Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Câu chuyện thiện nguyện và những trăn trở

Linh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gần đây, mỗi khi có thiên tai, thảm họa xảy ra gây thiệt hại về người và của, thì rất nhiều các tổ chức, các cá nhân đều tổ chức quyên góp giúp đỡ bà con.

Đây là một điều vô cùng quý, thể hiện tinh thần tương thân tương ái và tính nhân văn của mỗi người dân Việt Nam. Tuy nhiên đã có những câu chuyện khiến người trăn trở:
 
Muốn được đến tận nơi, trao tận tay
Đây là nhu cầu chính đáng của các nhóm từ thiện. Tuy nhiên, không phải nơi nào cũng có thể thực hiện được điều đó. Ví dụ như tại Mường La mấy ngày qua. Đã có nhóm chở hàng hóa đến nhất định không nghe tư vấn của Ban tiếp nhận địa phương mà đòi vào tận nơi để trao trực tiếp. Đường vào thì khó khăn, nguy hiểm, người dân thì ở rải rác, đi vài tiếng mới tới nơi. Vậy là có lúc người dân thực sự bị thiệt hại thì lo dựng nhà cửa, tìm người thân hoặc ở xa thì không xuống để nhận quà được . Nhưng có người dân không bị thiệt hại thì lại tranh nhau nhận quà. Có đoàn đi được nửa đường thì không vào sâu được vậy là gặp ai cũng cho quà. Vậy là quà vẫn đến tay người dân nhưng lại không phải là người dân bị thiệt hại.
Đồ hỗ trợ
Khi bão lũ xảy ra, điều nhiều người nghĩ đến hỗ trợ bà con đó là gạo, mỳ tôm.... Đúng là những thứ đó bà con rất cần. Tuy nhiên chỉ sau một hai ngày thì mọi nhà đã được chính quyền địa phương cấp gạo, mỳ, không để dân đói. Hơn nữa đoàn nào lên cũng gạo, cũng mỳ. Người dân thì không có nhà nên cũng không biết để vào đâu khi trời mưa gió. Nhiều nhà văn hóa của huyện, của xã đầy ắp mỳ, gạo, quần áo. Có đoàn vào tới nơi, dân thì ở xa không gọi được, có nhà dân nhiều mỳ tôm quá rồi không nhận nữa vậy là lại mang ra chợ bán rẻ lấy tiền mang vào ủng hộ. Vừa mất công vận chuyển, vừa lãng phí. Người dân sau lũ cần nhà để ở, cần đồ dùng để sinh hoạt, cần dụng cụ lao động, sản xuất. Nhiều người dân chỉ mong ước giá như những thùng mỳ tôm mà họ chất đầy nhà trở thành tiền để họ tái thiết cuộc sống lâu dài.
Hỗ trợ quần áo: Đây cũng là thứ nhiều đoàn mang lên ủng hộ. Vì khi lũ cuốn trôi hết thì quần áo là rất quý. Tuy nhiên có những bao tải quần áo bỏ ra không khác gì cái giẻ lau nhà, có cái thì rách nát, có cả váy thuộc hàng siêu ngắn, có nhiều thứ chỉ phù hợp với người thành thị chứ lại không hợp với bà con người dân tộc. Để lọc những núi quần áo đó. Địa phương lại phải huy động đông lực lượng để phân loại trong khi còn phải cần nhiều người giúp bà con sửa sang nhà cửa, trường học.
 
Thái độ khi làm từ thiện
Có đoàn khi mang đồ hỗ trợ tới nơi cứ nghĩ mình là vĩ đại lắm. Đòi hỏi địa phương phải thế này, phải thế kia, trong khi họ đâu biết cán bộ địa phương cũng có hạn, mà phải đi vào tận bản để giúp dân, rồi đưa đón rất nhiều đoàn khác. Tư vấn cách làm thì không nghe rồi lên mạng nói chính quyền không tạo điều kiện để giúp dân. Có đoàn khi đi trao cho người dân nhưng thái độ như ban ơn. Có người  đi vào vùng lũ chủ yếu là để thỏa chí tò mò mà không biết sẽ có bao nguy hiểm.
Và còn nhiều câu chuyện buồn lòng khác khó mà kể hết.
Vậy nên, khi muốn làm từ thiện ở đâu hãy nghe sự tư vấn và phối hợp với địa phương bởi họ là người gần dân, hiểu được nhu cầu theo từng thời điểm của người dân, thông thạo địa bàn nên giúp chúng ta thuận lợi hơn. Có thể đâu đó có cán bộ làm chưa công tâm. Nhưng phần lớn họ đều làm vì những người dân của mình. Nhiều cán bộ còn không quản nguy hiểm để cứu dân, cõng gạo băng qua dòng suối dữ để giúp dân không bị đói. Không nên nhìn vào một vài con sâu rồi quy chụp tất cả để ảnh hưởng đến việc cứu giúp bà con khi khó khăn, hoạn nạn. Trước khi đến một nơi nào đó để trợ giúp, hãy liên hệ xem ở nơi đó người dân cần gì,  để chúng ta thấy ấm lòng hơn khi những thứ chúng ta mang đến là những thứ người dân đang cần.