Cầu truyền hình trực tiếp "Lá cờ độc lập"

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hành trình trở về với những thăng trầm của Lá cờ độc lập đầy tự hào và gặp gỡ những con người trải qua những ngưỡng thay đổi vĩ đại của lịch sử dân tộc.

Cờ đỏ sao vàng tung bay trên Cột cờ Hà Nội như biểu tượng cho niềm kiêu hãnh của toàn dân tộc. Để bảo vệ màu cờ ấy, dân tộc Việt Nam đã trải qua chặng đường chiến đấu cho độc lập tự do với những khó khăn, thử thách nhiều gian nan và khốc liệt.
Cầu truyền hình trực tiếp "Lá cờ độc lập" - Ảnh 1
Nhân kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện cầu truyền hình "Lá cờ độc lập", diễn ra tại 2 điểm cầu là Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) và cột cờ Thủ Ngữ (TP.HCM). Ngoài ra, ê-kíp sản xuất còn thực hiện phóng sự tại nhiều địa phương như Hà Giang, Phú Quốc, Tuyên Quang, Trường Sa, Quảng Trị...

Chương trình tái hiện lại hành trình trở về với những thăng trầm của Lá cờ độc lập đầy tự hào và gặp gỡ những con người trải qua những ngưỡng thay đổi vĩ đại của lịch sử dân tộc. Ngoài ra, khán giả sẽ được lắng nghe nhiều câu chuyện về những ngày tháng khởi nghĩa lịch sử, về những kỷ vật thiêng liêng nhằm lan tỏa mạnh mẽ hơn niềm kiêu hãnh, tính tự cường, tình yêu quê hương, đất nước trong lòng những người dân Việt Nam.
Tham dự Cầu truyền hình có các đồng chí: Lê Hồng Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Tòng Thị Phóng - Ủy viên BCT, Phó Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Văn Trân - Nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hà Nội, ủy viên xứ ủy Bắc Kỳ; Nguyễn Thành Cung - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Nguyễn Văn Bình - Thống đốc Ngân hàng NN Việt Nam, cùng đại diện các bộ, ban ngành của T.Ư và TP Hà Nội...
Mở màn cho cầu truyền hình, MC Diễm Quỳnh giới thiệu đến người xem phóng sự mang tên "Việt Nam những năm đầu thế kỷ 20" điểm lại dấu ấn lịch sử của dân tộc Việt Nam. Cùng với đó, màn múa “Lá cờ Đảng” được các nghệ sĩ thể hiện với hình ảnh của những người dân Việt Nam không cam chịu ách nô lệ của thực dân, nhiều phong trào yêu nước đã nổ ra khắp cả nước. Và cuối cùng, lá cờ Đảng sáng soi, dẫn đường cho dân tộc Việt Nam trên con đường đấu tranh giành lại độc lập, tự do.
Cầu truyền hình trực tiếp "Lá cờ độc lập" - Ảnh 2

Màn tái hiện nhà tù Hỏa Lò cùng ca khúc "Đi hồng binh"
Ngay sau đó, MC Diễm Quỳnh chia sẻ cho khán giả thông tin về người chiến sĩ cách mạng Đinh Nhu. Đinh Nhu tham gia cách mạng từ năm 17 tuổi, ông bị giặc bắt nhốt vào Hỏa lò và sáng tác ca khúc “Đi hồng binh”. Ca khúc này đã trở thành khúc ca chung của những người cách mạng thời kỳ đó. Khi tròn 35 tuổi, ông bị giặc kết án tử hình tại nhà tù Nghĩa Lộ.
Cầu truyền hình trực tiếp "Lá cờ độc lập" - Ảnh 3

