Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cầu Đông Trù đang được thi công nước rút

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cầu Đông Trù bắc qua sông Đuống nối liền quận Long Biên và huyện Đông Anh được khởi công xây dựng từ năm 2006 và dự kiến ban đầu sẽ hoàn thành vào năm 2008.

Sau nhiều vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, điều chỉnh nguồn vốn, kỹ thuật phức tạp, thay đổi nhân sự nhà thầu… đến nay, chủ đầu tư và các nhà thầu đang tập trung đẩy nhanh tiến độ để dự án có thể hoàn thành vào ngày 30/9 tới đây.

“Kép chính” bao thầu luôn “kép phụ”

Dự án cầu Đông Trù là gói thầu số 13 nằm trong dự án Đường 5 kéo dài gồm 4 trụ cầu và 3 nhịp cầu đôi dạng kết cấu vòm thép nhồi bê tông. Theo hợp đồng đã ký trước đây, dự án do Tổng công ty Xây dựng Công trình giao thông 1 (Cienco 1) làm nhà thầu chính và và nhà thầu phụ là Tổng công ty Xây dựng cầu đường Quảng Tây (Trung Quốc) thi công kết cấu vòm ống thép nhồi bê tông.

Tuy nhiên, đến tháng 6/2012, nhà thầu Trung Quốc đã xin rút khỏi dự án do không thống nhất, thỏa thuận được dự toán chi phí đã khiến công trình bị ngưng trệ và chủ đầu tư dự án là Ban quản lý dự án Tả Ngạn cũng như Thành phố Hà Nội “đau đầu” tìm kiếm nhà thầu thay thế do phần thiết kế, thi công kết cấu vòm thép phụ thuộc vào công nghệ, tư vấn và thi công của Trung Quốc.

 
Cẩu Đông Trù sẽ được hoàn thành vào 30/9 và sẽ thông xe vào 10/10. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Cẩu Đông Trù sẽ được hoàn thành vào 30/9 và sẽ thông xe vào 10/10. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Cũng trong thời điểm năm 2011-2012, Cienco 1 đang thi công cầu Châu Giang (Hà Nam) và vừa hoàn thành cầu Rồng (Đà Nẵng) có dạng kết cấu tương tự đảm bảo chất lượng và an toàn. Sau khi có ý kiến đóng góp của Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải và Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước, tháng 3/2013, Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội đã giao cho Cienco 1 thi công cầu Đông Trù và giao tiến độ hoàn thành công trình đúng dịp kỷ niệm giải phóng Thủ đô vào 10/10.

Kể về quá trình từ “kép chính” bao thầu luôn “kép phụ”, Tổng giám đốc Cienco 1 Cấn Hồng Lai tự hào nói, Cienco 1 đã được hàng loạt các Bộ, ban ngành đánh giá, kiểm tra qua 2 công trình trên đã chứng minh đơn vị có đủ điều kiện năng lực thi công để vượt qua thử thách của công nghệ mới có tính chất kỹ thuật phức tạp của dạng cầu mái vòm này khi tại thời điểm thiết kế năm 2005, Việt Nam chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật mái vòm thép nhồi bê tông.

Theo ông Cấn Hồng Lai, từ tháng 4/2013, toàn bộ lực lượng kỹ sư, công nhân tinh nhuệ nhất của các Xí nghiệp Cầu 17, Cầu 18, Công ty Thi công cơ giới 1 vừa hoàn thành cầu Rồng đã được huy động ra Thủ đô để bắt tay ngay vào việc. Tuy nhiên, phải đến tháng 8/2013, các nhà thầu mới có thể tập trung thi công cấp tập vì giai đoạn trước đó mưa lũ triền miên. Trên công trường lúc nào cũng có khoảng 500 kỹ sư, công nhân thi công ba ca liên tục.

“Cienco 1 đã huy động tối đa máy móc và nhân lực chất lượng cao lên công trường. Đến thời điểm này, nhà thầu đã cơ bản thi công xong đường dẫn hai đầu cầu; lắp đặt và nâng vòm chính ba nhịp đôi đồng thời lắp đặt dầm ngang, dầm dọc và thi công hoàn thiện phần đường trên cầu,” Tổng giám đốc Cienco 1 Cấn Hồng Lai cho biết.

