Cảnh báo tình trạng “hack” Facebook để lừa đảo

Đạt Lê - Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp khiến đời sống người dân bị ảnh hưởng nặng nề. Trong khi đó, loại hình tội phạm lừa đảo qua mạng xã hội Facebook, Messenger, Zalo… vẫn tiếp diễn. Đây là thủ đoạn không mới, đã được cơ quan công an tuyên truyền, cảnh báo rộng rãi. Tuy nhiên, có không ít người dân vì nhẹ dạ, cả tin nên vẫn “sập bẫy”.

Thủ đoạn “hack” Facebook tiếp diễn
Thời gian qua, hiện tượng chiếm quyền sử dụng tài khoản mạng xã hội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác diễn khá phổ biến. Cụ thể, phương thức, thủ đoạn của các đối tượng thường được thực hiện theo các bước: Đối tượng phạm tội thực hiện thao tác chiếm quyền sử dụng tài khoản Facebook, Messenger của người sử  dụng, sau đó giả danh chủ tài khoản nhắn tin cho những người quen biết trong nhóm bạn bè (thông thường là bạn bè, các mối quan hệ có uy tín của người bị hại…) để mượn tiền hoặc nhờ bị hại chuyển tiền giúp vào một tài khoản (không phải tên chủ tài khoản Facebook, Messenger) ở một ngân hàng, vì nhiều lý do, vướng mắc nào đó mà chủ tài khoản Facebook, Messenger không thể tự mình nhận tiền.
Với chiêu trò này, người nhận được những tin nhắn thường không nghi ngờ gì vì cứ nghĩ bên kia đúng là bạn bè người thân của mình và họ đang cần giúp đỡ về tiền bạc. Sau đó, có thể chuyển khoản ngay cho các đối tượng này. Khi đã chuyển tiền, bị hại mới liên lạc với chủ tài khoản Facebook, Messenger thì phát hiện mình bị lừa, không thể liên lạc với chủ tài khoản tại ngân hàng…
 Facebook của một nhà báo bị các đối tượng hack nhằm lừa đảo.
Mới đây, ngày 11/8, chị Hồng Nguyệt (nhân viên làm việc tại Báo Kinh tế & Đô thị) cho biết: “Tôi may mắn vừa thoát vụ lừa đảo qua tin nhắn Messenger. Nếu không xác minh kịp thì tôi mất cả chục triệu đồng”. Theo đó, chiều cùng ngày, chị Nguyệt bất ngờ nhận được tin nhắn từ Facebook của đồng nghiệp cũ từng làm việc tại Báo Kinh tế & Đô thị là nhà báo Nguyễn N. T. Nội dung tin nhắn “chuyển giúp chị 12 triệu, tài khoản chị bị lỗi…”, ban đầu do tưởng tin nhắn là thật, nên chị Hồng Nguyệt định chuyển 9 triệu đồng trong tài khoản của mình sang cho đối tượng. Tuy nhiên, sau một hồi “chat” qua lại thấy nghi ngờ nên chị Nguyệt đã đã nhấc máy gọi cho nhà báo Nguyễn N. T để xác minh. Lúc này, chị Nguyệt mới “hú hồn” vì may mắn thoát qua cái “bẫy”.
Tương tự, ngày 15/8 nhà báo Võ Hồng Thái (báo Kinh tế & Đô thị) nhận được Facebook “Phuong Pham” - vợ đồng nghiệp mời tham gia công việc là gửi mã thẻ cào điện thoại Mobifone, Vinaphone, Viettel sang cho “bà chị đang làm Giám đốc Công ty viễn thông ở Mỹ”, - chuyên nhập thẻ cào nạp tiền điện thoai ở Việt Nam sang bán lại với giá cao. Khi hỏi lý do sao bên Mỹ cần thẻ cào của Việt Nam, Facebook “Phuong Pham” trả lời bên đấy người ta dùng để thanh toán tài khoản game, các dịch vụ liên quan đến mạng viễn thông VN-USA. Đồng thời, hướng dẫn cách mua thẻ cào qua Momo. Bị từ chối vì tài khoản ngân hàng liên kết với Momo trục trặc, Facebook “Phuong Pham” lại nhờ giúp chuyển tiền 5 triệu sang tài khoản có tên “Xa Minh The” – Ngân hàng MB, được giới thiệu là nơi cung cấp thẻ cào...
“Tôi đã có vài lần bị các đối tượng khác lừa đảo với thủ đoạn này rồi. Cùng với tinh thần cảnh giác cao, qua vài dòng tin nhắn “chat” tôi đã nhận dạng được tài khoản hack Facebook “Phuong Pham” là lừa đảo. Tôi có nhắn tin lại ‘Bạn ơi, bạn chuyên lừa đảo như thế sẽ có ngày vào tù đấy nhé!... Ngay sau đó thì tài khoản kia mất hút”, nhà báo Hồng Thái chia sẻ.
 Mặc dù với thủ đoạn khá cũ, hack Facebook để lừa đảo. Tuy nhiên, người sử dụng mạng xã hội cần đề cao cảnh giác tránh trở thành 'con mồi' của tội phạm.
