Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cảnh báo tình trạng nhiễm nấm xâm lấn, siêu nhiễm trùng ở bệnh nhân Covid-19

Trúc Mai
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Thông tin này được chia sẻ tại Hội nghị khoa học “Kinh nghiệm chẩn đoán và điều trị Covid-19” do Bệnh viện Quân y 175 thuộc Bộ Quốc phòng tổ chức tại TP Hồ Chí Minh vào ngày 21/7.

Theo nghiên cứu “Nhiễm nấm xâm lấn ở bệnh nhân Covid-19” của bác sỹ Diệp Hồng Kháng và các cộng sự công tác tại Khoa Hồi sức – Trung tâm điều trị người bệnh Covid-19 thuộc Bệnh viện Quân y 175 thực hiện, nhiễm nấm xâm lấn là tình trạng khi có mặt của nấm sợi hoặc nấm men ở các mô sâu được xác nhận bằng xét nghiệm nuôi cấy hoặc mô bệnh học. Quá trình hình thành nấm xâm lấn phụ thuộc vào 2 yếu tố đó là động lực của tác nhân gây bệnh và sự suy giảm miễn dịch của chủ thể.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn tại Hội nghị khoa học “Kinh nghiệm chẩn đoán và điều trị Covid-19”. Ảnh: Nguyễn Yến.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn tại Hội nghị khoa học “Kinh nghiệm chẩn đoán và điều trị Covid-19”. Ảnh: Nguyễn Yến.

Theo báo cáo của Khoa Hồi sức – Trung tâm điều trị người bệnh Covid-19, có tới 125/754 bệnh nhân Covid-19 được thu dung, điều trị tại đây từ ngày 22/7/2021 đến 5/4/2022 đủ điều kiện để được chẩn đoán và điều trị nhiễm nấm xâm lấn kèm theo.

Nhiều bệnh nhân Covid-19 có sự bất thường và suy giảm miễn dịch, mang nguy cơ nhiễm xâm lấn cao hơn các bệnh nhân hồi sức thông thường. Ngoài ra, bệnh nhân Covid-19 nhiễm nấm xâm lấn thường là những bệnh nhân nguy kịch, có tỷ lệ tử vong cao, khả năng phân lập được vi nấm và chẩn đoán xác định chắc chắn nhiễm nấm xâm lấn còn khó khăn. Có sự thay đổi cơ cấu các loài nấm được phân lập ở bệnh nhân Covid-19. Bên cạnh đó, tỷ lệ tử vong do nhiễm nấm Candida xâm lấn rất cao, ở bệnh nhân có shock lên đến 90%, dù đã có nhiều tiến bộ trong chuẩn đoán và điều trị.

Nhóm nghiên cứu cho biết do chỉ là nghiên cứu mô tả, không có nhóm đối chứng nên nghiên cứu này không làm rõ mối liên quan giữa nhiễm nấm xâm lấn với tỷ lệ tử vong. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu này cho thấy bệnh nhân tử vong chiếm 76,8%. Đây là tỷ lệ tử vong cao nếu so với tỷ lệ tử vong của bệnh nhân Covid-19 nặng nguy kịch thông thường.

Ngoài ra, thực trạng siêu nhiễm trùng ở bệnh nhân nhiễm Covid-19 cũng được các chuyên gia cảnh báo. Tình trạng nhiễm khuẩn ở bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 là một trong những nguyên nhân làm tăng tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân. Trong gần một năm hoạt động, Khoa Hồi sức – Trung tâm điều trị người bệnh Covid-19 thuộc Bệnh viện Quân y 175 đã tiếp nhận hơn 6.500 ca bệnh nặng và vừa. Trong đó có 3.407 mẫu bệnh phẩm của 610 bệnh nhân được gửi lên Khoa Vi sinh để nuôi cấy định danh vi khuẩn/vi nấm.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn khẳng định, dịch Covid-19 là đại dịch chưa từng có tiền lệ. Cho đến nay chưa có quốc gia nào khẳng định dịch Covid-19 đã kết thúc. Đại dịch ngày càng phát triển phức tạp và có thể quay trở lại khi gần đây liên tục xuất hiện các biến chủng mới như BA.4, BA.5… Vì vậy, các tỉnh, thành phố phải luôn trong tâm thế chủ động mọi điều kiện, diễn biến của dịch, quyết tâm không để TP Hồ Chí Minh tái trở lại dịch bệnh lần 2. Nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe của người dân là trên hết.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, nhấn mạnh: “Chúng tôi rất mong thông qua các hội nghị trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình xét nghiệm, thu dung và điều trị Covid-19, hoạt động tiêm chủng vaccine như thế này sẽ giúp cho các chuyên gia, các y bác sỹ rút ra được các bài học, các kinh nghiệm hết sức quý giá.

Hy vọng từ các bài học, kinh nghiệm đến từ 30 bài báo cáo về Covid-19 sẽ có thể phục vụ cho chiến lược chống dịch thời gian sắp tới khi dịch đang có các diễn biến phức tạp”.