Dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9/2023, cao tốc Bắc – Nam có thêm 2 dự án thành phần đưa vào khai thác. Đó là đoạn tuyến QL45 – Nghi Sơn và Nghi Sơn – Diễn Châu, thuộc “siêu dự án” cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020. Sự “hòa mạng” của hai cao tốc này giúp cho quãng đường từ Hà Nội vào đến các tỉnh Bắc Trung Bộ càng thêm gần, khoảng cách giữa Thủ đô với “khúc ruột miền Trung” ngày một thu hẹp lại.
Nỗi ám ảnh mang tên “mặt bằng xôi đỗ”
Song song với niềm vui “hòa mạng” của hai dự án thành phần trên, Bộ GTVT vẫn đang tích cực đốc thúc tiến độ của 12 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2021 – 2025, có chiều dài 729 km với tổng mức đầu tư 146.990 tỷ đồng.
Được khởi công đồng loạt vào đầu năm 2023, tính đến thời điểm hiện tại, các dự án đã trải qua gần 1 năm thi công. Tuy nhiên, tiến độ của nhiều dự án vẫn chưa được như kỳ vọng bởi nỗi lo mặt bằng và thiếu vật liệu.
Theo Nghị quyết 18/NQ-CP về việc triển khai Nghị quyết 44/2022/QH15 về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025, Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố đảm bảo bàn giao 70% diện tích mặt bằng trước ngày 20/11/2022 và bàn giao toàn bộ diện tích còn lại trước 30/6/2023.
Tuy nhiên, hết tháng 6/2023, tổng mặt bằng bàn giao cho Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 mới đạt khoảng 608/721 km (đạt 84%). Trong đó, chỉ có hơn 523km (chiếm 72%) diện tích là đủ điều kiện để các nhà thầu tổ chức thi công. Phần còn lại vẫn còn nhiều vị trí xen kẹp chưa thu hồi xong, hoặc không có đường tiếp cận mặt bằng, không đủ điều kiện cho nhà thầu thi công.
Đơn cử như tại dự án thành phần Chí Thạnh – Vân Phong, mặt bằng toàn tuyến đã bàn giao đạt 95,83%, phần nhà thầu có thể tiếp cận thi công đạt 90,13%. Diện tích mặt bằng chưa bàn giao chỉ còn khoảng 2/48,05km nhưng lại phân bổ “xôi đỗ”, khiến nhà thầu gặp khó khi triển khai thi công.
Hay như dự án Hoài Nhơn - Quy Nhơn hiện vẫn còn vướng mắc lớn về mặt bằng khiến nhà thầu không thể thi công liên tục, nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Trước những vướng mắc về mặt bằng tại các dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025, mới đây Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã có buổi kiểm điểm và làm việc về tình hình thực hiện các dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 đi qua các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa.
Phó Thủ tướng đã yêu cầu Bộ GTVT, chính quyền các địa phương giải quyết dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng theo đúng các mốc tiến độ yêu cầu của Chính phủ, bàn giao toàn bộ mặt bằng trong quý III/2023.
Dồn lực tháo “nút thắt” vật liệu
Ngoài vấn đề mặt bằng, sự thiếu hụt về vật liệu, nhất là vật liệu đắp nền cũng đang là bài toán nan giải của cao tốc Bắc – Nam. Vừa qua, Bộ GTVT đã tổ chức 3 đoàn kiểm tra do Thanh tra Bộ chủ trì tiến hành kiểm tra đối với 6 dự án thành phần thuộc Dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025.
Đó là các dự án: Bãi Vọt - Hàm Nghi; Bùng - Vạn Ninh; Quảng Ngãi - Hoài Nhơn; Hoài Nhơn - Quy Nhơn; Vân Phong - Nha Trang và Hậu Giang - Cà Mau. Kết quả kiểm tra cho thấy, nhìn chung các dự án công tác triển khai trên hiện trường, tiến độ giải ngân vẫn còn chậm so với yêu cầu đề ra và còn gặp một số vướng mắc.
