Thông thường những đứa trẻ "ngập" sâu và bị chi phối hoàn toàn vào thế giới ảo đều do không có mục tiêu ở cuộc sống thực, nhưng lại muốn mình được công nhận trên thế giới ảo. Ở đó, trẻ được sống khác người, tìm thấy cứu cánh trong hoàn cảnh bị bỏ rơi giữa gia đình của mình. Thực tế, dù máy tính, internet đã mang đến nguồn kiến thức khổng lồ, nhưng khi điều kiện tiếp xúc của con cái và bố mẹ ngày càng bị co hẹp, càng kích thích đứa trẻ tìm đến cuộc sống ảo, tách rời cuộc sống thực. Ở thế giới ảo, trẻ không được rèn các kỹ năng nói, nghe, ứng xử trong đời sống thực của gia đình, xã hội nên trẻ tự đưa ra cách ứng xử của riêng mình. Đứa trẻ biết sống tự lập, tự quyết định hành vi luôn được cha mẹ khuyến khích, nhưng với những trẻ này, kinh nghiệm thực tế lại không có nên dễ dẫn đến những lệch lạc về hành vi, sẵn sàng bất chấp tất cả để thỏa mãn bản thân… Đó là một phần căn nguyên của những hành động bộc phát, muốn có xe là có thể đi cướp xe, muốn có điện thoại, có thể đi cướp điện thoại…
Trong khi vai trò quan trọng đầu tiên trong việc hình thành nhân cách của một đứa trẻ phải là gia đình. Không thể ai khác, chính bố mẹ phải là cầu nối cho con giữa hai thế giới ảo - thực đó. Hãy là cầu nối cho con bằng chính sự quan tâm, trò chuyện, sẻ chia, cung cấp cho con những kiến thức cơ bản nhất và cũng nên gợi mở để trẻ có thể nắm bắt được từ kho tàng kiến thức khổng lồ trên internet. Sự tiếp xúc, học hỏi từ mẹ cha, từ xã hội thực sẽ giúp trẻ có thể có những nhận thức, hành vi ứng xử đúng đắn, phù hợp.