Cấp tỉnh được toàn quyền quyết định đầu tư dự án nhà ở dưới 300ha

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Hôm nay (1/3), Luật sửa đổi, bổ sung một số quy định của 9 luật chính thức có hiệu lực thi hành, trong đó nhiều nội sung quan trọng về tăng cường phân quyền cho UBND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án nhà ở.

Theo đó, tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV các đại biểu đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số quy định của 9 luật, bao gồm: Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thi hành án dân sự.

Việc xây dựng, ban hành luật nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật, khơi thông và phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19; đơn giản hóa thủ tục đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Trong đó nhiều nội dung liên quan đến thị trương xây dựng, bất động sản được doanh nghiệp, người dân đặc biệt quan tâm, cụ thể:

Tăng cường phân quyền

Theo quy định, các dự án đầu tư nhà ở yêu cầu phải phù hợp với quy định pháp luật về di sản văn hóa, không phân biệt quy mô diện tích đất, dân số thuộc phạm vi khu vực bảo vệ I của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt; thuộc phạm vi khu vực bảo vệ II mà cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia đặc biệt thuộc danh mục di sản thế giới.

Cấp tỉnh được toàn quyền quyết định đầu tư dự án nhà ở dưới 300ha - Ảnh 1"1 luật sửa 9 luật" tăng cường phân cấp cho các địa phương trong quyết định chủ trương các dự án nhà ở. Ảnh: Doãn Thành

Với mục tiêu tăng cường phân quyền chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà ở, khu đô thị cho các địa phương, Điều 3 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung điểm g và bổ sung điểm g1 vào sau điểm g khoản 1, Điều 31 Luật Đầu tư để thực hiện phân quyền cho UBND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị. Thủ tướng Chính phủ chỉ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà ở (để bán, cho thuê, cho thuê mua), khu đô thị trong trường hợp quy mô sử dụng đất từ 300 ha trở lên hoặc từ 50.000 người trở lên.

Quy định đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại

Điều 4 của Luật sửa đổi, bổ sung khoản 1, Điều 23 Luật Nhà ở quy định hình thức sử dụng đất để đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại là nhà đầu tư có quyền sử dụng đất thuộc một trong trường hợp: Có quyền sử dụng đất ở hợp pháp; quyền sử dụng đất ở và đất khác không phải đất ở đáp ứng điều kiện cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư.

Việc sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đất đai, trừ trường hợp thuộc diện Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và các trường hợp thu hồi khác theo quy định pháp luật.

Đồng thời, để bảo đảm tính minh bạch, chặt chẽ, không thất thoát ngân sách Nhà nước, Luật bổ sung quy định, sau khi được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư theo quy định pháp luật về đầu tư, nhà đầu tư có trách nhiệm thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất đối với dự án yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất và thực hiện nghĩa vụ tài chính liên quan theo quy định pháp luật về đất đai.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần