Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Câu hỏi lớn: Tổng thống Putin muốn gì?

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine chưa có dấu hiệu dừng lại, phần lớn thế giới đang vật lộn để giải mã mục tiêu cuối cùng của Tổng thống Vladimir Putin.

Để hiểu chính xác kế hoạch thực tế của Tổng thống Putin lúc này rõ ràng là một thách thức. Nhưng một bài xã luận mà ông viết vào tháng 7 năm ngoái, được đăng trên trang web chính thức của Điện Kremlin, có thể đã cho thấy một số manh mối.

Trong bài viết của mình, với tiêu đề "Về sự thống nhất lịch sử của người Nga và người Ukraine", Tổng thống Putin đã thảo luận về lịch sử của mối quan hệ Nga - Ukraine, nhấn mạnh quan điểm rằng người Ukraine là một bộ phận cổ xưa, không thể tách rời của "nước Nga toàn dân" (Triune Russian nation/All-Russian nation) - những người có chung lịch sử kéo dài một nghìn năm, có cùng ngôn ngữ, văn hóa mang bản sắc dân tộc Nga và theo tôn giáo Cơ đốc chính thống.

Ông lập luận rằng, bất kỳ nỗ lực nào nhằm làm suy yếu các liên kết này sẽ chỉ dẫn đến sự sụp đổ của nhà nước Ukraine. Tổng thống Nga dường như đang ám chỉ kế hoạch của phương Tây để đưa Ukraine vào Liên minh châu Âu (EU) và Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Ông không chấp nhận rằng Ukraine, hiện bao gồm một số khu vực do người dân tộc Nga thống trị, được sử dụng để chống lại Nga.

Nếu Ukraine tiếp tục con đường của mình trong việc cố gắng liên minh với phương Tây - vốn chắc chắn sẽ sử dụng điều này để đe dọa an ninh chiến lược của Nga - thì Tổng thống Putin viết rõ: "Ukraine nên quay trở lại biên giới năm 1922 của mình". Và đây là một điểm quan trọng, liên quan rất nhiều đến những gì đang diễn ra lúc này.

Tổng thống Putin đổ lỗi cho các nhà lãnh đạo Bolshevik, những nhà lãnh đạo cách mạng của Liên Xô cũ thời kỳ đầu, đã cướp các vùng lãnh thổ mà Nga đã trao cho Ukraine trong những năm từ 1922-1964. Trước năm 1922, lãnh thổ Ukraine chỉ là một nửa so với ngày nay. Những vùng lãnh thổ rộng lớn, bao gồm Donbass - khu vực Đông Nam Ukraine bao gồm Donetsk và Luhansk - và Lviv ở phía Tây, chỉ xuất hiện trong bản đồ của Ukraine sau năm 1964.

Thêm một ghi chú lịch sử đáng chú ý là hầu hết những nhà lãnh đạo quyền lực cai trị Liên Xô cũ từ những năm 1950 đều đến từ Ukraine: Nikita Khrushchev (lãnh đạo từ 1953-1964), Leonid Brezhnev (1964-1982), Konstantin Chernenko (1984-1985) , Mikhail Gorbachev (1985-1991).

Tổng thống Nga Putin viết rằng, phương Tây muốn biến Ukraine thành một “bàn đạp” chống Nga, điều mà ông nói là “chống lại lợi ích” của người dân Ukraine. Ông lập luận rằng kế hoạch của phương Tây, được chính quyền hiện tại ở Kiev dung thứ, đang dần dẫn đến việc quân sự hóa Ukraine, thông qua việc NATO có thể chấp nhận Ukraine là thành viên, từ đó triển khai cơ sở hạ tầng trong tương lai. Đây được cho là một mối đe dọa đối với Nga.

Ông Putin nhấn mạnh, dự án chống Nga này đã bị "hàng triệu người Ukraine" từ chối ở Crimea và Donbas, nhưng "những người theo Bandera đã không từ bỏ kế hoạch đàn áp Crimea, Donetsk và Lugansk". Ở đây, Tổng thống Nga đã đề cập đến nhà lãnh đạo dân tộc chủ nghĩa cánh hữu gây tranh cãi của Ukraine, Stepan Bandera, đã qua đời vào năm 1959.

Bandera, trong khi được một số người coi là anh hùng trong cuộc chiến chống lại Liên Xô vào những năm 1930-1940, lại bị số khác coi là một chính trị gia ủng hộ Đức Quốc xã, người ủng hộ Hitler tàn sát người Do Thái và người Ba Lan trong Thế chiến II. Tổng thống Putin viết: "Một tư tưởng Quốc xã chống Nga đang lan tràn trong giới tinh hoa chính trị Ukraine ngày nay".

Để thấy vì sao một tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga khi bắt đầu chiến dịch quân sự tại Donbass đã nói rằng, mục tiêu của chiến dịch là "phi quân sự hóa" Ukraine.

Giới chuyên gia quốc tế nhận định, ít khả năng Nga lên kế hoạch cho một cuộc chiếm đóng quân sự kiểu cũ đối với Ukraine. Hơn ai hết, Nga biết điều đó là không thể, nếu nhìn vào "vết xe đổ" của Liên Xô cũ ở Afghanistan. Do đó, bài xã luận của Tổng thống Putin vào năm ngoái và chuyến đi của các nhà đàm phán Nga tới Belarus hôm 27/2 vừa qua dường như gợi ý một điều gì đó khác biệt.

Moscow có lẽ đang nhắm tới một mục tiêu ngắn hạn mà họ hy vọng sẽ thuyết phục được Kiev từ bỏ "chiến dịch chống Nga" theo cách gọi của Điện Kremlin. Nga đang cố gắng tìm kiếm một mối quan hệ với Ukraine tương tự như với Mỹ, Canada... Hoặc đảm bảo một Ukraine trung lập có quan hệ hữu nghị đặc biệt với Nga.

Tuy nhiên, cái giá cho mục tiêu này có lẽ sẽ rất cao. Và nó đang ngày càng cao hơn khi chiến tranh kéo dài. Không gì bù đắp được cho sự mất mát của những sinh mạng quý giá, vô tội.