Kim ngạch xuất khẩu tính từ đầu năm đến nay là lớn nhất so với các năm, tăng tới 30,9% so với cùng kỳ năm trước. Chưa qua nửa năm 2021 nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu đã lớn hơn mức của cả năm từ năm 2012 trở về trước. Đây là tín hiệu khả quan để cả năm đạt kỷ lục mới về nhiều chỉ tiêu liên quan đến xuất khẩu hàng hóa như: Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa bình quân đầu người, tỷ lệ xuất khẩu hàng hóa/GDP; hệ số giữa tốc độ tăng xuất khẩu hàng hóa so với tốc độ tăng GDP… Tăng trưởng cao đạt được trong điều kiện đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, bùng phát trở lại ở nhiều nước và ở trong nước, là một cố gắng trong việc thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, nhất là lĩnh vực sản xuất.Tăng trưởng cao của xuất khẩu đạt được ở cả 2 khu vực. Khu vực kinh tế trong nước tăng tới 16,1%, một tốc độ tăng cao nhất của cùng kỳ từ trước tới nay. Đây là kết quả tích cực của khu vực này trong việc khai thác thế mạnh của kinh tế trong nước (như nông, lâm, thủy sản, giá nhân công rẻ,…); tranh thủ cơ hội do các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới (FTA); tranh thủ giá thế giới tăng… Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt quy mô lớn, có tốc độ tăng so với cùng kỳ năm trước rất cao (36,7%) do có lợi thế về vốn, về kỹ thuật, công nghệ, về quảng cáo tiếp thị, về sự hỗ trợ của các công ty mẹ hoặc các chi nhánh tiêu thụ ở nước ngoài, tranh thủ cơ hội khi Việt Nam ký các FTA thế hệ mới,…Tăng trưởng đạt được ở nhiều mặt hàng, trong 45 mặt hàng chủ yếu có 40 mặt hàng tăng so với cùng kỳ. Trong đó có 16 mặt hàng có mức tăng khá (trên 300 triệu USD), đặc biệt có 7 mặt hàng có mức tăng rất cao (trên 1 tỷ USD), như: Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng, máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại và linh kiện, gỗ và sản phẩm gỗ, giày dép, dệt may, sắt thép. Mới chưa đến nửa năm đã có 22 mặt hàng có kim ngạch trên 1 tỷ USD, đặc biệt có 4 mặt hàng đạt trên 10 tỷ USD (điện thoại và linh kiện, máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng, dệt may). Theo địa bàn xuất khẩu có 57 địa bàn tăng, trong đó có 28 địa bàn có mức tăng khá, 19 địa bàn đạt trên 1 tỷ USD, trong đó có 7 địa bàn đạt trên 5 tỷ USD, đặc biệt có 4 địa bàn đạt trên 10 tỷ USD (TP Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Bình Dương, Thái Nguyên).Theo thị trường, có 61/80 thị trường tăng so với cùng kỳ, trong đó có 11 thị trường có mức tăng khá. Đặc biệt tăng rất cao là Mỹ, Trung Quốc, Hong Kong. Mới qua gần nửa năm đã có 25 thị trường đạt trên 1 tỷ USD, trong đó có 4 thị trường đạt trên 6 tỷ USD (Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản).... nhưng nhập khẩu còn cao hơn nữa!Tuy nhiên qua thống kê, nhập khẩu hàng hóa cũng tăng cao nhất từ trước đến nay, so với cùng kỳ năm trước tăng 34%, cao hơn tốc độ tăng tương ứng của xuất khẩu. Khu vực kinh tế trong nước tăng 28,8%, tuy thấp hơn tốc độ tăng chung, nhưng cao hơn nhiều so với tốc độ tăng tương ứng của xuất khẩu của khu vực này. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài còn tăng cao hơn (37,2%). Có 48/53 mặt hàng chủ yếu tăng so với cùng kỳ, trong đó có 22 mặt hàng có mức tăng khá (300 triệu USD), đặc biệt có 9 mặt hàng có mức tăng rất cao (trên 1 tỷ USD), như chất dẻo nguyên liệu, vải, sắt thép, kim loại thường, máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại và linh kiện… Do nhập khẩu có quy mô và tốc độ tăng cao hơn xuất khẩu, nên nếu cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,771 tỷ USD, với tỷ lệ xuất siêu 2%, thì năm nay đã chuyển sang nhập siêu 352,9 triệu USD với tỷ lệ nhập siêu gần 0,3%.Việc chuyển sang nhập siêu có tác động tiêu cực về nhiều mặt. Vị thế trong quan hệ buôn bán với nước ngoài của Việt Nam bị đảo ngược. Cán cân thương mại bị thâm hụt gây áp lực đến cán cân thương mại, dịch vụ. Bởi dịch vụ nhập siêu lớn, gây áp lực đến cán cân thanh toán quốc tế, đến dự trữ ngoại hối, đến thị trường ngoại tệ… Đối với tăng trưởng kinh tế, việc nhập siêu sẽ làm giảm cầu đối với sản xuất trong nước, nên tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế và việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng cao lên trong năm 2021 (theo Nghị quyết của Quốc hội tăng 6%, theo quyết tâm của Chính phủ tăng 6,5%).
Khu vực kinh tế trong nước nhập siêu lớn hơn cùng kỳ cả về quy mô tuyệt đối (11,48 tỷ USD so với 6,433 tỷ USD), cả về tỷ lệ nhập siêu (39,3% so với 12,8%). Riêng nửa đầu tháng 5, mức nhập siêu đã ở mức 1,926 tỷ USD, với tỷ lệ nhập siêu lên đến 16,2%, trong đó, khu vực trong nước nhập siêu 1,825 tỷ USD, với tỷ lệ nhập siêu lên đến 58,5%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài nhập siêu 101,6 triệu USD, với tỷ lệ nhập siêu 1,1%. Tính từ đầu năm đến nay, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu tuy tăng về mức tuyệt đối (11,127 tỷ USD so với 8,2 tỷ USD), nhưng tỷ lệ xuất siêu còn thấp hơn (12,7% so với 12,8%). |