Sẽ đưa dự án về đích đúng tiến độ

Có mặt tại công trường cầu Đông Trù, theo quan sát của phóng viên, nhà thầu đang tập trung huy động nhân công, máy móc để triển khai các mũi thi công dự án liên tục để đẩy nhanh tiến độ. Phần nhịp chính thân trụ cầu đã được hoàn thành, trên các nhịp mái vòm cầu, từng tốp công nhân đang thuần thục lao những thanh dầm ngang bê tông cốt thép dự ứng lực dài 27m nặng 120 tấn treo cao 20m so với mặt nước sông. Song song với đó, các đội thợ công nhân sẽ kéo căng cáp giằng và bơm bê tông nhồi ống vòm.

Ông Đặng Thanh Bình, Giám đốc Ban điều hành dự án cầu Đông Trù, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 khẳng định, tất cả các công tác này phải xong trong cuối tháng Tám để đến tháng Chín hoàn thiện thi công mặt cầu. Đến nay, dự án đã đạt hơn 80% khối lượng công việc.

Theo ông Bình, cầu Đông Trù khó khăn nhất chính là thi công mái vòm ống thép nhồi bê tông do đòi hỏi kỹ thuật cao và chính xác trong khi dạng cầu này Trung Quốc làm nhiều nhất thế giới và được minh chứng qua các công trình họ đã xây dựng.

“Vào đầu tháng Năm vừa qua, vòm thép hợp long cầu Đông Trù có chiều dài 53m, chiều rộng 23,5m và trọng lượng 280 tấn được các kỹ sư và thợ cầu Cienco 1 dùng hệ kích nâng lên từ mặt sông đến điểm hợp long 42m. Trong quá trình lắp đặt, sườn vòm thép sẽ được kê trên trụ đỡ tạm trên nền móng cọc đóng và cọc khoan nhồi, giải pháp này phải phụ thuộc vào một số điều kiện về khí tượng, thủy văn, lưu tốc dòng chảy sông Đuống,” vị Giám đốc Ban điều hành dự án này tiết lộ.

Bên cạnh đó, ông Bình cũng cho hay, phương pháp lắp đặt vòm thép này chưa có tiền lệ thi công cầu ở Việt Nam. Bằng phương phát này, Cienco 1 đã đưa vòm thép về điểm hợp long mất 5 giờ và đạt tỷ lệ an toàn tuyệt đối. Theo đánh giá của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước và các cơ quan liên quan, Tổng công ty vẫn đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật của toàn dự án cầu Đông Trù.

Ngoài ra, vị chỉ huy trưởng của toàn dự án này cho biết thêm, ngày 23/6 vừa qua, các công nhân đã bơm 2.700m khối bê tông nhồi xong toàn bộ 6 nhịp ống vòm thép. Tuy nhiên, việc bơm bê tông đòi hỏi cao sự chính xác vì phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thời tiết và nhiệt độ bên ngoài.

“Nếu điều kiện thời tiết thuận lợi, không ảnh hưởng đến quá trình thi công của các công đoạn công trình thì tiến độ dự án sẽ về đích đúng hẹn vào cuối tháng Chín tới. Khi hoàn thành, cầu Đông Trù sẽ trở thành công trình xứng đáng với tầm vóc của Thủ đô và là công trình tiêu biểu của ngành cầu đường Việt Nam,” ông Bình nhấn mạnh.

   
Cầu Đông Trù là gói thầu chính, quan trọng nhất của toàn bộ dự án Đường 5 kéo dài, tổng mức đầu tư của dự án hơn 6.600 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Cầu nối từ xã Đông Hội (huyện Đông Anh) sang phường Ngọc Thụy (quận Long Biên), cách cầu Đuống cũ khoảng 4,5km.

Cầu Đông Trù có chiều dài 1.140m, với 8 làn xe, ngoài hệ thống đường dẫn hai đầu, cầu gồm 3 nhịp chính trong đó 2 nhịp biên dài 80m và nhịp giữa sông dài 120m, áp dụng công nghệ mới là cầu vòm ống thép nhồi bê tông, lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam.

Cùng với cầu Nhật Tân, cầu Đông Trù đi vào hoạt động sẽ giúp việc di chuyển giữa hai bờ sông Hồng, sông Đuống trở nên thuận tiện đồng thời tăng cường sự phát triển của các khu đô thị ở bờ bắc sông Hồng.