Ngoài một số nguyên nhân khách quan như vướng mặt bằng, nguồn cung cấp vật liệu, bãi đổ thải… thì một trong những nguyên nhân khiến dẫn đến tình trạng chậm tiến độ tại một số dự án do nhà thầu xây lắp chậm trễ trong công tác triển khai thi công; công tác lập lại tiến độ tổng thể, tiến độ chi tiết theo thực tế hiện trường chưa được các đơn vị quan tâm đúng mức. Đây là những nguyên nhân chủ quan gây ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ các dự án.
Trước thực trạng trên, mới đây. Bộ GTVT có công văn gửi Cục Quản lý đầu tư xây dựng và các Ban quản lý dự án (QLDA) trực thuộc về việc khắc phục các tồn tại, hạn chế, tháo gỡ vướng mắc đẩy nhanh tiến độ các dự án thành phần đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025.
Trong đó, Bộ GTVT yêu cầu các Ban quản lý dự án phải chỉ đạo Tư vấn giám sát, nhà thầu xây lắp rà soát, chuẩn xác lại tiến độ thi công tổng thể, chi tiết và có kế hoạch huy động triển khai cho phù hợp làm căn cứ kiểm soát tiến độ, huy động thiết bị và nhân lực, tổ chức các mũi thi công để đáp ứng tiến độ hoàn thành chung của dự án theo yêu cầu đã đề ra; chủ động và linh hoạt tổ chức triển khai thi công trên công trường, không phụ thuộc vào mặt bằng và nguồn vật liệu xây dựng; huy động thiết bị thi công, nhân sự (đặc biệt các nhân sự làm nghiệm thu thanh toán) đầy đủ theo yêu cầu của dự án.
Đối với Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Bộ GTVT yêu cầu trên cơ sở tình hình thực tiễn triển khai thực hiện các dự án, tiếp tục rà soát, nghiên cứu, tham mưu sửa đổi, bổ sung các mẫu hồ sơ nghiệm thu, quy trình thủ tục nghiệm thu thanh toán, nhằm thống nhất trong tất cả các Ban quản lý dự án, giảm thủ tục đảm bảo phù hợp với thực tiễn thi công trên công trường và các quy định pháp luật hiện hành…
Riêng vấn đề vật liệu, theo Bộ GTVT, tính đến cuối tháng 8/2023, giá trị sản lượng hoàn thành toàn dự án khoảng 8.162,2 tỷ đồng đạt khoảng 9,1% giá trị hợp đồng chậm khoảng 1,39% so với kế hoạch, chủ yếu do nguyên nhân thiếu vật liệu đắp nền. Với những khó khăn về thiếu nguồn vật liệu đắp nền đường, Bộ GTVT đã chỉ đạo các đơn vị thi công tập trung triển khai các hạng mục có giá trị cao và không phụ thuộc vào nguồn đắp như cầu, hầm, cống, các đoạn tuyến đào, đắp sử dụng vật liệu điều phối…; tổ chức thi công cuốn chiếu, có công địa đến đâu thi công đến đó.
Bộ GTVT yêu cầu các Ban QLDA tăng cường, phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương để sớm trình UBND tỉnh, đẩy nhanh thủ tục xác nhận hồ sơ đăng ký khai thác mỏ vật liệu của nhà thầu xây lắp; chỉ đạo Nhà thầu xây lắp khẩn trương để xuất bổ sung (nếu cần) đối với các mỏ vật liệu chưa có trong danh mục mỏ vật liệu của dự án, để xem xét, chấp thuận đồng thời rà soát, điều chỉnh quy định của Hợp đồng (nếu cần thiết) liên quan đến việc xác định đơn giá thanh toán vật liệu đắp do nhà thầu xây lắp tự khai thác tại mỏ được cấp để đảm bảo tính pháp lý, đồng thời tạo cơ chế chủ động cho Nhà thầu và không vượt quá đơn giá vật liệu do địa phương công bố.