Hệ thống cửa hàng OCOP:

Cầu nối đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng Thủ đô

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với các quận, huyện liên tục khai trương hệ thống cửa hàng giới thiệu, bán sản phẩm OCOP đã góp phần đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt. Hoạt động này còn là cầu nối đưa sản phẩm OCOP đến gần với người tiêu dùng Thủ đô.

Tín hiệu vui 

Là một trong những đơn vị đưa sản phẩm vào cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP huyện Ba Vì tiêu thụ, Giám đốc hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Chu Quyến Nguyễn Trung Dậu chia sẻ: Từ năm 2020 đến nay, HTX Chu Quyến đã có 4 loại rau củ đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Thế nhưng việc tiêu thụ không hề dễ dàng bởi HTX không có điểm giới thiệu sản phẩm. Chính vì vậy việc TP Hà Nội triển khai các điểm giới thiệu sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện Ba Vì đã tạo cơ hội cho đơn vị tiêu thụ sản phẩm rau sạch, với doanh thu đạt khoảng 100 triệu đồng/tháng.

Tương tự, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Hương Việt Sinh Vũ Lan Sinh (đơn vị quản lý, khai thác Điểm giới thiệu sản phẩm OCOP quận Long Biên) thông tin: Mặc dù cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP mới đi vào hoạt động nhưng đã thu hút một lượng lớn DN đóng trên địa bàn giới thiệu hơn 100 sản phẩm OCOP TP Hà Nội và các tỉnh, thành: Nam Định, Hưng Yên, Lào Cai, Hải Dương… Tất cả sản phẩm đều có tem, nhãn, giấy chứng nhận OCOP của cơ quan chức năng.

Người tiêu dùng mua sản phẩm tại cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm OCOP trên phố Khúc Thừa Dụ (quận Cầu Giấy)
Người tiêu dùng mua sản phẩm tại cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm OCOP trên phố Khúc Thừa Dụ (quận Cầu Giấy)

Chọn mua những sản phẩm OCOP tại cửa hàng giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP quận Đống Đa, chị Đỗ Thị Nguyệt ở 15 Trần Hữu Tước (quận Đống Đa) chia sẻ, mặc dù đã nghe đến các sản phẩm nông sản OCOP có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng đảm bảo, song không biết địa điểm mua hàng, đâu là sản phẩm đã  được cơ quan chuyên môn công nhận. Việc Sở Công Thương đưa cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP đặt trên địa bàn quận Đống Đa vào hoạt động, đã tạo điều kiện cho người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận sử dụng sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng cao.

 

Thời gian tới, đơn vị chức năng của quận Hoàn Kiếm và các cơ quan, đơn vị liên quan sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá trên những điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP đến người dân, du khách được biết, tham quan mua sắm. Đồng thời tổ chức kiểm tra, giám sát việc vận hành các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP đảm bảo theo quy định của pháp luật. Đặc biệt tiếp tục rà soát, tham mưu UBND TP Hà Nội triển khai mở rộng xây dựng hệ thống các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn quận. Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Anh Quân

 

Nói về những lợi ích mà cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm OCOP mang lại, Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Anh Quân nêu rõ, các cửa hàng đã tạo cơ hội cho doanh nghiệp Hà Nội và các tỉnh quảng bá sản phẩm OCOP địa phương. Quan trọng hơn cả, những cửa hàng này sẽ trở thành điểm nhấn thu hút du khách trong nước, quốc tế khi tham quan phố cổ. Còn theo Chủ tịch Hiệp hội các Nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu, điểm bán sản phẩm OCOP là nơi hội tụ những sản phẩm đặc trưng vùng miền, quan trọng hơn cả là trở thành cầu nối giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng.

Mô hình cần nhân rộng

Thực tế cho thấy, mặc dù Hà Nội đã có gần 2.000 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận OCOP nhưng tỷ lệ người tiêu dùng biết đến chưa nhiều. Theo chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú, nguyên nhân là do số lượng cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP còn ít, cách thức bố trí trong cửa hàng cũng không đồng đều, chưa có mẫu thống nhất. Tại các điểm du lịch hầu như vắng bóng mô hình kinh doanh này nên sức lan tỏa sản phẩm OCOP tới người tiêu dùng, khách du lịch còn hạn chế. 

“Hiện trên địa bàn Hà Nội có 30 quận, huyện, thị nhưng ngành công thương mới chỉ triển khai được 50 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Như vậy mỗi 1 quận, huyện chỉ có chưa tới 2 điểm giới thiệu sản phẩm OCOP là quá ít, cần nhân rộng mô hình này để đông đảo người dân, khách du lịch có cơ hội sử dụng các sản phẩm OCOP”, ông Vũ Vinh Phú kiến nghị.

Người tiêu dùng mua sản phẩm tại cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm OCOP ở quận Long Biên
Người tiêu dùng mua sản phẩm tại cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm OCOP ở quận Long Biên

Về vấn đề này Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, để phát huy nhân rộng cửa hàng trưng bầy và bán sản phẩm OCOP, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 298/KH-UBND ngày 24/12/2021 về kích cầu nội địa, tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng TP Hà Nội năm 2022. Trong đó yêu cầu nhành Công thương Hà Nội phát triển các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.

“Thực hiện kế hoạch của UBND TP Hà Nội, trong năm 2022 Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với các quận huyện phát triển thêm cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các tỉnh, thành cả nước đưa sản phẩm OCOP giới thiệu đến người tiêu dùng Thủ đô tại những điểm kinh doanh này”, bà Trần Thị Phương Lan thông tin.

Thực tế, muốn mở rộng kênh tiêu thụ sản phẩm OCOP cùng với hoạt động xúc tiến thương mại thì các điểm bán, trưng bày sản phẩm OCOP cũng rất quan trọng, đòi hỏi sự vào cuộc của chính quyền địa phương, doanh nghiệp.

Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch Hà Nội Nguyễn Thị Mai Anh kiến nghị, thời gian tới các quận, huyện, thị xã cần tích cực thông tin, vận động doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tổ chức khai thác địa điểm kinh doanh theo hướng đưa sản phẩm OCOP Hà Nội và các tỉnh, thành vào quảng bá, tiêu thụ. Từ đó mạng lưới điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP của TP Hà Nội ngày càng được mở rộng và phát triển.