Quy định này nhận được nhiều sự quan tâm từ dư luận và kỳ vọng sẽ góp phần ngăn chặn được tình trạng lộng quyền, lạm quyền trong công tác cán bộ và có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe những tổ chức, cá nhân đang có ý định chạy chức, chạy quyền.
Không phải ngẫu nhiên thực trạng “chạy chức”, “chạy quyền” lại được đề cập liên tục trong các quy định của Đảng trong thời gian gần đây. Bởi tình trạng này không chỉ là “nguy cơ” mà đã là thực tế diễn ra khá nhiều, với các hình thức, mức độ khác nhau, bằng các thủ đoạn, mánh lới, lợi ích nhóm đủ loại.
Có thể nói rằng, chưa bao giờ dư luận lo ngại, bức xúc về vi phạm trong bổ nhiệm cán bộ như vừa qua. Chồng bổ nhiệm vợ, bố bổ nhiệm con, anh bổ nhiệm em… dù không đủ tiêu chuẩn. Thế mới có hiện tượng “cả họ làm quan” hay muốn được bổ nhiệm, cất nhắc phải có các yếu tố như “quan hệ, tiền tệ, hậu duệ”…
Chạy chức, chạy quyền đã tràn qua nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều đối tượng, kết nối thành bè cánh, phe nhóm, miếng mảng... hết sức tinh vi, bài bản. “Chạy” bằng vật chất, “chạy” bằng phi vật chất, trao đổi, hợp thương kiểu “ông có chân giò, bà thò chai rượu”, “có qua có lại”...
Nhiều vụ việc đã được nhắc tên như các điển hình về chạy chức, chạy quyền như vụ Trịnh Xuân Thanh, không nằm trong quy hoạch, không đúng quy trình công tác cán bộ, mà là sự “gửi gắm”... Hay ông Lê Phước Thanh (từng là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam) có biểu hiện ưu ái, vun vén cho gia đình trong việc quy hoạch, đào tạo, luân chuyển, điều động và quyết định bổ nhiệm con trai là ông Lê Phước Hoài Bảo… Rồi còn hàng loạt vụ việc vừa qua đã bị lật tẩy, bị xử lý kỷ luật, cho thấy chạy chức, chạy quyền, lạm dụng quyền lực trong công tác cán bộ đã ở mức báo động.
Để bịt những khe hở, lỗ hổng trong công tác cán bộ, tạo cơ chế để kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền một cách hiệu quả, Quy định lần này được kỳ vọng sẽ tạo ra sự răn đe và cảnh tỉnh mạnh mẽ. Quy định đã chỉ rõ các cơ chế kiểm soát quyền lực; nhận diện 6 hành vi chạy chức, chạy quyền; 8 hành vi bao che, tiếp tay cho chạy chức cũng như quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong chống chạy chức, chạy quyền, đồng thời đưa ra những hình thức xử lý mạnh mẽ.
Như nhiều ý kiến nhận định, quy định đã phần nào trả lời được câu hỏi “ai chạy, chạy ai”, “nhốt quyền lực vào lồng cơ chế thế nào”. Cùng với các quy định, đề án đã có, Quy định sẽ tăng sức mạnh của kỷ luật Đảng, vai trò giám sát của Nhân dân, tạo ra "chiếc phanh" cơ chế, "cái lồng" kiểm soát hiệu quả.
Tuy nhiên, việc ngăn chặn, đẩy lùi nạn chạy chức, chạy quyền là công việc gian truân, đòi hỏi nhiều giải pháp đồng bộ, chứ riêng quy định này sẽ không triệt tiêu ngay được. Bởi như nhiều phân tích đã chỉ ra, quy định cũng không thể “lường” hay “quét” hết được các biến đổi không ngừng của thực tiễn.
Như liên quan đến việc chống đưa người thân vào những vị trí quan trọng, quy định cũng mới đề cập đến quan hệ ruột thịt gần, nhưng thực tế vẫn còn đủ tình trạng thân quen, thậm chí là đồng hương, bạn bè cũng được cất nhắc vào những vị trí quan trọng. Và những người được cất nhắc ấy coi mối quan hệ đó như cái bình phong, hình thành những “ông giời con” ở cơ sở, tự kiêu, tự đại, tự mãn và tiếp tục nối dài đường dây “chạy”.
Bởi thế, cùng với quy định rất kịp thời đã có, vấn đề thực thi cũng được nhiều người lưu tâm. Trong đó, giải pháp quan trọng nhất là phải công khai, minh bạch trong công tác cán bộ. Bởi đây là yếu tố đặc biệt nhất để đảm bộ máy trong sạch, đảm bảo quyền lực được trao đúng người và giám sát cán bộ trong quá trình thực thi quyền lực.