Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cầu bộ hành thành quán nhậu

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chuyện nghe có vẻ ngược đời này đã và đang diễn ra tại một trong những cây cầu bộ hành được đánh giá là có công năng tốt nhất vào thời điểm mới đưa vào khai thác.

Cầu bộ hành gần cổng Học viện An ninh Nhân dân bị biến thành nơi tụ tập, nhậu nhẹt. Ảnh: Quý Nguyễn
Những cây cầu bộ hành (cầu vượt dành cho người đi bộ) được xây dựng với mục đích đảm bảo nhu cầu đi lại an toàn của người dân Thủ đô. Thế nhưng, không ít cây cầu bộ hành ở Hà Nội đang bị chiếm dụng trái phép thành nơi bán hàng rong, thậm chí thành nơi cho giới trẻ tụ tập nhậu nhẹt, gây mất an ninh trật tự và mất vệ sinh môi trường.
Tiệc rượu trên mặt cầu bộ hành

Cầu vượt bộ hành tại khu vực Học viện An ninh Nhân dân (phường Văn Quán, quận Hà Đông, TP Hà Nội) là một trong 5 cây cầu bộ hành được xây dựng và đưa vào sử dụng năm 2015. Sự ra đời của cây cầu này có công rất lớn của lãnh đạo Học viện An ninh Nhân dân khi đã trực tiếp gửi công văn lên Bộ GTVT đề nghị xây cầu để đảm bảo an toàn cho người và các phương tiện lưu thông qua khu vực này. Bởi lẽ, hàng ngày có khoảng gần 2.000 lượt cán bộ, sinh viên của Học viện đi bộ qua đường tại khu vực này mà xe cộ đi lại rất đông với tốc độ cao, trong khi đó lại thiếu hệ thống tín hiệu giao thông, dẫn đến thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc, nhiều học viên và người qua đường đã gặp phải tai nạn.
Để phát huy hiệu quả, cầu vượt bộ hành cần phải đặt ở đúng vị trí nơi người dân có nhu cầu thực sự. Tuy nhiên, việc xây lắp và thiết kế cầu bộ hành hiện nay thường đặt tại những vị trí dễ xây dựng, không phải giải phóng mặt bằng nhiều nên hiệu quả hoạt động không cao. 

Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng

Sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, cầu vượt dành cho người đi bộ tại khu vực Học viện An ninh Nhân dân phát huy rất tốt công năng của mình, trở thành lối đi an toàn cho hàng ngàn lượt người đi bộ mỗi ngày. Tuy nhiên, thời gian gần đây, cây cầu vượt này bỗng nhiên bị một số đối tượng chiếm dụng thành nơi bán hàng rong, quán nhậu. Các quán nhậu bắt đầu hoạt động từ khoảng 20 giờ. Từ thời gian trên, gần như toàn bộ không gian trên mặt cầu bị trưng dụng không còn một chỗ trống. Từng tốp nam nữ thanh niên tụ tập ăn uống, hát hò và xả rác khắp nơi. Dịch vụ bán thức ăn, đồ uống được thực hiện ngay trên cầu, kèm theo cả “gói khuyến mãi” là cho mượn chiếu ngồi khiến cho những quán nhậu trên cầu vượt dành cho người đi bộ này ngày càng thu hút khách. Vào những ngày cuối tuần, không khí nhộn nhịp từ những quán nhậu này gây náo loạn cả một khu vực lân cận. Bất cứ ai đi dưới đường Trần Phú (Hà Đông), chỉ cần hướng mắt nhìn lên trên cầu cũng dễ bị nhầm tưởng nơi đây đang diễn ra chương trình ca nhạc hay lễ hội ẩm thực nào đó. Điều khó hiểu là, tình trạng cầu vượt dành cho người đi bộ ở khu vực Học viện An ninh Nhân dân bị chiếm dụng đã diễn ra trong một thời gian rất lâu, nhưng không hề có bất cứ sự can thiệp nào của cơ quan chức năng hay chính quyền sở tại.

Lời giải nào cho bài toán cầu bộ hành?

Tình trạng cầu bộ hành bị chiếm dụng để sử dụng sai mục đích không phải là câu chuyện mới xảy ra. Từ nhiều năm trước, khi những cây cầu bộ hành đầu tiên xuất hiện trên đường phố Hà Nội đã không ít lần dư luận lên tiếng về giá trị sử dụng cũng như công năng của nó. Điển hình nhất là cầu bộ hành Giải Phóng – Lê Thanh Nghị (bắc qua đường Giải Phóng để nối liền từ cổng Bệnh viện Bạch Mai sang phố Lê Thanh Nghị) được khánh thành vào tháng 10/2007. Đây là cây cầu bộ hành đầu tiên của Thủ đô Hà Nội đồng thời cũng là cầu bộ hành được thiết kế, xây dựng hoành tráng, hiện đại với chiều dài lên tới 92m, rộng 2,5m và có mái che. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian đưa vào sử dụng, cầu bộ hành Giải Phóng – Lê Thanh Nghị đã bị chiếm dụng, “xẻ thịt” làm nơi kinh doanh, buôn bán từ trên mặt cầu cho tới khu vực chân cầu. Thậm chí, phía trên mặt cầu, nhiều quán nước tự phát ngang nhiên hoạt động, kê bàn ghế công khai khiến những người dân đi qua cầu bộ hành này gặp rất nhiều khó khăn. Trong nhiều năm qua, tình trạng nhếch nhác, lộn xộn ở cầu bộ hành này được dư luận “điểm mặt chỉ tên” rất nhiều lần nhưng tình trạng trên vẫn không được giải quyết triệt để.

Phân tích về nguyên nhân nhiều cầu bộ hành không phát huy được hiệu quả, TS Phạm Sanh – Chuyên gia Giao thông cho rằng, một trong những nguyên nhân cơ bản là nhiều người đi bộ vẫn giữ thói quen tùy tiện băng qua đường, thay vì sử dụng cầu bộ hành để đảm bảo an toàn cho bản thân. Bên cạnh đó, phần lớn những cầu bộ hành hiện nay đều chưa đạt hoặc có thiết kế chưa phù hợp với người đi bộ. Có thể kể đến như kết cấu đơn điệu, bậc thang có độ dốc cao hoặc nhiều cầu xây dựng xong nhưng không được bảo trì thường xuyên, vấn đề an ninh cũng không bảo đảm. Điều này khiến cho người đi bộ không mặn mà với cầu bộ hành, số lượng người sử dụng không nhiều nên tạo điều kiện để các đối tượng xâm phạm, chiếm dụng không gian cầu bộ hành làm nơi kinh doanh, buôn bán.

Đồng quan điểm trên, TS Nguyễn Hồng Tiến – nguyên Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng Bộ Xây dựng cũng cho rằng, cầu bộ hành muốn phát huy được hiệu quả cao, thu hút người dân sử dụng thì phải thay đổi về hình thức cho thuận lợi và phù hợp với thị hiếu người sử dụng. Đặc biệt, vị trí lựa chọn để xây dựng cầu bộ hành là một yếu tố cực kỳ quan trọng. Theo TS Nguyễn Hồng Tiến, vị trí cầu bộ hành phải gần các điểm bố trí bãi đỗ xe, giao thông công cộng, xe buýt, gần với các chỗ tiếp cận được các trung tâm thương mại, dịch vụ. “Một điểm nữa là khoảng cách cầu vượt cũng phải xem xét để tăng tính hiệu quả cho việc đầu tư, khoảng cách các cầu vượt trên các tuyến phố chính làm sao vừa đảm bảo tổ chức không gian tuyến phố vừa đảm bảo không gian đi bộ để cho người đi bộ tiếp cận được” – TS Nguyễn Hồng Tiến nói.