Cảnh giác với "chiêu" lừa đảo tinh vi

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ đoạn chung của những đối tượng lừa đảo này là đưa ra những “miếng mồi ngon” như: Công việc nhẹ nhàng, mức lương cao, không cần bằng cấp…

Vừa mất tiền vừa bị dọa… đánh

Anh Nguyễn Văn Nam (quê ở Phú Thọ) là một trong những nạn nhân của các cơ sở tuyển dụng lao động “ma” lừa đảo khi đi tìm việc. Gặp chúng tôi, anh Nam tỏ ra mệt mỏi vì đã hơn 1 ngày anh phải lang thang ở Hà Nội không có nơi ăn, chốn ở và cũng không có tiền về quê.

Anh Nam kể: Vì mới học hết lớp 9 nên ở quê anh không xin được việc gì ổn định. Không có tiền, lại thấy bạn bè cũng kéo nhau xuống Hà Nội làm việc nên sau nhiều ngày suy nghĩ anh quyết định lên mạng tìm việc làm ở Hà Nội. Vừa gõ vào trang tìm kiếm google, anh nhận được hàng triệu kết quả việc làm hấp dẫn.

Thấy Công ty TNHH Thành Đạt (địa chỉ tại số nhà 159 Nguyễn Hoàng Tôn, Xuân La, Tây Hồ Hà Nội) có tuyển nhân viên bán xăng dầu cho Công ty Petrolimex với mức lương 9 triệu đồng/tháng, chỉ cần học hết lớp 9, anh Nam mừng rỡ và gọi điện thoại liên lạc với người đăng tin có tên Huy. Càng mừng hơn, khi người này cho biết anh nên xuống ngay để nhận việc làm vì công ty đang cần tuyển gấp. Hỏi thêm về thông tin công việc, người này yêu cầu anh xuống Hà Nội để trao đổi trực tiếp.
Cảnh giác với "chiêu" lừa đảo tinh vi - Ảnh 1
Vì không có tiền nên anh Nam phải vay mượn người thân, bạn bè được 1 triệu đồng để xuống Hà Nội, tìm đến địa chỉ đăng trên mạng là 159 Nguyễn Hoàng Tôn. “Khi gặp người tên Huy, vẫn như thông tin đăng trên mạng, anh ta khẳng định với tôi là sẽ làm công việc bán xăng dầu cho Công ty Pertrolimex, công việc nhàn hạ mà lương cao. Nhưng để được hướng dẫn cụ thể thêm thì anh ta yêu cầu tôi đóng 500 nghìn đồng tiền phí tuyển dụng và hứa như đinh đóng cột là sẽ không phải đóng thêm bất kỳ một khoản tiền nào nữa. Thấy công việc hấp dẫn, lại chỉ phải đóng 500 nghìn đồng là có việc nên tôi đã đóng tiền ngay” - anh Nam chia sẻ.

Sau khi thu 500 nghìn đồng, Huy chở anh Nam đến đầu đường Phạm Thận Duật (Cầu Giấy, Hà Nội) và điện thoại cho một thanh niên khác đến đưa anh Nam vào địa chỉ số nhà 22 ngõ 12 Phạm Thận Duật. Tại đây, có một người giới thiệu tên là Quang, trưởng phòng nhân sự của Công ty TNHH vận tải Hà Thành. Sau khi xem xong bộ hồ sơ, Quang yêu cầu anh Nam đóng thêm 300 nghìn đồng nữa với lý do là tiền phí xác minh nhân sự, và phải đóng tiền này thì mới tiếp tục nói chuyện về công việc. Lại một lần nữa, anh Nam bấm bụng đóng thêm 300 nghìn đồng và được hẹn… ngày mai quay trở lại.

Như hẹn, sáng hôm sau, anh Nam trở lại công ty này thì người tên Quang yêu cầu anh đóng thêm 2,1 triệu đồng nữa thì sẽ được đi làm… Không có tiền và nghĩ rằng mình bị lừa, anh Nam đòi lại tiền thì người tên Quang không trả với lý do tiền anh nộp đã được chuyển đến… cơ quan công an. Anh tiếp tục quay lại địa chỉ 159 Nguyễn Hoàng Tôn đòi lại khoản phí 500 nghìn đồng thì bị nhân viên của công ty này dọa đánh…

Công ty chưa được cấp phép

Căn cứ vào những thông tin anh Nam cung cấp, chúng tôi đã đến những địa chỉ mà anh Nam đã gặp gỡ những đối tượng tuyển dụng việc làm. Đặc điểm chung của những địa chỉ này là văn phòng tuyềnh toàng, chỉ có vài ba bộ bàn ghế và thậm chí còn không treo biển tên công ty. Vào vai người xin việc, chúng tôi được hướng dẫn và phải đóng các khoản tiền phí giống như anh Nam.

Trong lúc chúng tôi làm các thủ tục đóng tiền thì cũng có rất nhiều nạn nhân khác đóng tiền cho những đối tượng này, đa phần họ đều đến từ các tỉnh, thành khác và có hoàn cảnh khó khăn mới về đây xin việc. Nhiều người bị lừa quay lại bức xúc đòi tiền nhưng đều không được trả. Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài việc đăng tin tuyển nhân viên bán xăng, người tên Huy còn đăng tin tuyển dụng nhiều vị trí việc làm hấp dẫn khác như nhân viên thu ngân, nhân viên bán hàng cho siêu thị Big C…

Sau khi nhận thông tin cung cấp từ phóng viên, Công an phường Xuân La đã tổ chức kiểm tra hành chính những địa chỉ trên. Theo đó, tất cả những “công ty” này đều mới chuyển đến địa bàn và không báo cáo với chính quyền địa phương. Công an phường Xuân La đã đề nghị những công ty này ngừng hoạt động để làm rõ. Còn với địa chỉ số 12 ngõ 22 Đường Phạm Thận Duật, nơi mà người lao động được công ty ở số nhà 159 Nguyễn Hoàng Tôn dẫn đến, qua quá trình xác minh thì đại diện của UBND phường Mai Dịch (quận Cầu Giấy) cho biết đây cũng không phải là công ty, mà chỉ là người thuê phòng trong căn nhà này. Như vậy khả năng để công ty tuyển dụng hay có nhu cầu tuyển dụng gần như là không có, và hoạt động của công ty này cũng hoàn toàn trái với quy định.

Đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hà Nội, ông Phạm Văn Thanh (Trưởng phòng Lao động và Chính sách) cho biết: Theo như danh sách cấp phép, kể từ 2009 đến nay cơ quan này không hề cấp phép cho bất kỳ một công ty môi giới việc làm nào có địa chỉ tại đường Nguyễn Hoàng Tôn. Ông Thanh cho biết, tình trạng các công ty có dấu hiệu lừa đảo tuyển dụng lấy phí dịch vụ không phải là thủ đoạn mới ở Hà Nội. Trước đây nhóm những đối tượng này hoạt động mạnh ở phường Xuân Đỉnh, Thanh Xuân, Phạm Văn Đồng… và đã bị cơ quan công an triệt phá nhưng một số đối tượng hiện vẫn âm thầm hoạt động.

Với thông tin về việc công ty có địa chỉ ở Nguyễn Hoàng Tôn tuyển dụng nhân viên cho siêu thị Big C, bà Phạm Thị Huê đại diện Big C Việt Nam cho biết đơn vị này không có bất cứ một văn bản hay hợp đồng nào liên quan đến việc để cơ sở này thực hiện môi giới việc làm.

Dấu hiệu lừa đảo đã rõ ràng

Luật sư Bùi Quang Hưng, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết, căn cứ vào Điều 11 nghị định 19/2005/NĐ-CP quy định doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ giới thiệu việc làm phải xin giấy phép tại sở Lao động - Thương binh và Xã hội, đồng thời buộc phải đáp ứng được một số yêu cầu khác như cơ sở và trang thiết bị, đội ngũ nhân sự, đội ngũ tư vấn và cả tiền ký quỹ. Vì vậy các cơ sở môi giới việc làm trên, nếu là doanh nghiệp thì vi phạm quy định, làm trái với chức năng Nhà nước cho phép, còn nếu là cá nhân tự đứng ra lập lên thì có dấu hiệu phạm tội lừa đảo. Về việc thu phí môi giới lao động như các nạn nhân phản ánh là trái quy định, vì căn cứ vào thông tư liên tịch giữa Bộ Tài chính và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, tiền phí môi giới việc làm các công ty không được thu của người lao động quá 200 nghìn đồng.

Hiện nay, tình trạng lừa đảo tuyển dụng lao động đang diễn ra khá phổ biến ở các thành phố lớn, nhất là Hà Nội và TP.HCM. Thủ đoạn lừa đảo như trên dù không phải mới nhưng vẫn rất nhiều người sập bẫy. Lực lượng công an cũng đã phát hiện và xử lý nhiều vụ việc với số tiền lừa đảo lên đến hàng trăm triệu đồng.

Cách đây không lâu, Công an quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội đã triệt phá một đường dây “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thông qua tuyển dụng lao động. Theo đó, các đối tượng dùng thủ đoạn mở các công ty rồi đăng tin tuyển dụng lao động trên mạng Internet với mức lương cao để những người có nhu cầu tìm việc làm liên hệ và nộp hồ sơ. Khi người lao động đến công ty xin việc, chúng thu mỗi người 500.000 đồng tiền phí làm hồ sơ rồi chỉ đạo nhân viên thu tiếp từ 1 - 5 triệu đồng/một hồ sơ của người xin việc.

Mặc dù biết không thể xin được việc cho người lao động, nhưng chúng vẫn móc nối với các công ty khác để tiếp tục đưa người lao động vào bẫy và phải nộp nhiều khoản tiền khác nhau. Cuối cùng, khi con mồi đã nộp đủ tiền, chúng sẽ dùng các lý do để “đánh trượt”. Trong khoảng gần 1 năm hoạt động, những đối tượng này đã chiếm đoạt của người lao động hàng trăm triệu đồng.