70 năm giải phóng Thủ đô

Cảnh báo thế "mạo hiểm" của Israel trước Hezbollah

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo bình luận của Bloomberg, Israel sau loạt vụ nổ máy nhắn tin và cuộc tấn công ở Beirut đang đứng trước lực lượng Hezbollah với một tình thế khá mạo hiểm.

Sự thay đổi của Israel sang một thế trận mạo hiểm hơn, hung hăng hơn đối với lực lượng Hezbollah tại Lebanon — sau vụ nổ hàng loạt bộ đàm nhắn tin, việc tấn công Beirut và nhắm vào các lãnh đạo của lực lượng này — diễn ra vừa đột ngột vừa có kế hoạch. 

Các hoạt động tìm kiếm và cứu nạn vẫn tiếp tục tại địa điểm xảy ra cuộc không kích của Israel ở Beirut vào ngày 21/9 vừa qua. Ảnh: AFP
Các hoạt động tìm kiếm và cứu nạn vẫn tiếp tục tại địa điểm xảy ra cuộc không kích của Israel ở Beirut vào ngày 21/9 vừa qua. Ảnh: AFP

Về tính đột ngột, có dấu hiệu cho thấy các thành viên Hezbollah đã nghi ngờ về các máy nhắn tin có gắn bẫy nổ, nên quyết định kích hoạt chúng được đưa ra vào phút cuối, Bloomberg dẫn nguồn thạo tin khẳng định. Mặt khác, hành động này có thể đã được lên kế hoạch từ trước do có khả năng quân đội Israel đã chuẩn bị từ năm 2006 cho cuộc chiến với lực lượng vốn được Iran hậu thuẫn.

Các cuộc tấn công đánh dấu một cách tiếp cận mới nhằm mục đích làm suy yếu sức mạnh quân sự của lực lượng Hezbollah trước để nhóm này mất khả năng tiến hành một cuộc tấn công tương tự như cuộc tấn công ngày 7/10 của Hamas vào miền nam Israel, các quan chức cho biết.

Mục tiêu thứ hai là tạo ra các điều kiện có thể thúc đẩy lực lượng này phải nhượng bộ về việc quân đội và tên lửa của họ sẽ ở gần biên giới Israel như thế nào. 

Các cuộc đàm phán ngừng bắn giữa chính phủ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu và Hamas đã bế tắc trong nhiều tuần, mặc dù lực lượng dân quân này đã bị phá hủy phần lớn bởi cuộc chiến kéo dài gần một năm. Hezbollah đã tuyên bố sẽ không ngừng ném bom Israel cho đến khi cuộc chiến ở Gaza kết thúc, khiến hàng chục nghìn người dân khu vực miền bắc Israel phải tị nạn. Cả Hamas và Hezbollah đều bị Mỹ "dán nhãn" là các tổ chức khủng bố.

Israel đã thêm mục tiêu chính thức là đưa những người Israel này trở về, và Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant tuyên bố rằng các hoạt động đang chuyển từ Gaza sang phía bắc trong "giai đoạn mới" của cuộc chiến.

Giora Eiland, cựu cố vấn an ninh quốc gia Israel, nói về thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah rằng "Cho đến hai đến ba tuần trước, Israel vẫn nghĩ rằng có thể đạt được lệnh ngừng bắn, điều này sẽ tạo điều kiện cho Nasrallah có thể phải xuống ghế". Còn hiện tại kế hoạch là tăng cường từ trả đũa lên khởi xướng. Nhưng nếu Hezbollah quyết định bắt đầu một cuộc chiến tranh toàn diện, điều đó sẽ thay đổi mọi thứ.”

Sau vụ nổ loạt bộ đàm nhắn tin đẫm máu hồi đầu tuần. Diễn biến căng thẳng tại khu vực Trung Đông đang ngày càng gia tăng. Các cuộc không kích vào Beirut vào hôm 20/9 đã khiến Ibrahim Aqil, người đứng đầu đơn vị Radwan tinh nhuệ của lực lượng Hezbollah và là thành viên của hội đồng quân sự hàng đầu của nhóm, thiệt mạng. 

Trong nội bộ Israel, có sự ngưỡng mộ đối với các cơ quan tình báo của nước này khi có thể thành lập các công ty vỏ bọc để bán các thiết bị liên lạc có bẫy mìn cho Hezbollah và sau đó kích nổ khiến hàng nghìn trinh sát viên bị thương vong. Những mối quan tâm lúc này hơn cả là về định hướng chiến lược của chính phủ.

“Việc kích hoạt vụ nổ loạt máy nhắn tin tạo ra sự phấn khích không đúng chỗ. Sự tự mãn là nguy hiểm. Đó là lý do dẫn đến [cuộc tấn công] ngày 7 tháng 10,” biên tập viên Ben Caspit khẳng định trên tờ báo Maariv của Israel hôm 20/9. Mặt khác chiến lược của chính phủ không thay đổi và mục tiêu đưa hàng nghìn người dân khu vực miền bắc Israel trở về vẫn chưa đạt được. 

Động thái này cũng có nguy cơ gây ra chiến tranh toàn diện ở một khu vực vốn đã bất ổn. Thủ lĩnh Nasrallah hôm 19/9 đã cam kết sẽ khiến Israel phải trả giá bằng một cuộc trả đũa mà ông khẳng định "sẽ đến vào đúng thời điểm".