Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cảnh giác thủ đoạn kêu gọi ủng hộ từ thiện để lừa đảo

Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian gần đây, một số bệnh viện liên tục cảnh báo khi nhiều trang Facebook, hội nhóm chia sẻ thông tin kêu gọi giúp đỡ bệnh nhân nghèo, khó khăn, nhưng thực tế đó đều là tin giả để lừa đảo người dân.

Giả mạo chữ ký kêu gọi chuyển tiền, ủng hộ từ thiện

Bệnh viện Nhi Trung ương vừa phát hiện một trường hợp giả mạo chữ ký của lãnh đạo và con dấu của bệnh viện với mục đích kêu gọi sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm cho bệnh nhi để chiếm đoạt tiền.

Cụ thể, một tài khoản mạng xã hội đã đăng thông tin sai sự thật trên các hội, nhóm và các trang mạng xã hội với nội dung rất bi thương về việc con mình bị bệnh nặng nhằm trục lợi từ sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm.

Nội dung thông tin giả mạo lan truyền trên mạng.
Nội dung thông tin giả mạo lan truyền trên mạng.

Với nội dung: “Bệnh nhi Nguyễn Đình Khải, sinh ngày 7/02/2023, ở xã Tây Lương, huyện Tiền Hải, Thái Bình, bị ung thư phổi chuyển ra Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị được hơn nửa tháng nay và hiện tại đang trong tình trạng suy hô hấp nặng, nhiễm trùng máu và phải thở máy điều trị kháng sinh,…”

Phát hiện bài đăng facebook, Bệnh viện Nhi Trung ương rà soát, xác minh, tuy nhiên, không có bệnh nhi nào như phản ánh và toàn bộ giấy chứng nhận điều trị được đăng tải là giấy giả mạo. Ngoài ra, đối tượng còn mạo danh con dấu và chữ ký của lãnh đạo bệnh viện để làm tăng độ uy tín và tin cậy của người dân.

Tương tự, một số tài khoản khác đưa thông tin sai sự thật với nội dung: “Có bệnh nhi Nguyễn Thị Diệu Linh, 3 tháng tuổi ở Trung Lương, Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh. Con bị ung thư ác tính ở lưỡi, khối u to kín miệng mặc dù đói thèm sữa mẹ nhưng con không thể bú được, hằng ngày phải chịu những cơn đau hành hạ.

Con đang điều trị tại tầng 8, khoa Ung bướu, Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội). Con nằm viện từ lúc sinh đến nay, gia đình đã chạy vạy khắp nơi để chữa trị, tính đến nay điều kiện kinh tế đã kiệt quệ mà quá trình điều trị còn dài, gia đình không còn khả năng…..”

Qua xác minh, kiểm tra, Bệnh viện Nhi Trung ương thông tin, bệnh nhi Nguyễn Thị Diệu Linh từng khám và điều trị tại bệnh viện nhưng đã ra viện. Bố bệnh nhi khẳng định, đây là thông tin không đúng sự thật, bố cháu bé tên là: Nguyễn Khắc H. không phải tên NGUYEN XUAN TUNG (tên bố cháu bé trong phần thông tin chuyển khoản giả mạo) như tài khoản trên đưa tin.

Tránh bị lợi dụng

Tại Bệnh viện Bạch Mai cũng đưa ra thông báo về tình trạng hiện nay có một số đối tượng giả danh, mạo danh Trung tâm Nhi, Bệnh viện Bạch Mai đi xin từ thiện để lợi dụng lòng từ bi của người khác để đạt mục đích riêng của họ.

Bệnh viện Bạch Mai cho hay, đơn vị có Phòng công tác xã hội để kết nối với các nhà hảo tâm và các mạnh thường quân với bệnh nhân nghèo bệnh trọng, có hoàn cảnh đặc biệt. Vì vậy, bệnh viện sẽ không có sự kêu gọi mang tính chất cá nhân.

Hai đối tượng mạo danh Trung tâm Nhi, Bệnh viện Bạch Mai xin từ thiện. Ảnh: BVCC
Hai đối tượng mạo danh Trung tâm Nhi, Bệnh viện Bạch Mai xin từ thiện. Ảnh: BVCC

Tình trạng lừa đảo cũng xảy ra tại Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh), Bệnh viện Nhi đồng 2… thời gian qua.

Từ những vụ việc trên, các bệnh viện đã chỉ ra thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo. Đó là đăng bài mô tả trường hợp khó khăn, hoàn cảnh thương tâm, không có kinh phí điều trị đính kèm số tài khoản nhận giúp đỡ. Để tạo niềm tin, bên dưới các bài viết, chia sẻ có nhiều tài khoản ảo vào bình luận bày tỏ muốn giúp đỡ, đã chuyển khoản hỗ trợ… nhằm lừa những người có tấm lòng nhân ái.

Không chỉ vậy, để đánh vào lòng thương của người dân, cộng đồng, nhiều trang mạng đã đăng những hình ảnh trẻ em bị bệnh rất thương tâm, hình ảnh dị tật không che mờ...

Qua đó, các bệnh viện khuyến cáo, để tránh đặt lòng tốt không đúng chỗ, người dân nâng cao cảnh giác trước các thủ đoạn kêu gọi ủng hộ từ thiện trên các trang mạng xã hội, không để các đối tượng xấu lợi dụng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Người dân thận trọng trong tìm hiểu, xác minh, kiểm chứng kỹ nội dung thông tin để hỗ trợ đúng người.

Các nhà hảo tâm nên liên hệ với chính quyền địa phương, bệnh viện nơi họ điều trị để xác định chính xác thông tin hoặc ủng hộ, đóng góp tiền, vật chất tại các quỹ, chương trình từ thiện do Nhà nước, tổ chức, đoàn thể, quỹ xã hội được cơ quan có thẩm quyền cấp phép đứng ra tổ chức.

Trường hợp nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân báo ngay cho bệnh viện, cơ quan chức năng để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời.