Mới đây, ngày 11/5/2016, Hội đồng xét xử sơ thẩm TAND TP Hà Nội đã quyết định tuyên phạt Phạm Thị Tư (SN 1962, trú ở xã Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai) mức án 12 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, và 2 năm tù về tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Tổng hợp hình phạt, nữ bị cáo này phải chấp hành chung là 14 năm tù giam. Theo cáo trạng, Tư vốn không nghề nghiệp nhưng luôn khoe về khả năng "chạy" công chức, viên chức cho những người có nhu cầu, với giá từ 100 - 170 triệu đồng. Tháng 5/2013, chị Kim Thị N. (ở huyện Phúc Thọ) gặp Tư nhờ “chạy” viên chức vào ngạch giáo viên. Tư ra giá phải đưa 135 triệu đồng, chị N. chuyển đủ số tiền cho Tư. Khi nhận tiền xong, Tư đến gặp một người em cùng cha khác mẹ (ở huyện Phúc Thọ - hiện vắng mặt tại địa phương) nhờ làm giả quyết định tuyển dụng, phân công công tác của huyện Thạch Thất và quyết định bổ nhiệm viên chức chính thức của Sở Nội vụ Hà Nội đối với chị N. Cả hai quyết định giả mạo này đều được Tư giao cho chị N. vào giữa tháng 7/2014... Sau đó, Tư đã bị cơ quan công an bắt giữ và điều tra về hành vi lừa đảo “chạy” viên chức đối với hàng loạt giáo viên hợp đồng ở một số huyện ngoại thành Hà Nội. Ngoài ra, từ tháng 12/2013 đến đầu năm 2015, Tư còn chiếm đoạt gần 700 triệu đồng của 5 giáo viên khác. Liên quan đến hành vi lừa đảo “chạy” công chức, viên chức, một cán bộ điều tra Phòng CSĐT - Công an TP Hà Nội đánh giá: Thủ đoạn đơn giản nhưng vì nắm bắt được tâm lý, nhu cầu thực tế của người dân về việc mong muốn cho con cái, người thân có việc làm ổn định tại cơ quan Nhà nước, các đối tượng đã lợi dụng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Để thực hiện hành vi lừa đảo, các đối tượng thường mạo danh là người nhà cán bộ, lãnh đạo cấp cao; hoặc mạo nhận có mối quan hệ rộng, có khả năng “chạy” việc, “chạy” trường với mức phí lên đến hàng trăm triệu đồng/suất. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền, đối tượng tìm cách kéo dài thời gian để trốn tránh cam kết, hoặc làm giấy tờ giả lừa nạn nhân. Vào thời điểm tuyển công chức, viên chức, tuyển sinh cũng chính là lúc các đối tượng lừa đảo lợi dụng để hoạt động. Việc tuyển dụng cán bộ, viên chức, tuyển sinh đều được thực hiện công khai. Vì vậy, người dân cần đến trực tiếp các cơ quan, tổ chức, các trường để tìm hiểu rõ thông tin. Người dân cần cảnh giác trước thủ đoạn lừa xin việc nêu trên. Các cơ quan chức năng cũng cần thông tin minh bạch, rõ ràng trong tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức để người dân nắm bắt được. Tránh tình trạng tù mù thông tin để các đối tượng xấu lợi dụng thực hiện hành vi phạm tội.