 
Năm 1941 sau bao năm bôn ba nước ngoài, Bác Hồ đã trở về nước, lãnh đạo cuộc cách mạng tại Việt Nam nhưng lại bị giặc bắt đi tù đày. Những ngày tháng trong tù, Bác đã có những bài thơ tạo thành “Nhật ký trong tù” với những vần thơ “Sao vàng mộng hồn quanh”.
Cầu truyền hình trực tiếp "Lá cờ độc lập" - Ảnh 4
Điều đặc biệt là cũng trong những ngày đầu khó khăn của dân tộc, hình ảnh lá cờ đỏ ngôi sao vàng lấp lánh đã xuất hiện trong khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940. Bà Ngô Thị Huệ (Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long trong Nam kỳ khởi nghĩa năm 1940), ông Dương Văn Thinh... là những nhân vật lịch sử chia sẻ với khán giả ký ức hào hùng của cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. 
Cầu truyền hình trực tiếp "Lá cờ độc lập" - Ảnh 5
Sau ca khúc “Chiến sĩ Việt Nam”, phóng sự về giai đoạn chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc, Eric Deero - nhà sử học, nhà làm phim đã nói đến bối cảnh thế giới giai đoạn này cũng như phong trào cách mạng tại các quốc gia. Riêng tại Việt Nam, ngày 4/6/1945, tại thị xã Tân Trào, Tuyên Quang -Thủ đô lâm thời đã được thành lập và những quyết định then chốt của Tổng khởi nghĩa Tháng Tám được đưa ra. Ngày 13/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc được thành lập, liền ra "Quân lệnh số 1" hạ lệnh tổng khởi nghĩa. “Quân lệnh số 1” chỉ rõ: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta... chúng ta không thể chậm trễ. Tiến lên!”
Cầu truyền hình trực tiếp "Lá cờ độc lập" - Ảnh 6
MC Diễm Quỳnh giới thiệu, trại Bảo an binh Hà Nội là nơi tập trung của hàng ngàn lính bảo an, là điểm then chốt mà quân cách mạng phải kiểm soát được và mời cụ Nguyễn Phúc Trí giao lưu cùng khán giả. 

Diễm Quỳnh đặt vấn đề: "T
t cả những người lính trong Trại Bảo an ninh Hà Nội đều là người Việt Nam làm cho chính phủ Trần Trọng Kim và vấn đề là chúng ta đã làm thế nào để thuyết phục họ đầu hàng". Cụ Nguyễn Phúc Trí (nay đã 89 tuổi) - Nguyên đoàn viên thanh niên tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu trả lời: “Sau 17/8, khi ta phá được chính quyền Trần Trọng Kim, lực lượng bảo an binh nản lòng. Đội thanh niên thành Hoàng Diệu không vào một cách giản đơn, phải phá cửa mới vào được và khi đó lực lượng này đã hiểu được đất nước chuyển hướng, tuy viên chỉ huy còn kéo dài nhưng cuối cùng Nhật bao vây rất lớn, quân cách mạng cũng đông đảo, hùng dũng, còn thành phố nơi khác ta đã chiếm rồi nên ta thương thuyết, đảm bảo Nhật không gây hấn gì, cuối cùng đến 5 giờ chiều họ đã rút lui.” Trong Trại bảo an binh đó đã có những người quân nhạc sau này đã đầu hàng và chơi nhạc “Tiến quân ca” trong ngày 2/9/1945.
Cầu truyền hình trực tiếp "Lá cờ độc lập" - Ảnh 7
Đại tá Kim Sơn trao đổi thêm giá trị của bức tối hậu thư của Ủy ban Khởi nghĩa do đồng chí Võ Nguyên Giáp ký, gửi cho phát xít Nhật. Và với bức tối hậu thư này, cuộc khởi nghĩa tại Thái Nguyên giành được nhiều thắng lợi: “Quá trình làm việc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận thấy quân Nhật đóng ở Thái Nguyên với 120 người thuộc binh đoàn 62 của Nhật đang kéo dài, chờ viện binh ở Hà Nội lên. Và đúng 14 giờ, họ không thi hành sẽ nổ súng và sau đó chúng ta cử người nói chuyện thuyết phục 400 bảo an binh và thu được 600 vũ khí, thành lập chi đội giải phóng quân mới nhằm tăng thêm lực lượng cho chúng ta. Sau này, bảo an binh ra đầu hàng vì chúng ta đảm bảo cho họ có thể trở về nước an toàn, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã thành lập Đảng ủy Thái Nguyên.”
Cầu truyền hình trực tiếp "Lá cờ độc lập" - Ảnh 8
Trung tướng Hùng Phong - Nguyên thành viên đội thanh niên cứu quốc huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình cho biết thêm: “Tháng 8/1945, tôi hoạt động trong Đội thanh niên cứu quốc huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Tôi là thanh niên cứu quốc cùng đoàn thanh niên xã vận động lên tham gia cướp chính quyền huyện. Cuộc cách mạng ở quê hương tôi sục sôi và chúng tôi đã tập họp cướp chính quyền của huyện, đến ngày 20/8 thì huyện tôi được giải phóng. Nhớ lại kỷ niệm năm xưa, chúng tôi thấy rất tự hào đã được giác ngộ, tham gia góp phần nhỏ bé vào việc giải phóng quê hương của mình và của đất nước.” Sau Cách mạng Tháng Tám, Trung tướng Hùng Phong còn gắn bó với quân đội cho tới khi nghỉ hưu, ông từng tham gia chiến dịch tại Khe sanh, Quảng Trị và chiến tranh biên giới.
Cầu truyền hình trực tiếp "Lá cờ độc lập" - Ảnh 9
Đồng chí Lê Hồng Anh, Tòng Thị Phóng đã thay mặt ban tổ chức cũng như thế hệ sau tặng hoa cho các đồng chí Lão thành cách mạng: Nguyên Bí thư xứ ủy Bắc Kỳ những năm 40 - Nguyễn Văn Trân, ông Đỗ Văn Việt người đã treo lá cờ trên kỳ đài Huế vào ngày 21/8/1945, bác Lê Thi - Người có mặt lại lễ thượng cờ ngày 2/9/1945, người kéo lá cờ đỏ sao vàng lên trên quảng trường cách mạng trong  ngày Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập. Ông Nguyễn Phúc Trí -lão thành cách mạng của Thủ đô Hà Nội - GS TS của ngành cầu đường tham gia xây cầu thăng Long, ông Nguyễn Hùng Phong - Nguyên Bí thư Đảng ủy Quân khu 1, Nguyễn Huy Văn - Bí danh Kim Sơn tham gia tổng khởi nghĩa ở Thái Nguyên.
Cầu truyền hình trực tiếp "Lá cờ độc lập" - Ảnh 10
Đúng 21 giờ, để gợi lại khoảnh khắc hào hùng của những ngày tháng Tám lịch sử cách đây 70 năm, MC Quang Minh cùng hàng trăm sinh viên các trường ĐH đã tập trung tại Hồ Hoàn Kiếm tham gia lễ rước cờ qua các tuyến phố Hà Nội với mong muốn đem sức trẻ cống hiến cho hòa bình, thịnh vượng của dân tộc Việt Nam.
Cầu truyền hình trực tiếp "Lá cờ độc lập" - Ảnh 11

