Cảnh giác với tỷ giá, lãi suất

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đồng USD quốc tế và trong nước đều duy trì ở mức cao, mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng tiếp tục được nâng thêm. Trong bối cảnh Fed sẽ tăng lãi suất để ghìm cương lạm phát, khiến áp lực đến điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam là hiện hữu.

Tỷ giá USD/VND tăng cao

Tỷ giá trung tâm ngày 20/9 được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố ở mức 23.301 VND/USD, tăng 6 đồng so với mức niêm yết đầu tuần.

Tỷ giá USD tại các ngân hàng sau phiên đầu tuần bứt phá, đến sáng nay (20/9) vẫn neo ở mức cao. VietinBank nâng 5 đồng và Techcombank với 10 đồng ở cả hai chiều mua bán. Giá mua USD hiện nằm trong khoảng từ 23.500 - 23.530 VND/USD, còn bán ra ở mức 23.790 - 23.950 VND/USD, gần chạm ngưỡng 24.000 đồng/USD. Trong đó, BIDV, Eximbank và Sacombank có giá mua USD cao nhất, còn giá bán USD thấp nhất nằm ở Eximbank.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đà tăng giá USD trong nước "nóng" cùng diễn biến quốc tế. Tính đến 6 giờ 30 ngày 20/9 (giờ Việt Nam), USD-Index giao dịch trên vùng 109,3 điểm. Phiên trước đó 19/9, có thời điểm chỉ số đồng bạc xanh lập lại đỉnh 20 năm tại 109,9 điểm.

Giá USD tăng mạnh trở lại từ đầu tháng 9/2022, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khẳng định sẽ tiếp tục tăng lãi suất để giảm lạm phát. Việc Fed tăng lãi suất đã tạo áp lực lên tỷ giá trong nước, dù NHNN đã bán một khối lượng lớn USD từ dự trữ ngoại hối nhằm hỗ trợ nguồn cung ngoại tệ trên thị trường.

Theo các chuyên gia, việc kiềm chế lạm phát được như hiện nay có sự đóng góp của chính sách tỷ giá. Chính sách tiền tệ tại Việt Nam không thể nới lỏng mà cần thận trọng, chặt chẽ, linh hoạt theo diễn biến thị trường, điều này sẽ giúp hỗ trợ tốt hơn cho hoạt động xuất nhập khẩu.

Chuyên gia kinh tế, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, cần phải rất cảnh giác với tỷ giá hối đoái, bởi khả năng còn tiếp tục mất giá rất đáng kể.

Đồng quan điểm, GS Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân nhận định, từ nay đến cuối năm, áp lực về lạm phát không phải lớn, nhưng lớn nhất là áp lực về kiểm soát tỷ giá. Do đó, Việt Nam không nên phá vỡ tỷ giá đồng tiền mà phải kiên định giữ tỷ giá, nhưng không có nghĩa là cứng nhắc mà phải linh hoạt với thị trường.

Tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022, TS Trương Văn Phước - nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, Việt Nam phải "giữ cho bằng được ổn định tỷ giá" bởi nó như phòng tuyến quan trọng cho "trận đánh" lạm phát.

Hiện 60 - 70% hợp đồng thương mại xuất nhập khẩu thanh toán bằng USD. Việc tiền đồng từ đầu năm đến nay mất giá hơn 3,9% so với USD đang tạo áp lực chi phí với các DN nhập khẩu nguyên vật liệu, hàng hóa thanh toán bằng đồng bạc xanh này. Nhiều công ty cho biết các sản phẩm nhập về bị tăng giá khoảng 1,5 - 2% (chưa gồm việc tăng giá chi phí vận chuyển, các chi phí khác).

Ở chiều ngược lại, nhà xuất khẩu hàng hoá được hưởng lợi khi USD đi lên nhưng tác động không chỉ có một chiều. Vì giá USD tăng, các DN xuất khẩu cũng sẽ chịu áp lực tăng chi phí nhập khẩu nguyên phụ liệu (DN xuất khẩu của Việt Nam thường có tỷ trọng nhập khẩu nguyên phụ liệu rất lớn).

Ông Trương Văn Phước cho rằng, NHNN đứng trước 2 khó khăn. Đó là, nếu ổn định tỷ giá thì phải can thiệp, mà can thiệp trong bối cảnh xuất khẩu của Việt Nam thì không dễ dàng gì. Do đó, TS Trương Văn Phước đề nghị, NHNN nên nghiên cứu để mở rộng đối tượng cho vay ngoại tệ xem như là cầu về ngoại hối hiện nay sẽ di chuyển vào trong tương lai.

 

Theo các chuyên gia, Việt Nam cần phải rất cảnh giác với tỷ giá hối đoái khi khả năng tiền đồng có thể tiếp tục mất giá. Nếu không tăng lãi suất, NHNN có thể phải bán dự trữ ngoại hối để ổn định tỷ giá hối đoái.

