Sự việc này đã lặp đi lặp lại từ nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Mất lối đi mỗi khi mưa lớnCầu Ngo nối liền địa phận xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ với phường Trung Sơn Trầm, thị xã Sơn Tây có vai trò rất quan trọng đối với việc lưu thông của người dân địa phương. Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Tích Giang Đỗ Nghĩa cho biết, tại bờ hữu sông Tích hiện có khoảng 30 hộ dân xã Tích Giang đang sinh sống và nhiều gia đình vẫn còn diện tích canh tác nông nghiệp. Nhu cầu đi lại, sản xuất, giao thương qua cầu Ngo rất thường xuyên. Không những vậy, hàng ngày, các em học sinh xã Tích Giang vẫn phải đi qua cây cầu để sang bờ hữu theo học tại trường THPT Tùng Thiện (phường Trung Sơn Trầm). Dù có vai trò quan trọng là vậy, nhưng cầu Ngo lại thường xuyên bị ngập sâu khi có mưa lớn khiến cuộc sống của người dân đôi bờ sông Tích bị đảo lộn.
|
Cầu Ngo nối xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ với phường Trung Sơn Trầm, thị xã Sơn Tây khi không bị ngập. Ảnh: Trọng Tùng |
Theo chia sẻ của ông Nghĩa, đợt mưa lớn trung tuần tháng 10/2017 vừa qua, cầu Ngo bị ngập sâu đến 2m khiến việc đi lại của người dân bị gián đoạn. Vùng dân cư xã Tích Giang sống bên bờ hữu cũng bị chia cắt. Trước tình hình đó, địa phương đã phải mượn xuồng cứu hộ của Trường Hữu nghị T78 đưa các em học sinh đến trường; sau đó lại chờ đón các em qua sông để trở về nhà suốt gần hai tuần. Bên cạnh đó là hỗ trợ việc qua lại đôi bên bờ sông, đáp ứng giao thương, sinh hoạt cho người dân.
Nhưng không chỉ đời sống, sản xuất của người dân xã Tích Giang bị ảnh hưởng, nhiều hộ dân xã Trạch Mỹ Lộc (nằm tiếp giáp xã Tích Giang) cũng thường xuyên lựa chọn qua cầu Ngo để đi Quốc lộ 21 sang thị xã Sơn Tây và vùng lân cận. Cầu Ngo bị ngập, không thể đi lại, đồng nghĩa nhiều người dân xã Trạch Mỹ Lộc cũng bị... vạ lây.
Khẩn trương rà soát, khắc phụcTheo phản ánh của người dân nơi đây, nhiều năm trước, cầu Ngo xập xệ, xuống cấp rất nghiêm trọng tới mức lan can bị gãy, vỡ dẫn đến một số trường hợp lưu thông trên cầu bị lao xuống sông Tích! Một vài năm trở lại đây, cây cầu đã được đầu tư nâng cấp kiên cố. Tuy nhiên, có một điểm vẫn không thay đổi, đó là cốt đường bê tông được giữ rất thấp so với mặt đê. Kéo theo đó, mặt cầu nằm cách mặt sông chỉ vài ba mét. Đây chính là nguyên nhân khiến cầu Ngo thường xuyên bị ngập mỗi khi có mưa lớn.
Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Hoàng Mạnh Phú đánh giá, cầu Ngo có vai trò hết sức quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là việc đi lại an toàn cho các em học sinh xã Tích Giang tại trường THPT Tùng Thiện. “Việc cây cầu thường xuyên bị ngập là thực tế đã xảy ra nhiều năm qua và khiến lãnh đạo địa phương hết sức trăn trở” - ông Phú bộc bạch. Theo đó, Nhân dân địa phương kiến nghị UBND TP sớm có giải pháp nhằm nâng cấp cốt đường bê tông từ đê chạy xuống cầu Ngo dẫn sang bờ hữu sông Tích, bảo đảm cây cầu an toàn khi có mưa lớn.
Xung quanh kiến nghị của lãnh đạo huyện Phúc Thọ, trong cuộc giao ban công tác xây dựng nông thôn mới quý III/2017 vừa qua, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đã giao Sở GTVT Hà Nội khẩn trương tiến hành rà soát hiện trạng, đề xuất giải pháp chống úng ngập cho cầu Ngo. Phấn đấu khắc phục sớm nhất tình trạng cây cầu hễ mưa là ngập, bảo đảm việc đi lại an toàn, thuận tiện cho người dân các xã vùng ven sông Tích, nhất là các em học sinh, mỗi khi có mưa lớn.