Vụ nổ lớn tại cảng ở Iran khiến ít nhất 14 người thiệt mạng
Kinhtedothi - Vụ nổ lớn tại cảng Shahid Rajaee, trung tâm vận tải container quan trọng của Iran, đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng về người và cơ sở hạ tầng, làm dấy lên những lo ngại mới về công tác an toàn trong xử lý hàng hóa nguy hiểm tại các khu vực chiến lược.
Một vụ nổ lớn nghi do hóa chất đã khiến ít nhất 14 người thiệt mạng và hơn 700 người bị thương vào ngày 26/4 tại cảng Shahid Rajaee, Bandar Abbas, cảng container lớn nhất Iran.
Các cơ quan chức năng đang khẩn trương điều tra nguyên nhân vụ việc.
Người phát ngôn của tổ chức quản lý khủng hoảng Iran, ông Hossein Zafari, cho biết nguyên nhân ban đầu được cho là do bảo quản hóa chất kém trong các container.

Vụ nổ lớn tại cảng Bandar Abbas khiến ít nhất 14 người thiệt mạng. Ảnh: Khaborer Kagoj
“Nguyên nhân gây ra vụ nổ là do hóa chất bên trong các thùng chứa”, ông nói với hãng thông tấn ILNA. Ông cũng cho biết trước đó, cơ quan chức năng đã từng cảnh báo về nguy cơ tồn tại tại cảng này trong các chuyến kiểm tra.
Trong khi đó, người phát ngôn chính phủ Iran cho biết mặc dù vụ nổ có khả năng liên quan đến hóa chất, nguyên nhân chính xác vẫn đang trong quá trình xác minh. Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian đã chỉ thị mở cuộc điều tra toàn diện, đồng thời cử Bộ trưởng Nội vụ tới hiện trường để trực tiếp giám sát công tác ứng cứu.
Theo truyền thông Iran, vụ nổ gây chấn động trong bán kính vài km và có thể nghe thấy rõ từ đảo Qeshm, cách hiện trường khoảng 26 km về phía nam. Các hoạt động tại cảng Shahid Rajaee đã tạm thời đình chỉ, trong khi công tác sơ tán xe tải và hàng hóa đang được triển khai khẩn trương. Hải quan cảng cho biết khu vực xảy ra sự cố có thể chứa các loại "hàng hóa nguy hiểm và hóa chất dễ cháy".
Cảng Shahid Rajaee, tọa lạc gần eo biển chiến lược Hormoz, là trung tâm vận chuyển container lớn nhất của Iran, đảm nhiệm phần lớn lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của quốc gia này. Tầm quan trọng kinh tế của cảng càng khiến vụ việc trở nên đặc biệt được quan tâm.
Đài truyền hình nhà nước Iran dẫn lời một quan chức quản lý khủng hoảng địa phương cho biết, vụ nổ nhiều khả năng bắt nguồn từ việc một số container bốc cháy và phát nổ. Công tác xử lý vật liệu dễ cháy không đảm bảo an toàn được xác định là yếu tố góp phần dẫn đến thảm kịch.
Trong những năm gần đây, Iran từng ghi nhận nhiều sự cố nghiêm trọng tại các cơ sở hạ tầng công nghiệp và năng lượng, phần lớn được cho là xuất phát từ sự cố kỹ thuật hoặc bất cẩn trong bảo quản, vận hành. Các vụ việc như cháy nhà máy lọc dầu, nổ khí tại mỏ than hay tai nạn tại cơ sở sửa chữa khẩn cấp đều đặt ra yêu cầu tăng cường các biện pháp an toàn tại những khu vực có tính chất rủi ro cao.
Đọc thêm: Chính quyền ông Trump đổi ý, khôi phục chính sách thị thực cho du học sinh nước ngoài
Chính quyền Iran khẳng định vụ nổ hôm thứ Bảy không ảnh hưởng đến hệ thống cơ sở dầu mỏ. Công ty Lọc dầu và Phân phối Dầu khí Quốc gia Iran tuyên bố các nhà máy lọc dầu, bể chứa nhiên liệu và đường ống dẫn dầu trong khu vực không bị ảnh hưởng.
Hiện tại, các cơ quan chức năng tiếp tục tập trung vào công tác cứu hộ, kiểm soát đám cháy và điều tra nguyên nhân cụ thể của vụ nổ. Tổng thống Pezeshkian yêu cầu nhanh chóng làm rõ vụ việc để đảm bảo an toàn cho hoạt động cảng và các khu công nghiệp trọng yếu trong khu vực.

Iran có thể quay lại làm giàu uranium theo Thỏa thuận hạt nhân năm 2015
Kinhtedothi - Theo truyền thông Mỹ, Iran bày tỏ mong muốn Washington sẽ nới lỏng các lệnh trừng phạt đối với nước này, nếu Tehran đáp ứng yêu cầu về làm giàu uranium.

Nga-Iran “bắt tay” vô hiệu hóa lệnh trừng phạt từ phương Tây
Kinhtedothi - Theo Hiệp ước Đối tác Chiến lược Toàn diện Nga - Iran vừa được Thượng viện Nga thông qua giữa tuần này, hai nước trở thành đối tác chiến lược và hợp tác trong tất cả các lĩnh vực như quốc phòng, chống khủng bố, năng lượng…

Iran - Mỹ nối lại đàm phán hạt nhân gián tiếp
Kinhtedothi - Theo Thứ trưởng Ngoại giao Iran Kazem Gharibabadi, vòng tham vấn kỹ thuật giữa các chuyên gia Mỹ và Iran sẽ diễn ra vào ngày 23/4 tại Thủ đô Muscat của Oman, với sự tham gia của các bên trung gian.