Tỷ lệ này tăng từ 41,7% vào cuối năm ngoái và gấp đôi so với mức 26% cách đây bảy năm, cho thấy thiệt hại đáng kể mà người dân Argentina đang phải chịu đựng do các cuộc khủng hoảng kinh tế liên tiếp.
Dữ liệu phần nào cho thấy các biện pháp cắt giảm chi tiêu của ông Milei, nhằm mục đích khắc phục thâm hụt tài chính nghiêm trọng, đã dẫn đến tác động tiêu cực trong ngắn hạn. Quốc gia đang trải qua một cuộc suy thoái sâu sắc, với lạm phát vẫn ở mức cao, mặc dù có dấu hiệu cho thấy tình hình đang dần cải thiện.
Irma Casal, 53 tuổi, sống tại Buenos Aires, làm ba công việc là người tái chế rác, thu gom bìa cứng và thợ nề, nhưng vẫn gặp khó khăn trong việc duy trì cuộc sống. Bà chia sẻ: “Kể từ khi chính phủ mới lên nắm quyền, tình trạng việc làm đã giảm sút”.
“Chúng tôi làm việc gấp đôi nhưng nhận lương thấp hơn và vẫn phải tiếp tục cố gắng.”
Các biện pháp cắt giảm chi tiêu của Milei được thị trường và các nhà đầu tư hoan nghênh vì đã giúp cải thiện tình hình tài chính của chính phủ sau nhiều năm thâm hụt, nhưng cũng đã đẩy đất nước vào suy thoái.
Báo cáo đánh giá của Đại học Công giáo Argentina (UCA) ước tính tỷ lệ nghèo đói đã tăng vọt lên 55,5% trong quý đầu tiên của năm trước khi giảm xuống 49,4% trong quý thứ hai, dẫn đến việc tỷ lệ trung bình trong sáu tháng đầu năm nay lên 52%.
Agustin Salvia, Giám đốc Đài quan sát của UCA, cho biết các chính sách của ông Milei đã có tác động đáng kể vào đầu năm. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý tình hình gần đây đã có dấu hiệu cải thiện.
“Nếu nhìn vào toàn bộ câu chuyện, ta thấy sự suy giảm trong quý đầu tiên. Tình hình đã bắt đầu cải thiện từ đó,” - ông nói.
Chính phủ Argentina đã cắt giảm một số chương trình phúc lợi và giảm hỗ trợ cho các chương trình cung cấp thực phẩm từ thiện, nhưng cũng mở rộng hai chương trình phúc lợi quan trọng: Trợ cấp trẻ em toàn dân và chương trình Thẻ thực phẩm, nhằm hỗ trợ trực tiếp cho các gia đình.
“Bất kỳ mức độ nghèo đói nào cũng đều khủng khiếp,” người phát ngôn của tổng thống, Manuel Adorni, nói trong cuộc họp báo hàng ngày vào thứ Năm (ngày 26/9), đồng thời chỉ trích chính sách quản lý yếu kém của các chính phủ trước đó đã để lại những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế mà ông Milei đang cố giải quyết.
“Chúng tôi đang làm mọi thứ để thay đổi tình hình này.”