Cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 trước giờ G: Vẫn nhiều nỗi lo

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Siêu dự án” cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 đang hoàn tất những công việc chuẩn bị cuối cùng để khởi công trong tháng 12/2022. Tuy nhiên, những lo lắng liên quan đến bài toán vật liệu vẫn còn hiện hữu.

Cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 sẽ khởi công trong tháng 12/2022.
Cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 sẽ khởi công trong tháng 12/2022.

Quyết tâm khởi công trong tháng 12/2022

Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 (2021 - 2025) đang được Bộ GTVT tích cực phối hợp cùng các đơn vị liên quan và địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện những công đoạn cuối cùng, để đảm bảo dự án khởi công trong tháng 12/2022 như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định, trong tháng 12/2022 tất cả 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 đều phải đảm bảo đủ điều kiện khởi công 1 gói thầu.

Để hoàn thành mục tiêu trên, Bộ GTVT cho biết, trong thời gian qua, đích thân lãnh đạo đơn vị này đã đẩy mạnh kiểm tra hiện trường, làm việc với các địa phương, bộ, ngành liên quan để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiến độ giải ngân dự án.

Tính đến thời điểm hiện tại, những công đoạn quan trọng nhất để đảm bảo cho dự án được khởi công về cơ bản đã hoàn thành. Cụ thể, đến ngày 15/11/2022, Bộ GTVT đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu với tổng số 25 gói thầu xây lắp; đã hoàn thành thẩm định, phê duyệt xong hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự toán, đang thực hiện các thủ lục lựa chọn nhà thầu đối với 12 gói thầu khởi công trong năm 2022.

Đối với công tác GPMB, đến nay, các địa phương đã cơ bản hoàn thành công tác đo đạc thực địa, kiểm kê tài sản trên đất; đã phê duyệt phương án bồi thường được 1.702/6.006ha đạt 28%; giải ngân đạt 2.219/7.194 tỷ đồng vốn bố trí năm 2022 đạt 31%.

Bộ GTVT hạ quyết tâm trong tháng 12/2022 sẽ tập trung hoàn thành hồ sơ, thủ tục theo quy định để khởi công đồng loạt 12 gói thầu của 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2.

Vấn đề thiếu vật liệu đắp nền vẫn đang hiện hữu ở cao tốc Bắc - Nam.
Vấn đề thiếu vật liệu đắp nền vẫn đang hiện hữu ở cao tốc Bắc - Nam.

Nguy cơ thiếu vật liệu vẫn hiện hữu

Mặc dù cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 được triển khai trong bối cảnh cơ chế đặc thù tại Nghị quyết 18 của Chính phủ đã ra đời cho phép tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc về nguồn vật liệu cho dự án. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, nguy cơ thiếu vật liệu, nhất là vật liệu đắp nền của “siêu dự án” này vẫn hiện hữu.

Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) thông tin, tính đến nay, công tác khảo sát mỏ vật liệu xây dựng thông thường đã được tư vấn cơ bản hoàn thành, thỏa thuận với các địa phương và đưa vào hồ sơ mỏ vật liệu.

Đối với 10 dự án thành phần từ tỉnh Hà Tĩnh đến tỉnh Khánh Hòa, hồ sơ khảo sát đã xác định 147 mỏ đất đắp nền đường với tổng trữ lượng khoảng hơn 187 triệu m3, đáp ứng đủ nhu cầu của dự án khoảng gần 60 triệu m3; 123 mỏ cát cũng đã được xác định với tổng trữ lượng khoảng gần 70 triệu m3, đáp ứng đủ nhu cầu của dự án khoảng hơn 11 triệu m3.

Theo tính toán, hiện nhiều dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 đã chuẩn bị “hòm hòm” nguồn vật liệu nền. Đơn cử như Bãi Vọt - Hàm Nghi, nhu cầu đắt đắp khoảng hơn 7,5 triệu m3, công tác khảo sát được 8 vị trí với trữ lượng dự kiến 16,5 triệu m3; Vật liệu cát các loại cần khoảng 456 nghìn m3, thực tế khảo sát được 12 vị trí với trữ lượng dự kiến hơn 1,5 triệu m3; vật liệu đá cần khoảng hơn 1 triệu m3, đã khảo sát được 8 vị trí với trữ lượng dự kiến hơn 13,5 triệu m3.

 

Công tác GPMB cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2, ngoài việc đảm bảo tỷ lệ bàn giao theo yêu cầu, cũng phải phù hợp với kế hoạch tổ chức thi công của chủ đầu tư/nhà thầu. Trong đó, công địa được ban giao đợt đầu tiên phải liền mạch, có đủ diện tích cho nhà thầu làm đường công vụ, tạo thuận lợi cho công tác huy động vật tư, vật liệu, thiết bị máy móc, xây dựng lán trại… Nếu bàn giao “xôi đỗ”, dự án sẽ không thể bứt tốc được ngay từ đầu, việc rốt ráo khởi công sớm sẽ không đạt được mục tiêu ban đầu là rút ngắn thời gian thực hiện - PGS.TS Trần Chủng

Hay như đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, nhu cầu của dự án chỉ cần hơn 9,6 triệu m3 nhưng hiện tổng trữ lượng đất san lấp được địa phương chấp thuận cho dự án khoảng gần 15 triệu m3. Một số dự án thành phần khác như đoạn Vũng Áng - Bùng hay đoạn Bùng - Vạn Ninh, theo tính toán vật liệu đất ở khu vực thi công dự án đã đủ đáp ứng nhu cầu. Thậm chí, nguồn đất đắp nền cho 2 dự án này còn có thể thừa tới hơn 10 triệu m3.

Tuy nhiên, không phải tất cả dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 cũng dồi dào nguồn đất đắp như các dự án trên. Thực tế, bài toán vật liệu đắp nền tại nhiều dự án thành phần ở khu vực phía Nam vẫn đang căng như dây đàn. Có thể kể đến đoạn tuyến Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau, nhu cầu vật liệu đắp nền  đường cần khoảng 18,5 triệu m3. Song, đến nay, mới chỉ có tỉnh An Giang dự kiến cung cấp cấp khoảng 1,1 triệu m3 cát cho dự án từ nguồn tăng 50% công suất các mỏ đang khai thác. Thậm chí, ngoài An Giang, hầu hết địa phương khác ở khu vực này còn chưa có kế hoạch cung cấp vật liệu đắp nền cho dự án.

Cần giải pháp bền vững để dự án đảm bảo đúng tiến độ.
Cần giải pháp bền vững để dự án đảm bảo đúng tiến độ.

Cần giải pháp bền vững

Giới chuyên môn nhìn nhận, bài toán vật liệu tại dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 đã phần nào được tháo gỡ nhờ cơ chế đặc thù được Chính phủ đưa ra trong Nghị quyết 18. Thế nhưng, nếu chỉ là khơi thông về mặt cơ chế, chính sách sẽ là chưa đủ để giải xong bài toán khó này.

Hiện vẫn còn nhiều bất cập, công tác ban hành chỉ số giá của các địa phương chậm và không phù hợp, không sát với thực tế. Đơn cử như vấn đề kinh phí để đền bù tài sản trên đất của mỏ dự kiến cấp cho nhà thầu cũng đang rối như tơ vò.

Câu chuyện đặt ra là, kinh phí để thực hiện đền bù đó lấy từ đâu? Đơn giá đền bù là bao nhiêu?... Lâu nay việc đền bù, GPMB đất và tài sản gắn liền với đất của người dân thường do địa phương thực hiện. Bây giờ, với các mỏ vật liệu, nếu tiếp tục giao cho địa phương thực hiện cũng khó mà giao cho nhà thầu cũng nhiều bất cập. Những vướng mắc này không sớm được tháo gỡ thì kể cả có đủ mỏ vật liệu đắp nền cho các dự án thì chưa chắc bài toán vật liệu đã được giải.

Một vấn đề nữa mà giới chuyên môn lo ngại là câu chuyện công bố đơn giá vật liệu, chỉ số giá hàng tháng cũng như cơ chế bù giá cho nhà thầu trong trường hợp “bão giá” vật liệu tiếp tục xảy ra.

PGS.TS Ngô Trí Long – chuyên gia kinh tế cho rằng, để giải quyết vấn đề này, cơ quan quản lý Nhà nước cần có các biện pháp kịp thời để bình ổn giá vật liệu, xây dựng chỉ số giá riêng cho những dự án đặc thù như cao tốc Bắc - Nam đồng thời xử lý nghiêm những hành vi đầu cơ, găm hàng nhằm nâng giá, trục lợi trái phép.

 

Đến thời điểm hiện tại, 12 gói thầu thuộc 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đã được phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán, đang trong quá trình mời nhà thầu quan tâm, lựa chọn nhà thầu, đảm bảo đúng tiến độ khởi công vào cuối năm 2022. Đối với 13/25 gói thầu còn lại vẫn đang tiếp tục thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán. Công tác thẩm định thiết kế, dự toán, lựa chọn nhà thầu sẽ phải hoàn thành trước ngày 15/1/2023, đảm bảo đủ điều kiện khởi công trong quý I/2023 theo yêu cầu tại Nghị quyết 18 của Chính phủ.