TS Hồ Quốc Tuấn - Giảng viên cấp cao Đại học Bristol (Vương Quốc Anh) đưa ra quan điểm, chính sách điều hành tỷ giá cần nhìn nhận một cách toàn diện, phụ thuộc vào thực tế 4 nhân tố cán cân thanh toán: Cán cân thương mại; dòng vốn FDI; dòng vốn FPI; kiều hối và những khoản chuyển giao một lần khác (lợi nhuận công ty nước ngoài rút khỏi Việt Nam). Trong điều kiện Việt Nam, nếu chỉ nhìn vào dự trữ ngoại hối là một cái nhìn phiến diện. Nếu dòng vốn FDI, FPI tổng thể, kiều hối cân bằng được sức ép về cán cân thương mại, thì sức ép tỷ giá trên thị trường có thể tự thân cân bằng được.

Áp lực tăng lãi suất lớn

Từ đầu tháng 9/2022 đến nay, lãi suất huy động tiếp tục được một số ngân hàng điều chỉnh tăng ở nhiều kỳ hạn gửi tiền. Các ngân hàng tăng lãi suất có cả ngân hàng quy mô lớn lẫn nhỏ, có thể kể đến như MB, ACB, Sacombank, Viet Capital Bank…

Hay như VietinBank mới đây cũng triển khai chương trình cộng thêm lãi suất tới 0,5%/năm, cho các khách hàng cá nhân gửi tiết kiệm online kỳ hạn từ 1 đến 24 tháng trên VietinBank iPay. Lãi suất huy động cao nhất tại VietinBank hiện là 6,1%/năm. Hiện, ngân hàng có lãi suất tiết kiệm cao nhất hiện nay là ABBank với 8,8%/năm. Để nhận được mức lãi suất này, khách hàng cần có khoản tiền gửi 1.500 tỷ đồng trở lên cho kỳ hạn 13 tháng và lĩnh lãi cuối kỳ.

Trong tuần từ 5/9 - 9/9, lãi suất VND liên ngân hàng tăng mạnh. Tất cả các kỳ hạn 1 tháng trở xuống lãi suất đều vượt 6%/năm. Tuy nhiên theo các chuyên gia, việc lãi suất trên thị trường liên ngân hàng bị đẩy lên cao trong thời gian gần đây cũng tạo ra chênh lệch an toàn với lãi suất USD, góp phần kìm hãm đà tăng của tỷ giá trước áp lực mạnh từ thị trường quốc tế.

“NHNN nên tăng lãi suất để tạo ra ''swap poin'' giữa đồng VND và USD'' - TS Trương Văn Phước khuyến nghị. Theo vị chuyên gia, tăng lãi suất suy cho cùng là làm cho đồng nội tệ tăng lên, hễ lãi suất tăng lên thì tỷ giá sẽ giảm xuống. Việt Nam cũng như vậy, muốn cho VND tăng giá, NHNN chỉ cần tăng lãi suất lên là VND sẽ tăng giá, USD sẽ giảm giá.

Trong khi đó, Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) dự đoán, lãi suất điều hành của NHNN có thể tăng dần trong khoảng 0,5 - 0,75 điểm phần trăm từ đây cho tới cuối năm 2022.

Tại cuộc họp giữa NHNN và ngân hàng thương mại về công tác điều hành tín dụng, NHNN vẫn giữ mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% là phù hợp trong bối cảnh phục hồi kinh tế sau dịch. Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng các ý kiến đều nhất trí, đồng thuận để cùng hướng đến mục tiêu chung vì ổn định vĩ mô và hệ thống tổ chức tín dụng.

Đối với các kiến nghị về tiêu chí xem xét phân bổ chỉ tiêu tín dụng, cách thức phân bổ… Thống đốc yêu cầu các đơn vị chức năng của NHNN tổng hợp, nghiên cứu, phân tích, đánh giá kỹ lưỡng về tính khả thi… để hoàn thiện công cụ hạn mức tín dụng và điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2023.

Trong khi NHNN duy trì mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 14% cho năm 2022, tăng trưởng tín dụng đã đạt 9,9% tính tới cuối tháng 8/2022, tăng nhẹ so với mức 9,3% vào đầu tháng 6/2022 do nhiều ngân hàng thương mại đã sử dụng hết hạn mức tín dụng được giao. Với áp lực gia tăng hạn mức tín dụng, áp lực lạm phát giảm bớt, hệ thống ngân hàng được đánh giá là đang trong tình trạng lành mạnh.

 

Tại Hội nghị về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế ngày 12/9, Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị các cơ quan liên quan cần đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa, đồng thời đa dạng hóa các thị trường quốc tế, thúc đẩy xuất khẩu và thặng dư thương mại bền vững.

Cùng với đó là phải điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, nhưng bảo đảm thận trọng, chặt chẽ, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khóa để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bảo đảm ổn định tỷ giá, thị trường tiền tệ, ngoại hối; tăng trưởng tín dụng hợp lý.