Nga-Iran “bắt tay” vô hiệu hóa lệnh trừng phạt từ phương Tây
Kinhtedothi - Theo Hiệp ước Đối tác Chiến lược Toàn diện Nga - Iran vừa được Thượng viện Nga thông qua giữa tuần này, hai nước trở thành đối tác chiến lược và hợp tác trong tất cả các lĩnh vực như quốc phòng, chống khủng bố, năng lượng…
Hợp tác kinh tế giữa Tehran và Moscow tiếp tục được củng cố và phát triển, bất chấp các biện pháp trừng phạt từ phương Tây, với toàn bộ các thỏa thuận hiện nay vẫn đang được hai bên thực thi đầy đủ. Đây là khẳng định của Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Nga Sergey Lavrov tại Moscow hôm 18/4.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và người đồng cấp Iran Abbas Araghchi chuẩn bị hội đàm tại Moscow hôm 18/4. Ảnh: en.mfa.ir
"Trong lĩnh vực hợp tác kinh tế, Iran và Nga vẫn đang đẩy mạnh quan hệ bất chấp những hạn chế do các lệnh cấm vận. Dù chịu tác động từ các biện pháp trừng phạt, các hoạt động kinh tế giữa hai nước vẫn diễn ra đều đặn và tiếp tục phát triển. Những thỏa thuận đã ký kết đều đang được thực hiện", Ngoại trưởng Araghchi nhấn mạnh.
Về phần mình, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết, Moscow và Tehran đã sớm thắt chặt quan hệ ngay từ khi các nước phương Tây bắt đầu áp đặt các lệnh trừng phạt đơn phương. Việc hai bên vừa ký kết và phê chuẩn Hiệp ước Đối tác Chiến lược Toàn diện là một bước tiến quan trọng, phản ánh kết quả của tiến trình hợp tác đã được khởi động từ lâu.
Ngoại trưởng Nga nêu rõ tại buổi họp báo hôm 18/4: "Trên thực tế, ngay từ những ngày đầu khi các biện pháp trừng phạt bất hợp pháp của phương Tây được ban hành, hai nước chúng tôi đã bắt đầu tăng cường phối hợp. Dù hiệp ước được ký vào thời điểm nào và có hiệu lực từ khi nào, bản chất của sự hợp tác này đã hình thành từ rất sớm".
Bên cạnh các hoạt động chính trị trên trường quốc tế, Ngoại trưởng Lavrov cũng nhấn mạnh rằng Nga và Iran đã và đang triển khai nhiều biện pháp thiết thực để thúc đẩy thương mại và đầu tư, bao gồm việc xây dựng hệ thống thanh toán tài chính, ngân hàng, chuỗi hậu cần và các cơ chế hỗ trợ khác. Những nỗ lực này nhằm bảo vệ hoạt động kinh tế song phương trước các hành động can thiệp từ bên ngoài.
"Việc Hiệp ước Đối tác Chiến lược Toàn diện chính thức có hiệu lực chỉ càng củng cố thêm quyết tâm của hai nước trong việc tăng cường mối quan hệ hữu nghị và chiến lược trên mọi lĩnh vực, bất chấp mọi thách thức", - người đứng đầu ngành ngoại giao Nga nói thêm.
Theo Ngoại trưởng Lavrov, Moscow và Tehran đang nhận được sự ủng hộ rộng rãi tại Liên hợp quốc (LHQ), đặc biệt là từ Nhóm Những người bạn bảo vệ Hiến chương LHQ - một tổ chức đang xây dựng các văn kiện kêu gọi chấm dứt các hành động đơn phương và thúc đẩy việc tuân thủ các nguyên tắc luật pháp quốc tế.
Trước đó, hãng tin Tass đưa tin, Hội đồng Liên bang Nga (Thượng viện) ngày 16/4 đã thông qua thỏa thuận về Hiệp ước Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa nước này và Iran được ký kết hồi tháng 1 năm nay.
Thỏa thuận trên được Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian ký kết ngày 17/1 trong khuôn khổ chuyến thăm của ông Pezeshkian đến Moscow.
Thỏa thuận thiết lập khuôn khổ pháp lý cho sự hợp tác lâu dài giữa Moscow và Tehran. Theo thỏa thuận, Nga và Iran trở thành đối tác chiến lược và hợp tác trong tất cả các lĩnh vực như quốc phòng, chống khủng bố, năng lượng, tài chính, giao thông-vận tải, công nghiệp, nông nghiệp, văn hóa, khoa học và công nghệ.
Thỏa thuận trên có hiệu lực trong 20 năm và tự động gia hạn theo kỳ hạn 5 năm. Văn bản này thay thế thỏa thuận hiện tại về nền tảng quan hệ và nguyên tắc hợp tác giữa Nga và Iran, ký kết năm 2001.
Trong bối cảnh Mỹ và Iran vừa nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân, quan hệ gắn bó giữ Nga và Iran được kỳ vọng sẽ có tác động đáng kể đến cục diện địa chính trị khu vực.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, khẳng định Moscow “luôn sẵn sàng làm mọi điều trong khả năng để đóng góp vào việc giải quyết tình hình bằng biện pháp chính trị và ngoại giao”. Cam kết này cho thấy vai trò trung gian tiềm năng của Nga trong các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Iran trong thời gian sắp tới.
Chuyên gia Negar Mortazavi, thành viên cao cấp tại Trung tâm Chính sách Quốc tế (Center for International Policy), nhận định trên Newsweek: “Iran đang chịu áp lực kinh tế cực lớn từ các lệnh trừng phạt của phương Tây và cảm thấy bị đe dọa nghiêm trọng về mặt quân sự từ Israel và có thể là Mỹ. Vì vậy, họ ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào các cường quốc phương Đông, đặc biệt là Trung Quốc và Nga”.
Các diễn biến mới nhất trong quan hệ Nga - Iran cho thấy một thực tế rõ ràng: lệnh trừng phạt không còn là công cụ răn đe tuyệt đối. Thay vào đó, các biện pháp hạn chế về kinh tế đang thúc đẩy sự hình thành của những trục liên minh mới, vượt ra khỏi khuôn khổ các tổ chức do phương Tây dẫn dắt.

Nga nêu lý do không công khai nội dung đàm phán với Mỹ về Ukraine
Kinhtedothi - Điện Kremlin cho biết nội dung đàm phán với Mỹ tại Ả rập Saudi về vấn đề Ukraine sẽ không được công khai, trái với thông tin hai bên sẽ ra tuyên bố chung.

Điện Kremlin lên tiếng về việc Nga-Mỹ khởi động đàm phán hợp tác đất hiếm
Kinhtedothi - Người phát ngôn Điện Kremlin nói rằng việc Moscow và Washington bắt đầu đàm phán về việc hợp tác khai thác đất hiếm đã đánh dấu sự khởi đầu của quá trình phục hồi quan hệ hai nước.

Tín hiệu tích cực từ vòng đàm phán hạt nhân mới giữa Mỹ và Iran
Kinhtedothi - Sau nhiều năm căng thẳng, Mỹ và Iran đã tổ chức vòng đàm phán hạt nhân đầu tiên tại Oman, mở ra hy vọng về một thỏa thuận mới.