành khách và 2 lái, phụ xe. Khi xe chạy địa phận thôn Chấp Nam, xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị thì tự gây tai nạn khiến xe bị lật làm nhiều người bị thương nặng, kẹt bên trong xe.

Hiện trường vụ tai nạn lật xe ngày 15/3. Nguồn: Công an tỉnh Quảng Trị
Hiện trường vụ tai nạn lật xe ngày 15/3. Nguồn: Công an tỉnh Quảng Trị

Sở GTVT tỉnh Quảng Trị cho biết, quốc lộ 1A đoạn qua thành phố Đông Hà đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Hằng ngày, các xe ô tô tải trọng lớn phải lưu thông qua khu vực thành phố đông dân cư, vì địa phương này chưa có đường tránh.

Tại Thừa Thiên - Huế, ngày 10/3, một vụ tai nạn diễn ra trên tuyến tránh TP Huế, một xe khách đã va chạm với 2 người đi xe máy ngược chiều khiến 2 người đi xe máy tử vong. Tài xế xe khách điều khiển xe bỏ trốn khỏi hiện trường và bị bắt ngày 11/3.

Tại Hà Tĩnh, ngày 2/4, trên quốc lộ 1 tuyến tránh TP Hà Tĩnh đoạn qua xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa xe đầu kéo và xe khách. Vụ tai nạn khiến phần đầu 2 xe biến dạng, 1 tài xế tử vong.

Hiện trường vụ tai nạn. Nguồn: Báo Hà Tĩnh
Hiện trường vụ tai nạn. Nguồn: Báo Hà Tĩnh

Ngày 4/4, ô tô tải mang biển số TP Hồ Chí Minh đi trên quốc lộ 1 tuyến tránh TP Hà Tĩnh theo hướng Bắc - Nam, khi tới huyện Thạch Hà đã va chạm với ô tô tải khác mang biển số TP Hà Nội chạy ngược chiều. Cú va chạm mạnh khiến phần đầu 2 tải bị biến dạng, 2 tài xế bị chấn thương khá nặng.

Tại Đồng Nai, trưa 25/3, xe đầu kéo va chạm xe máy trên đường Hoàng Văn Bổn (đoạn qua phường Tân Biên, thành phố Biên Hòa, Đồng Nai) làm bé gái D.T.T.Đ. (11 tuổi, quê tỉnh Kiên Giang) được người nhà chở trên xe máy tử vong tại chỗ.

Chiều 29/3, trên quốc lộ 1 (đoạn qua xã Quảng Tiến, huyện Trảng Bom, Đồng Nai) xảy ra vụ tai nạn giữa xe đầu kéo và xe máy làm anh T.T.D. (21 tuổi, ngụ huyện Tân Phú, người điều khiển xe máy) tử vong.

Liên tiếp những vụ tai nạn giao thông diễn ra trên các tuyến quốc lộ 1 khiến những lo ngại của 2 tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị với việc phân luồng giao thông để xe tải trọng lớn từ cao tốc Cam Lộ - La Sơn quay về quốc lộ 1A là có căn cứ, đồng thời cũng cảnh báo tai nạn giao thông liên quan đến các loại hình phương tiện này trên cả nước.

Kiềm chế tai nạn

Xe tải lớn và xe khách khi xảy ra va chạm thường liên quan tới các vụ tai nạn thảm khốc. Nguyên nhân do phương tiện này có kích thước và trọng lượng lớn, di chuyển khó khăn hơn những mẫu xe cá nhân thông thường. Vào lúc đường đông, người đi xe máy dễ lọt vào “điểm mù” của tài xế xe trọng tải lớn hoặc nếu xảy ra va quẹt giữa có thể khiến người đi máy ngã ra đường và nguy cơ bị cán qua là rất lớn.

Bên cạnh đó, ý thức chủ quan của tài xế, việc phóng nhanh, vượt ẩu, chạy xe thâu đêm suốt sáng mệt mỏi đã khiến tai nạn diễn ra tại nhiều địa phương, trên nhiều tuyến đường.

Theo chuyên gia giao thông Vũ Hoàng Chung, tại Việt Nam, việc phát triển giao thông và cơ sở hạ tầng hiện nay chưa tương xứng. Nhiều tuyến quốc lộ xe container thường xuyên lưu thông với mật độ dày đặc nhưng mặt đường quá hẹp hoặc xuống cấp, lại không có phân làn, rất dễ xảy ra tai nạn.

Nhiều địa phương tuyến quốc lộ đã bị xuống cấp cần sửa chữa. Trong ảnh là quốc lộ 1A đoạn nam cầu Bến Thủy tới bắc tuyến tránh TP.Hà Tĩnh hư hỏng, xuống cấp đã được khảo sát để sửa chữa.
Nhiều địa phương tuyến quốc lộ đã bị xuống cấp cần sửa chữa. Trong ảnh là quốc lộ 1A đoạn nam cầu Bến Thủy tới bắc tuyến tránh TP.Hà Tĩnh hư hỏng, xuống cấp đã được khảo sát để sửa chữa.

Để kiềm chế nguy cơ TNGT liên quan đến xe trọng tải lớn, chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng cho rằng, có thể nghiên cứu dựa trên các giải pháp: kiểm soát xe trọng tải lớn, chấn chỉnh hạ tầng giao thông và nâng cao cảnh giác cho người đi xe máy.

Về kiểm soát phương tiện, Cục CSGT cho biết, trong năm 2024, lực lượng CSGT toàn quốc sẽ tập trung xử lý xuyên suốt 5 nhóm hành vi vi phạm là nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông gồm: nồng độ cồn, ma túy; quá khổ, quá tải, cơi nới thành thùng xe, chở quá người, hết hạn kiểm định, xe hết hạn sử dụng, dừng xe đón trả khách không đúng nơi quy định; vi phạm tốc độ; vi phạm về tránh vượt, phần đường, làn đường, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông và sử dụng các loại giấy tờ không do cơ quan có thẩm quyền cấp (giấy tờ giả) liên quan đến người điều khiển và phương tiện.

Công tác xử lý xuyên suốt, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, từng bước hình thành văn hóa khi tham gia giao thông và kiềm chế tai nạn giao thông.

Về phía người đi xe máy, các cơ quan chức năng cần tổ chức tuyên truyền, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho lái xe, nhất là cho các học sinh, sinh viên trong tuân thủ, nhận biết các biển báo, vạch kẻ đường và tránh rơi vào “điểm mù” của các loại phương tiện lớn khi đi trên đường.

Chấn chỉnh hạ tầng được xem là “bài toán khó” khi lượng phương tiện giao thông ngày càng tăng dẫn tới những tuyến giao thông chính kết nối các khu công nghiệp, địa phương trong và ngoài tỉnh dần trở nên quá tải.

Trong lúc Bộ GTVT đang ưu tiên nguồn lực để đầu tư các tuyến đường cao tốc, công tác duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa hạ tầng giao thông của các đơn vị quản lý tuyến quốc lộ, đường tỉnh, huyện và các tuyến đường có phương tiện lưu thông phục vụ các dự án trọng điểm cũng cần được các địa phương lưu tâm. Qua đó kịp thời phát hiện, đề xuất xử lý các tồn tại, bất cập về hạ tầng để đảm bảo việc lưu thông an toàn và thông suốt.