Cầu Giấy, Hoàng Mai phải trở thành “vùng an toàn bệnh Dại” trong năm 2023

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để phòng, chống nguy cơ bệnh Dại trên động vật, Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai xây dựng các quận thành vùng an toàn dịch bệnh; đồng thời duy trì đầy đủ các điều kiện tại các quận đã được công nhận là vùng an toàn dịch bệnh Dại.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền vừa ký ban hành công văn đề nghị các sở ngành, quận, huyện, thị xã tập trung triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh Dại. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 11/CT-TTg chỉ đạo các tỉnh, TP trên cả nước triển khai nội dung này.

Theo đó, UBND TP Hà Nội đề nghị các quận, huyện, thị xã thực hiện tốt việc quản lý đàn chó, mèo; thành lập, duy trì, tăng cường hoạt động có hiệu quả của các đội bắt chó thả rông. Đồng thời, nghiên cứu cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các đội bắt chó thả rông, nhất là tại địa bàn nội đô.

Hà Nội yêu cầu duy trì và tăng cường hoạt động các Đội bắt chó thả rông.
Hà Nội yêu cầu duy trì và tăng cường hoạt động các Đội bắt chó thả rông.

Các địa phương tiếp tục triển khai xây dựng các quận thành vùng an toàn dịch bệnh Dại. Trong năm 2023, TP yêu cầu hai quận Cầu Giấy và Hoàng Mai phải hoàn thành công nhận vùng an toàn dịch bệnh Dại; các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm hoàn thành công nhận vùng an toàn bệnh Dại trong năm 2024. Trước đó, TP đã xây dựng được 4 vùng an toàn bệnh Dại tại các quận gồm: Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm và Thanh Xuân.

Hà Nội cũng yêu cầu các địa phương tăng cường các chế tài xử lý vi phạm quy định về nuôi chó, về tiêm phòng vaccine phòng Dại theo Nghị định số 04/NQ-CP của Chính phủ; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm về phòng, chống bệnh Dại và quản lý đàn chó, mèo.

Hà Nội cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở ngành liên quan. Trong đó, Sở NN&PTNT là cơ quan tham mưu UBND TP ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo phòng, chống bệnh Dại. Thực hiện việc đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống bệnh Dại trên đàn chó, mèo tại các quận, huyện, thị xã. Đồng thời tăng cường tuyên truyền sâu rộng Luật Thú y, Luật Chăn nuôi và các văn bản có liên quan đến công tác phòng, chống bệnh Dại cho các tầng lớp nhân dân.