70 năm giải phóng Thủ đô

Cảnh báo thảm họa hạt nhân từ xung đột Nga - Ukraine tại nhà máy Zaporozhye

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Reuters dẫn thông báo từ công ty điện hạt nhân nhà nước Energoatom của Ukraine cho biết, khu vực nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye lớn nhất châu Âu đã bị tấn công 5 lần trong ngày 11/8, bao gồm cả địa điểm gần nơi cất giữ vật liệu phóng xạ.

Camera giám sát cho thấy cảnh một tia lửa rơi xuống nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye, trong một cuộc pháo kích ở Enerdohar, Ukraine, vào tháng 3/2022. Ảnh: Reuters
Camera giám sát cho thấy cảnh một tia lửa rơi xuống nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye, trong một cuộc pháo kích ở Enerdohar, Ukraine, vào tháng 3/2022. Ảnh: Reuters

Tuyên bố của Energoatom nêu rõ: "Nga một lần nữa đã nhắm vào khu vực nhà máy điện hạt nhân, tấn công địa điểm cách tổ máy phát điện đầu tiên không xa. Cuộc tấn công đã làm hỏng trạm bơm nước thải. Khói bốc lên ở khu vực đó. Tình hình đang trở nên tồi tệ hơn vì có một số cảm biến bức xạ bị hỏng".

Trong khi đó, các quan chức địa phương do Nga bổ nhiệm tuyên bố, Ukraine đã nã pháo vào nhà máy lần thứ 2 trong vòng 1 ngày, làm gián đoạn quá trình đổi ca của các công nhân nhà máy.

Nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye đã được quân đội Nga tiếp quản từ tháng 3/2022, sau khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Theo phía Nga, quân đội Ukraine đã nhiều lần tấn công vào nhà máy. Các cuộc pháo kích trở nên thường xuyên hơn kể từ hôm 5/8.

Ngày 11/8, Nga đã triệu tập một cuộc họp không chính thức của các thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc về tình trạng hiện tại của nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye.

Phát biểu tại cuộc họp, Đại diện thường trực của Nga tại Liên Hợp quốc Vasily Nebenzya nhấn mạnh "quy mô thực sự của thảm họa hạt nhân tại nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye là quá khó để hình dung. Trong trường hợp này, trách nhiệm sẽ thuộc về các nhà tài trợ phương Tây của Kiev".

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres hôm 11/8 kêu gọi Nga và Ukraine chấm dứt ngay lập tức các hoạt động quân sự quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye, xem xét thiết lập vùng phi quân sự.

"Tôi kêu gọi các bên rút binh sĩ và thiết bị khỏi nhà máy, kiềm chế việc triển khai thêm lực lượng hoặc thiết bị tới địa điểm này. Cơ sở này không thể được sử dụng như một phần của bất kỳ chiến dịch quân sự nào. Thay vào đó, cần có thỏa thuận khẩn cấp ở mức độ kỹ thuật về chu vi phi quân sự hóa nhằm đảm bảo an toàn cho khu vực" - ông Guterres tuyên bố.

Dự kiến, một phái đoàn của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) do người đứng đầu cơ quan này, ông Rafael Grossi dẫn đầu, sẽ đến thăm nhà máy điện hạt nhân.