Cầu nối giao thương sản phẩm OCOP

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tạo điều kiện để nhà sản xuất và đơn vị phân phối gặp gỡ, trao đổi, hợp tác liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP là cách làm đang được TP Hà Nội tập trung chỉ đạo triển khai, nhằm lan tỏa Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn.

Kết nối kênh phân phối – nhà sản xuất
Vừa qua, anh Nguyễn Phương Trung – chủ cơ sở sản xuất tinh bột nghệ tại xã Chu Minh (huyện Ba Vì) đã có cơ hội tham gia Hội thảo kết nối giao thương các sản phẩm OCOP lần thứ I năm 2020 do TP Hà Nội tổ chức.
Tại sự kiện, anh Trung đã được gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với đại diện nhiều hệ thống phân phối nông sản, thực phẩm lớn như: Co.opmart, Aeon, Hapro, Big C, Vinmart… “Sản phẩm tinh bột nghệ của chúng tôi đã được cấp 3 sao trong chương trình OCOP nhưng tiêu thụ vẫn khó khăn. Dù vậy, việc kinh doanh sắp tới sẽ thuận lợi hơn vì chúng tôi đã bước đầu tiếp cận được với một số hệ thống phân phối lớn thông qua chương trình kết nối” – anh Trung cho hay.
Nhà phân phối và đơn vị sản xuất trao đổi hợp tác tại chương trình kết nối các sản phẩm OCOP lần thứ I tổ chức mới đây tại Hà Nội. Ảnh: Lâm Nguyễn
Không chỉ cơ sở sản xuất của hộ anh Trung, tại chương trình kết nối tổ chức mới đây, khoảng 70 chủ thể có sản phẩm OCOP, tiềm năng tham gia OCOP năm 2020 cũng đã tiếp cận được với hệ thống các nhà phân phối có uy tín. Đây được xem là cơ hội rất tốt để mở rộng kênh tiêu thụ sản phẩm. Không chỉ vậy, chương trình kết nối còn mang lại lợi ích lớn cho các nhà phân phối.
Giám đốc Siêu thị Co.opmart tại quận Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung cho biết, đơn vị luôn mong muốn có được nguồn nông sản, thực phẩm có chất lượng cao để phục vụ người tiêu dùng. Thông qua chương trình kết nối, đơn vị đã tiếp cận được thêm nhiều sản phẩm OCOP với chất lượng tốt, giúp đa dạng hóa ngành hàng cung ứng cho thị trường trong thời gian tới.
Tiếp tục nâng chất sản phẩm
Qua sự kiện kết nối giao thương sản phẩm OCOP lần đầu tiên, đã có ít nhất 120 biên bản ghi nhớ được ký kết, mở ra cơ hội hợp tác liên kết sản xuất – tiêu thụ các sản phẩm OCOP. Thông qua việc kết nối kênh phân phối và người sản xuất, các sản phẩm OCOP được giới thiệu đến với đông đảo người tiêu dùng Thủ đô và cả nước, qua đó thúc đẩy chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Các nhà phân phối và cơ sở sản xuất đều hy vọng thời gian tới, TP cũng như Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện trong việc kết nối giao thương, giới thiệu sản phẩm OCOP để thúc đẩy sản xuất, xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho rằng, Chương trình OCOP đang mang tới sức sống mới cho các sản phẩm nông nghiệp. Bởi thông qua chương trình, những sản phẩm truyền thống, mang tính đặc thù của mỗi địa phương sẽ được nâng tầm với chất lượng đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chí khắt khe nhất. Qua đó, giúp người tiêu dùng có được cơ hội tiếp cận với những sản phẩm tốt và an toàn cho sức khỏe.
Chính vì vậy, thời gian tới, Sở NN&PTNT đề nghị các quận, huyện, thị xã tiếp tục quan tâm, hỗ trợ phát triển sản phẩm tiềm năng OCOP. Trong đó, cần rà soát, xác định cụ thể những tiêu chí còn thiếu và yếu đối với mỗi sản phẩm để có định hướng đầu tư, cải thiện, nâng cao chất lượng.

"Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ tiếp tục tham mưu UBND TP tổ chức thêm các chương trình kết nối, giao thương nhằm mở ra nhiều cơ hội cho việc tiếp cận nguồn cung, phát triển thị trường, mang nhiều sản phẩm OCOP có chất lượng đến với người tiêu dùng Thủ đô và cả nước." - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần