TS Nguyễn Doãn Phương -Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, nếu trước đây hội chứng này chỉ gặp ở nữ giới thì nay đã xuất hiện ở cả nam giới và ở mọi lứa tuổi.
Do stress
Theo TS Nguyễn Doãn Phương, thời gian gần đây, Viện Sức khỏe tâm thần đã điều trị cho nhiều trường hợp mắc hội chứng “tự ngược đãi bản thân”. Đơn cử như trường hợp một nữ sinh viên 21 tuổi đã phải nhập viện điều trị vì tự dùng dao lam cắt 16 vết thương vào tay. Khi thăm khám, các bác sĩ nhận thấy bệnh nhân cắt những vết thương nông, đủ rỉ máu tại 2 cổ tay. Bệnh nhân cũng cho biết mình phải chịu quá nhiều áp lực, trong cuộc sống nhưng không biết cách giải quyết thế nào. Cứ khi nào quá stress, cô lại tự cứa vào tay mình và cảm thấy trong lòng nhẹ nhõm, thoải mái hơn. Cách đây không lâu, khoảng đầu tháng 7/2017, trên một tài khoản facebook đã phát trực tiếp một “ca” xăm toàn bộ khuôn mặt vì… thất tình của thanh niên khoảng 20 tuổi, quê Long An. Đa số những lời bình đều phản đối hành động này, nhiều người thậm chí nặng lời chỉ trích hành động này là “điên rồ”, “chặt đứt tương lai của mình”, “bế tắc đến mức hủy hoại thân thể”. Trước đó, mạng xã hội cũng “nổ tung” vì một clip nữ sinh ở Nghệ An rạch cổ tay sau khi chia tay bạn trai. Chỉ trong vòng một ngày, số người theo dõi và chia sẻ clip của nữ sinh này đã chạm mốc 30.000 lượt.
Một trường hợp khác đang điều trị tại Viện Sức khoẻ Tâm thần là bệnh nhi 9 tuổi, thích chơi game và điện thoại đến mức “nghiện” nên đã bị gia đình cấm. Từ ngày bị cấm, bệnh nhi đã tự nhổ tóc khiến đầu trọc thành mảng to, tự cào cấu vào chân tay mình. Phát hiện những biểu hiện bất tường này của con, bố mẹ bệnh nhi đã tổ chức các chuyến đi chơi, dã ngoại để bé được thay đổi không gian, mở rộng giao tiếp với nhiều người nên tình trạng bệnh đã được cải thiện đáng kể. Trưởng phòng Điều trị stress, Viện Sức khỏe tâm thần TS Dương Minh Tâm khẳng định, nguyên nhân chính gây ra hội chứng này là do người bệnh mắc stress từ những sang chấn tâm lý, do nhân cách chưa được hoàn thiện. “Hành động tự ngược đãi bản thân khác với tự sát hay tự tử, người bệnh khi tự ngược đãi bản thân cảm thấy được thoải mái, còn tự sát hay tự tử liên quan nhiều đến trầm cảm, hoang tưởng và mục đích là tìm đến cái chết” – TS Tâm cho hay.
Nhận biết sớm các dấu hiệu
Theo TS Tâm, hội chứng tự ngược đãi bản thân có thể sớm nhận biết, ngoài việc tự gây đau, làm tổn thương cả thể chất và tinh thần thì bệnh nhân còn có các biểu hiện như: Các stress về tâm lý kéo dài, cảm thấy bất mãn, luôn căng thẳng. Thêm vào đó, còn có các biểu hiện như: Buồn bã, chán nản, rối loạn giấc ngủ, dễ cáu giận, luôn có cảm giác ức chế; tim đập nhanh, hay bị đánh trống ngực, cơ bị run mỏi, cảm thấy có cục ở họng, khó nuốt, vã mồ hôi… Những người hay bị hội chứng này là những người có nét nhân cách dễ bị tổn thương, cụ thể như: Người cầu toàn, hay đòi hỏi; những người hay phô trương, hay lo lắng… Khi nhận thấy người thân có các biểu hiện của hội chứng này, cần phải hạn chế các dụng cụ, đồ dùng có khả năng gây sát thương, người bệnh cũng cần được điều trị các sang chấn tâm lý. Đồng thời người thân luôn bên cạnh giúp đỡ, chia sẻ và chỉ dẫn cho người bệnh một cách đúng đắn.
Mặt khác, theo các bác sĩ tâm thần, người bệnh có thể tự chữa trị cho mình bằng cách tách bản thân ra khỏi môi trường tù túng ngột ngạt; tích cực tham gia các hoạt động chung của gia đình, xã hội; hướng bản thân vào các hoạt động vui chơi giải trí ngoài trời hay thậm chí chỉ cần “xách balo lên và đi du lịch”.