Cầu truyền hình trực tiếp "Lá cờ độc lập" - Ảnh 12
Cùng với đó là đầu cầu TP Hồ Chí Minh, MC Nguyên Khang cùng hàng ngàn thanh niên đang sống lại lịch sử 70 năm về trước, cùng diễu cờ qua các tuyến phố của TP Hồ Chí Minh.
Cầu truyền hình trực tiếp "Lá cờ độc lập" - Ảnh 13
Ngay sau đó, tại Hoàng thành Thăng Long, lễ truyền cờ được thực hiện một cách nghiêm trang. Giọng nói của Hồ Chủ Tịch đọc “Bản Tuyên ngôn độc lập” được vang lên trong không khí trang trọng.
Đúng 21h08, lễ chào cờ được thực hiện. “Quốc ca” vang lên trong niềm tự hào, tự tôn dân tộc không chỉ của những người tham gia tại Hoàng thành Thăng Long mà đối với cả những khán giả đang ngồi trước màn hình. Lá cờ Tổ quốc được truyền đi khắp Hoàng thành Thăng Long trong tiếng nhạc của ca khúc “Lên Đàng”.
Cầu truyền hình trực tiếp "Lá cờ độc lập" - Ảnh 14
Sau khi ca khúc “Xuân và Tuổi trẻ” được nhóm Năm dòng kẻ và Nhóm K-Ben thể hiện, 21h16 phút, phóng sự phóng viên VTV tìm gặp một người Việt đã sang Pháp từ năm 1939,  trong đoạn phóng sự, ông kể rằng đã òa khóc khi nhìn thấy lá cờ Việt Nam. Bài hát “Đoàn quân Việt Nam đi, sao vàng phấp phới...” được những người Việt ở Pháp học thuộc với niềm tự hào vô bờ bến.

Ngay cả một người Pháp cũng khẳng định rằng, người Việt Nam sẽ làm mọi cách để giành lại độc lập của mình.
Cầu truyền hình trực tiếp "Lá cờ độc lập" - Ảnh 15
MC Diễm Quỳnh nhắc lại “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào ngày 19/12/1946: ""Hỡi đồng bào toàn quốc! Chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Và chúng ta đã chứng minh với thế giới, buộc người Pháp phải công nhận nền độc lập của đất nước Việt Nam. Thế nhưng sau giai đoạn đó, nhân dân Việt Nam còn phải trải qua một chặng đường dài để giành được tự do, độc lập, thống nhất đất nước."
Thượng sỹ Trần Hữu Tùng từng tham gia bảo vệ lá cờ đỏ sao vàng trong suốt giai đoạn cả nước kháng chiến bên bờ Hiền Lương. Giai đoạn từ 1954 đến 1967, 11 lần cột cờ bên cầu Hiền Lương bị gãy nhưng lại được các chiến sỹ của ta cắm lên.
Cầu truyền hình trực tiếp "Lá cờ độc lập" - Ảnh 16
Sau khi ca sĩ Mỹ Linh thể hiện ca khúc “Bài ca hy vọng”, chiến sĩ cách mạng Nguyễn Văn Thắm- Nguyên Bí thư Chi bộ nhà tù Phú Quốc - người đã may lá cờ hai màu xanh, đỏ, sao vàng chia sẻ với khán giả cả nước rằng ông kiên trì may lá cờ đó với mong muốn các đồng chí bị tù đày như ông luôn tin rằng vẫn có Đảng lãnh đạo dù trong ngục tù. Thậm chí có lúc ông phải nuốt và giữ yên lá cờ trong bụng vài tiếng đồng hồ khi bị giặc lục soát và rồi truyền tay nhau lá cờ rồi tự hứa với bản thân giờ nào còn sống trong trại giam tù binh Phú Quốc thì còn giữ lá cờ. Đến nay, lá cờ này vẫn được giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam
Cầu truyền hình trực tiếp "Lá cờ độc lập" - Ảnh 17
MC Diễm Quỳnh đã đưa ra câu hỏi cho ông Vũ Khoan - Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ: “Độc lập có ý nghĩa thế nào với một quốc gia?”. Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan chia sẻ: “Trong quá trình phát triển, dần dần hình thành các quốc gia dân tộc đi liền với ý thức độc lập dân tôc, như dân tộc ta cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng đã nói lên tinh thần của dân tộc ta. Thái úy Lý Thường Kiệt từng có câu “Nam Quốc sơn hà nam đế cư”. Tại Đức cũng đã xuất hiện khái niệm thế nào là độc lập, tức là quyền ti thượng của dân tộc đó là dân tộc đó được quyền quyết định công việc của nước mình, chọn lựa làm ăn với ai, chơi với ai... Quyền độc lập về chính trị có Chính phủ, Nhà nước, có tài chính tiền tệ, quan hệ kinh tế quốc tế với bên ngoài”. Bà Tôn Nữ Thị Ninh cũng chia sẻ quan điểm của mình về hai từ “độc lập”.
Cầu truyền hình trực tiếp "Lá cờ độc lập" - Ảnh 18
21h54 phút, chương trình phóng sự được khép lại bằng những hình ảnh về Việt Nam ngày nay với những thành tựu đạt được về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, thể thao, an ninh quốc phòng... cùng ca khúc “Ca ngợi Tổ quốc” do các em CLB Sao Tuổi Thơ trình bày và ca khúc “Việt Nam” của nhạc sĩ Mai Khôi do các ca sĩ trẻ gồm Bảo Trâm, Đinh Mạnh Ninh... thể hiện.

Đúng 21h59 chương trình cầu truyền hình “Lá cờ độc lập” kết thúc trong niềm tự hào, lắng đọng của hàng triệu khán giả cả nước, xem lẫn trong đó là niềm kiêu hãnh của quốc gia độc lập, là ngọn lửa tự hào đang lan tỏa trong mọi thế hệ người Việt để màu cờ đỏ sao vàng mãi tung bay trên bầu trời hòa bình và thịnh vượng.