Có thể nói, trên đây là những trường hợp cảnh giác cao nên không “sập bẫy” của các đối tượng lừa đảo. Trên thực tế, thời gian qua đã có nhiều người dân nhẹ dạ, cả tin nên đã “dính bẫy” với thủ đoạn lừa đảo nêu trên. Người mất ít thì vài triệu đồng, nhiều lên tới cả trăm triệu đồng. Cụ thể, trường hợp chị Lý Thị N (SN 1977) trú tại huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang bị đối tượng “hack” Facebook của em gái chị (đang lao động bên Nhật Bản), sau đó nhắn tin cho chị N nhờ chuyển tiền. Do tưởng đó là em gái mình, chị N đã chuyển tiền thành 5 lượt với tổng số tiền 58.000.000đ vào tài khoản ngân hàng đối tượng cung cấp. Khi chuyển tiền xong kiểm tra lại mới “tá hỏa” biết mình bị lừa nên trình báo cơ quan công an… Đến ngày 2/4/2021, Công an TP Bắc Giang đã điều tra làm rõ đối tượng Hoàng Văn Xuân (SN 2002), trú tại xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang. Tại cơ quan công an, Xuân đã khai nhận hành vi của mình do không có tiền chi tiêu nên đã lợi dụng mạng xã hội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Luôn cảnh giác trước tin nhắn liên quan đến chuyển tiền
Về loại hình tội phạm nêu trên, Luật sư Đặng Đình Ngọc (Văn phòng Luật sư Kết Nối) cho rằng: Để tránh bị lừa theo thủ đoạn tương tự như trên người sử dụng mạng xã hội cần nâng cao cảnh giác. Khi nhận được yêu cầu nhờ chuyển tiền của người quen qua tin nhắn mạng xã hội thì nên gọi điện trực tiếp ngay cho họ để xác minh xem có đúng người hay không. Hoặc có thể sử dụng tính năng gọi video cho người đó để nhìn thấy mặt họ xem có đúng là người thân bạn bè của mình hay không?
“Một điều nữa là khi nhận được số tài khoản mà họ cung cấp và nói mình chuyển tiền vào thì cần xem lại đó có đúng là số tài khoản, tên, ngân hàng của người đó vẫn dùng hay không. Nếu đã xác minh rõ ràng rồi thì mới chuyển tiền. Còn trong trường hợp không may bị lừa thì nên liên hệ ngay với ngân hàng để nhờ giúp đỡ đồng thời trình báo ngay với cơ quan công an...”, Luật sư Ngọc cho hay.
Theo Bộ Công an, trước tình tình tội phạm sử dụng công nghệ cao có chiều hướng gia tăng, thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây lo lắng cho người dân. Bộ Công an đã cảnh báo về các phần mềm gián điệp được các đối tượng ngụy tạo, giả danh ứng dụng nhằm lừa đảo, trộm cắp tài sản, chiếm đoạt tài sản. Đối với mạng xã hội, chúng chiếm quyền điều khiển tài khoản của người bị hại, tạo ra các kịch bản nhắn tin lừa đảo đến danh sách bạn bè của người bị hại; kết bạn qua mạng xã hội và hứa hẹn gửi quà có giá trị…, sau đó, yêu cầu nạn nhân chuyển tiền nộp thuế hoặc lệ phí hải quan nhằm chiếm đoạt tiền; hoặc gửi tin nhắn qua Facebook, Zalo, Viber… thông báo trúng thưởng và đề nghị nộp phí để nhận thưởng.
Ngoài ra, một số phương thức phổ biến hiện nay, các đối tượng sử dụng dịch vụ có chức năng giả mạo đầu số, số điện thoại, mạo danh Bộ công an, Viện kiểm sát, Tòa án nhân dân gọi điện cho người dân để thực hiện hành vi lừa đảo, gây sức ép với yêu cầu như phục vụ điều tra, làm người dân hoang mang, từ đó phải chuyển một số tiền lớn vào tài khoản đối tượng cung cấp.
Bộ Công an khuyến cáo, để chủ động phòng tránh các hoạt động lừa đảo qua không gian mạng, người dân cần phải nâng cao tinh thần cảnh giác, nhất là trong việc cung cấp, trao đổi, chia sẻ thông tin cá nhân, giữ bí mật thông tin cá nhân, không chuyển tiền cho bất cứ ai, bất cứ yêu cầu nào khi không có căn cứ cụ thể, rõ ràng bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền...

Hành vi các đối tượng hack tài khoản mạng xã hội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017. Theo đó, người phạm tội này có hành vi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác với giá trị tài sản từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc kết tội về hành vi chiếm đoạt tài sản chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự; tài sản bị chiếm đoạt là phương tiện kiếm sống chính của bị hại hoặc gia đình họ. Người phạm tội này có thể bị phạt tù chung thân. Ngoài ra, nếu không thuộc trường hợp bị xử lý hình sự thì người có hành vi như trên sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 1 đến 2 triệu đồng căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP… 

Luật sư  Đặng Đình Ngọc (Văn phòng Luật sư Kết Nối)                

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần