Ngày nay, nhiều gia đình thường có hai loại nước mắm, nước mắm độ đạm cao - thương hiệu nổi tiếng để chấm (ăn sống) và dùng nước mắm có độ đạm thấp - giá thấp hơn để nấu ăn. Và cũng từ mấy năm gần đây, thói quen dùng nước mắm có pha gia vị (tỏi, ớt…) và phụ gia thực phẩm xuất hiện theo nhu cầu cần nước chấm tiện dụng (không cần pha chế lại), ít mặn và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Loại nước mắm công nghiệp kiểu mới này không chỉ có muối, cá và nước, mà còn có hương liệu, chất tạo màu, chất điều vị, chất bảo quản… với công nghệ sản xuất tiên tiến. Tuy nhiên, lợi thế của các loại nước mắm công nghiệp chiếm được ưu thế hơn so với các loại nước mắm truyền thống ngoài sự phong phú, tiện lợi chính là giá cả, an toàn vệ sinh thực phẩm. Chai nước mắm công nghiệp hiện nay giá khoảng 13.000 - 20.000 đồng/chai, so với nước mắm truyền thống cùng dung tích là 22.000 - 30.000 đồng/chai. Ở đây, sự khác biệt về độ đạm, sự có mặt của gia vị và hương liệu dường như người tiêu dùng trẻ không chú ý và không quan tâm nhiều đến quy trình công nghệ chế biến đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Chính sách truyền thông mạnh là yếu tố thúc đẩy nước mắm công nghiệp tăng tốc. Thực tế, nhiều doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống, kinh doanh mấy chục năm, có doanh nghiệp cả trăm năm, nhưng vẫn chỉ bán được ít, chỉ vì họ thiếu đầu tư cho quảng cáo, chiến lược xây dựng thương hiệu, tức là chiến lược kinh doanh chưa bài bản, chuyên nghiệp… Khảo sát tại nhiều doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống, tổng đầu tư cho quảng cáo tiếp thị luôn dưới 5%/doanh thu, có nơi chỉ chừng 1%, khá thấp so với doanh nghiệp kinh doanh nước mắm công nghiệp, họ dành tới 20% cho nhãn hàng cũ và 50% cho nhãn hàng mới. Vấn đề của các nhà cung cấp nước mắm công nghiệp là phải đảm bảo sự trung thực của thông điệp "an toàn" - vốn đã giúp họ chiếm lĩnh thị trường, tránh các xìcăngđan như từng xảy ra với các nhà sản xuất thực phẩm chế biến công nghiệp.