Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cạnh tranh giữa các nhà thầu xây dựng ngày càng gay gắt

Thành Luân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với việc cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN, nhà thầu xây dựng để có việc làm, dẫn tới chất lượng nhiều công trình không bảo đảm, khi chỉ sau vài năm đưa vào hoạt động đã xuống cấp, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho người dân.

Cơ hội phát triển không mấy khả quan

Đại diện lãnh đạo Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cho biết, mặc dù tình hình kinh tế năm 2024 có nhiều khởi sắc, kinh tế phục hồi, đầu tư công được đẩy mạnh, thị trường bất động sản có chuyển biến tích cực…, song nhìn vào bức tranh DN, sức khỏe của DN tư nhân đang có sự giảm sút.

Lãnh đạo VACC chia sẻ, khoảng 70% DN bất động sản “nằm im chờ thời”; nhà thầu xây dựng hết sức khó khăn về công việc, đặc biệt với nhà thầu dân dụng, buộc phải cắt giảm nhân sự, tìm kiếm công việc để duy trì bằng nhiều cách khác nhau nhằm vượt qua những vấn đề đang tồn tại như: điều chỉnh định mức đơn giá và định mức đơn giá nhân công; chính sách thuế, chính sách cho vay ưu đãi, vấn đề nợ đọng và xây dựng văn hóa nhà thầu xây dựng...

Sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp và nhà thầu xây dựng khiến nhiều công trình khi đưa vào hoạt động đã xuống cấp nguy hiểm cho người dân. Ảnh: Hải Linh
Sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp và nhà thầu xây dựng khiến nhiều công trình khi đưa vào hoạt động đã xuống cấp nguy hiểm cho người dân. Ảnh: Hải Linh

Đại tá Nguyễn Tuấn Anh - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn chia sẻ, mặc dù đã có bước tiến về định mức, đơn giá, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn cần được tháo gỡ như định mức nhân công vẫn bất cập, chưa theo được đơn giá của thị trường nên cần tiếp tục có ý kiến tại Thông tư số 13/2021/TT-BXD, về hướng dẫn phương pháp xác định các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và đo bốc khối lượng công trình; xác định giá vật liệu tại mỏ khai thác có sự khác nhau giữa các địa phương; giải phóng mặt bằng gặp khó khăn…

Nguồn vật liệu cho công trình giao thông bị thiếu đất đắp, cát. Dù đã được cơ chế đặc thù tại một số địa phương, nhưng chỉ đáp ứng về mặt tiến độ, còn về mặt thanh toán vẫn rất khó, không có hướng dẫn cụ thể, mỗi nơi một phách. Chỉ dám tạm ứng, tạm tính, càng làm nhà thầu càng lỗ và hậu kiểm sau này tiềm ẩn rủi ro pháp lý rất cao.

Ngoài ra, ông Nguyễn Tuấn Anh nhận định thêm, vấn đề cạnh tranh đấu thầu phá giá ngày càng khắc nghiệt, không chỉ xuất hiện ở các nhà thầu nhỏ mà giờ còn ở cả các DN lớn, có uy tín. Đã đến lúc cần trấn tĩnh xem xét lại, nếu tiếp diễn tình trạng nhà thầu từ uy tín đến vừa và nhỏ đều tham gia bỏ giá thấp, để tránh thực trạng cạnh tranh không lành mạnh.

Theo lãnh đạo Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn, giảm giá gói thầu tầm 12% là đã không làm nổi rồi nhưng thậm chí có gói thầu san nền tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để giá thấp giảm đến 50%. Mà giờ, nhiều DN tham gia đấu thầu giảm tới 25, thậm chí 48%, coi như chuyện rất bình thường. Nhiều thời điểm, giá nhân công lên đến 500.000 - 600.000 đồng/người/ngày, trong khi đơn giá quy định chỉ khoảng 1/3, khiến nhà thầu gặp rất nhiều khó khăn.

Ngoài ra, Đại tá Phan Phú - Chủ tịch Tổng Công ty 319 cho biết, vướng mắc trong công tác thanh toán đang là gánh nặng lớn với các nhà thầu xây dựng, trong đó có Tổng Công ty 319. Dù đã có các quy định thanh toán theo cơ chế đặc thù cho các mỏ tài nguyên phục vụ công tác thi công dự án, tuy nhiên, quan điểm, cách hiểu của mỗi địa phương lại khác nhau. Từ đó, dẫn đến việc các nhà thầu được thanh toán theo tỷ lệ cũng khác nhau, nhưng cơ bản nhà thầu sẽ bị tồn đọng vốn nhiều.

Có dự án, Tổng Công ty 319 đã thi công xong phần nền, đang tiến hành làm cấp phối và thảm, nhưng tiến độ thanh toán chỉ được 70% phần nền, dẫn đến việc DN gặp khó về vốn, dòng tiền.

"Mới đây, tham gia gói thầu san lấp hạ tầng trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trị giá 111 tỷ đồng, một DN đã bỏ thầu có 58 tỷ đồng, giảm giá tới 48%. Điều đó cho thấy vấn đề công ăn việc làm đối với DN ngành xây dựng đang rất khó khăn, bức bách. Nhưng nếu như không có sự đánh giá lại, không có giải pháp khắc phục từ các cơ quan quản lý Nhà nước, thì “cuộc đua giảm giá” sẽ không có điểm dừng" - ông Phan Phú nhìn nhận.

Chất lượng công trình bị ảnh hưởng

Việc cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN, nhà thầu xây dựng nếu trúng thầu thì khó có thể hoàn thành dự án, hoặc chất lượng dự án bị ảnh hưởng không nhỏ. Nhiều trường hợp dự án được xây dựng bằng nguồn nguyên vật liệu có chất lượng kém, làm ảnh hưởng đến tuổi thọ của công trình.

Câu chuyện "quảng cáo một đằng, chất lượng một nẻo" khiến người dân bỏ tiền ra mua nhưng rồi nhận lại công trình mới xây đã xuống cấp, dịch vụ tiện ích không giống như lúc chào bán... Việc này tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho cư dân sinh sống tại dự án. Đỉnh điểm như vừa qua khi bão Yagi đổ bộ, đã để lại hậu quả nghiêm trọng khi nhiều căn hộ chung cư cửa kính đã bị gió thổi bay hoặc vỡ vụn; nước thấm qua kẽ hở, các mảng trần thạch cao cũng rơi rụng từng mảng.

Chuyên gia về vật liệu kết cấu, thạc sĩ Phạm Ngọc Trung cho biết, Việt Nam là một nước nhiệt đới, hệ thống tường kính bao che, cửa sổ kính tấm lớn cần phải có yêu cầu về an toàn chịu lực, an toàn sinh mạng cho người sử dụng cũng như các yêu cầu về tiết kiệm năng lượng đã được đề ra trong Luật Sử dụng năng lượng hiệu quả của Việt Nam.

Các sản phẩm kính phải được lựa chọn trên các tiêu chí, trong đó ngoài cách âm, nhiệt, phải chú trọng đến độ bền chống va đập, va chạm, bền hóa chất và áp lực gió, động đất. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ áp dụng ở mức Tiêu chuẩn Việt Nam - tức là chỉ khuyến khích áp dụng chứ không bắt buộc, thiếu những quy định, chế tài cụ thể.

"Đặc biệt với tình trạng cạnh tranh giá không lành mạnh giữa các nhà thầu để có việc làm, có chủ đầu tư sử dụng sản phẩm không rõ nguồn gốc hoặc làm nhái của các thương hiệu nổi tiếng dẫn đến tình trạng có những công trình, dự án đưa vào vận hành chỉ 5 - 7 năm đã xuống cấp trầm trọng. Người dân là chịu thiệt khi lâm vào cảnh tiền mất tật mang, nguy hiểm đến tính mạng" - thạc sĩ Phạm Ngọc Trung cho biết.

Thạc sĩ Luật Kinh tế Lê Sơn Tùng cho rằng, các chế tài xử lý về hành vi vi phạm còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe từ khâu buôn bán, cung cấp mặt hàng vật liệu xây dựng cho tới việc giám sát chất lượng xây dựng; khâu bảo hành, khắc phục hậu quả còn bị coi nhẹ, hời hợt hoặc đơn vị giám sát chưa có nhiều kinh nghiệm...

"Siêu bão Yagi vừa qua gây ảnh hưởng tới các chung cư dù mới xây dựng là ví dụ điển hình của tình trạng chất lượng công trình chưa được giám sát chặt chẽ, các tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến kết cấu chịu lực, những khiếm khuyết trong mối hàn... đã không được giám định kịp thời, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong quá trình vận hành công trình. Để tạo sức răn đe, cần xem xét việc rút giấy phép xây dựng hoặc bị cấm thi công nếu giám định chất lượng công trình xây dựng không bảo đảm" - thạc sĩ Lê Sơn Tùng cho hay.

 

Thực trạng cạnh tranh đấu thầu phá giá sẽ khiến thị trường xây dựng thiết lập mặt bằng giá mới, thấp hơn rất nhiều so với giá thông thường. Điều đáng lo là các nhà thầu liên tục kiến nghị Chính phủ cùng các bộ, ngành “cởi trói” về đơn giá định mức do định mức giá xây dựng quá thấp so với thực tế, trúng giá thấp mà lại cứ đi kiến nghị tăng đơn giá định mức.

Đại tá Nguyễn Tuấn Anh - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn