Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cáp quang biển APG gặp sự cố lần thứ 4 trong năm

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đại diện một nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam cho biết, vào hơn 4 giờ sáng 26/12, tuyến cáp quang biển quốc tế APG lại gặp sự cố. Đây là lần thứ 4 trong năm tuyến cáp này gặp lỗi.

Tại lần thứ tư APG bị lỗi trong năm 2022, tuyến cáp biển này gặp sự cố trên phân đoạn S6 gần HongKong (Trung Quốc). Hiện, các nhà mạng tại Việt Nam chưa được thông báo từ đơn vị quản lý tuyến cáp về nguyên nhân cũng như kế hoạch xử lý, khắc phục sự cố lần này.

Cáp quang biển APG gặp sự cố lần thứ 4 trong năm
Cáp quang biển APG gặp sự cố lần thứ 4 trong năm

Tính từ đầu năm 2022 đến nay, tuyến cáp APG đã 4 lần gặp sự cố, lần lượt vào tháng 4, 7 và 9 và 12. Cụ thể, ngày 15/4, tuyến cáp quang biển quốc tế Asia Pacific Gateway (APG) gặp sự cố trên phân đoạn S1.7 cách khu vực Đông Nam Á khoảng 910 km.

Ngày 26/7, sự cố cáp quang APG xảy ra trên phân đoạn S3 (cách bờ 416 km tại Chongming, Trung Quốc) khiến toàn bộ lưu lượng từ Việt Nam chạy qua trục chính trên cáp APG đến Hong Kong, Singapore, Malaysia, Nhật Bản bị ảnh hưởng.

Tuyến cáp APG tiếp tục gặp sự cố vào giữa tháng 9/2022 trên nhánh S9 hướng kết nối đến Singapore. Nguyên nhân được đơn vị quản lý tuyến cáp xác định là do lỗi “shunt fault” (dò nguồn) và đứt sợi tại ví trị cách trạm cập bờ SEA khoảng 145 km. Và ngày 14/11 vừa qua, sự cố này đã được sửa xong.

Cáp APG được đưa vào vận hành chính thức từ giữa tháng 12/2016. Có chiều dài khoảng 10.400 km, APG được đặt ngầm dưới biển Thái Bình Dương, với khả năng cung cấp băng thông tối đa lên tới 54 Tbps. Tuyến cáp này có các điểm kết nối ở Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Asia Pacific Gateway (APG), Asia America Gateway (AAG) và AAE-1 (Asia - Africa - Euro 1) là 3 trong 5 tuyến cáp quang biển quốc tế đang chiếm phần lớn dung lượng kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế, cùng với 2 tuyến khác gồm: SMW3 (còn gọi là SEA - ME - WE3) và Liên Á (IA - Intra Asia).

Với việc APG tiếp tục gặp sự cố, thời điểm hiện tại, đang có 3 tuyến cáp biển cùng bị lỗi. Cụ thể, ngoài lỗi trên tuyến APG, còn có 2 tuyến cáp biển khác là AAG và AAE-1 gặp sự cố trước đó, hiện vẫn chưa được khắc phục xong.

Đại diện Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) nhận định, lưu lượng truy cập Internet nước ngoài hiện lớn hơn nhiều so với trong nước. Vì thế, mỗi khi có sự cố các tuyến cáp biển quốc tế thì chất lượng dịch vụ Internet bị ảnh hưởng. Các nhà mạng, một mặt đã tìm cách đầu tư xây dựng những tuyến cáp mới, mặt khác cũng tìm cách tối ưu để lưu lượng Internet trong nước tăng lên.