Chồng ngoại tình, tài sản có thuộc hết về vợ khi có văn bản thoả thuận?
Câu hỏi
Vợ chồng chúng tôi có lập văn bản thỏa thuận nếu chồng ngoại tình, thì toàn bộ nhà đất thuộc về vợ. Khi điều đó xảy ra, vợ chồng ly hôn có thể thực hiện thỏa thuận trên không?
Trả lời
Thỏa thuận về lỗi, ghi nhận cách thức giải quyết trong trường hợp người kia mắc lỗi là điều kiện phát sinh các nghĩa vụ giữa các bên cũng đã được nhiều cặp vợ chồng thỏa thuận. Đây cũng là cách ràng buộc trách nhiệm vợ chồng, nêu cao tinh thần đoàn kết, gắn bó, thể hiện tinh thần, trách nhiệm trong gia đình. Người chồng đã sẵn sàng chấp nhận ra đi tay trắng, không nhận tài sản nhà đất, như một minh chứng tình cảm mà người chồng dành cho người vợ.
Đầu tiên, tại Điều 37 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại quy định 9 trường hợp không được lập vi bằng. Theo đó, pháp luật không cấm việc vợ hoặc chồng hoặc cả hai vợ chồng cùng lập vi bằng để cam kết/thỏa thuận về tài sản, quyền nuôi con trong thời kỳ hôn nhân. Tuy nhiên, dưới góc độ pháp lý, cam kết/thỏa thuận đó phải đảm bảo nguyên tắc không trái pháp luật, đạo đức xã hội, không được xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác được pháp luật bảo vệ. Nếu vi phạm nguyên tắc này thì vi bằng có thể bị tòa án tuyên hủy theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, có nhiều quan điểm cho rằng, đây chỉ là văn bản ghi nhận ý chí, mong muốn, chứ không phải thỏa thuận chính thức về việc tặng cho tài sản từ chồng sang vợ. Nếu đối chiếu quy định pháp luật rõ ràng, thỏa thuận này vô hiệu về hình thức, nội dung chưa ghi nhận việc tặng cho tài sản, chưa có văn bản tặng cho chính thức. Trong khi việc tặng cho bất động sản chỉ phát sinh hiệu lực kể từ thời điểm sang tên sổ đỏ hoặc bàn giao tài sản. Có lẽ vì thế, trong trường hợp này thỏa thuận của hai vợ chồng chỉ là ước định, chứ không có giá trị pháp luật khi ly hôn.
Có thể thấy, về mặt pháp lý, thỏa thuận này vẫn chưa được ghi nhận rõ ràng. Vợ chồng lập thỏa thuận ai ngoại tình tài sản thuộc về người kia vẫn được thực hiện nếu như bên vi phạm giữ lời hứa. Tuy nhiên nếu bên vi phạm không giữ lời hứa thì văn bản thỏa thuận này cũng không có hiệu lực pháp luật, do đó Tòa án cũng không căn cứ vào văn bản này để giải quyết vụ việc. Để đảm bảo, vợ chồng có thể lập hợp đồng hôn nhân và hợp pháp hợp đồng hôn nhân thì cần đảm bảo nội dung thỏa thuận đó phù hợp quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình, Bộ luật Dân sự và không thuộc các điều cấm của luật.
Luật sư Mai Anh Hiếu - Văn phòng Luật sư Kết Nối, Hà Nội
Câu hỏi bạn đọc xin gửi về địa chỉ: Báo Kinh tế & Đô thị, số 21 Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa, Hà Nội; Email: bandoc@ktdt.com.vn

Hàng xóm mở lối đi sang lối đi chung của các nhà khác được không?
Kinhtedothi - Hàng xóm mở lối đi sang phần đất lối đi chung của nhà khác được không?

Làm việc bán thời gian có được hưởng chế độ ốm đau không?
Kinhtedothi - Người lao động làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc thấp nhất thì thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
