Cha đẻ của phát minh ChatGPT và đối thủ Google

An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chàng trai trẻ tuổi Sam Altman, sinh năm 1985 chính là cha đẻ của phát minh ChatGPT đang “gây bão” trên phạm vi toàn cầu. Tất nhiên, Google sẽ không chịu ngồi yên nhìn ChatGPT phát triển như thế.

Chàng trẻ tuổi Sam Altman, sinh năm 1985 chính là cha đẻ của phát minh ChatGPT. Ảnh: AP
Chàng trẻ tuổi Sam Altman, sinh năm 1985 chính là cha đẻ của phát minh ChatGPT. Ảnh: AP

Ít ai biết "cha đẻ" của ChatGPT chỉ là một chuyên gia 38 tuổi, bỏ ngang đại học và tự nghiên cứu các thuật toán để cho ra đời sản phẩm ChatGPT đang nóng trên phạm vi toàn cầu.

Thiên tài công nghệ Sam Altman

Chàng trai trẻ tuổi Sam Altman, sinh năm 1985, đang trở thành tâm điểm chú ý của thế giới khi sản phẩm ChatGPT của anh đang được các trang mạng xã hội cũng như báo chí đề cập nhiều nhất trong dịp đầu năm 2023.

Sam Altman chính là người đồng sáng lập và CEO OpenAI - công ty đang phát triển ChatGPT và những AI đột phá khác. Sam Altman, người Mỹ gốc Do Thái, sinh ra ở St Louis tiểu bang Missouri. Năm 1993, khi mới 8 tuổi, anh được mẹ là một bác sĩ tặng cho 1 cái máy tính và hành trình của một thiên tài công nghệ bắt đầu rất đơn giản như thế.

Sam Altman, sinh năm 1985, "cha đẻ" của sản phẩm ChatGPT. Ảnh BBC.
Sam Altman, sinh năm 1985, "cha đẻ" của sản phẩm ChatGPT. Ảnh BBC.

Như bao nhân tài CNTT khác, Sam Altman cũng đậu đại học Stanford nhưng sau đó, cảm thấy việc học nhàm chán nên anh ta đã bỏ học ra mở công ty từ 2005. Ban đầu Altman đồng sáng lập và trở thành CEO của Loopt - ứng dụng di động và mạng xã hội dựa trên vị trí người cầm thiết bị.

Loopt từng huy động được 30 triệu USD, sau đó anh cùng bạn bè làm vài công ty khởi nghiệp nữa trước khi tập trung vào OpenAI (năm 2019). Sam Altman ăn chay trường và chả có thú vui gì ngoài việc ngồi trước chiếc máy tính suốt ngày.

OpenAI bao gồm nhiều nhân vật tên tuổi của làng CNTT thế giới đứng ra sáng lập như: tỷ phú Elon Musk, nhà đồng sáng lập LinkedIn Reid Hoffman và nhiều thành viên khác. Công ty này nhanh chóng trở thành một đối trọng về nghiên cứu AI trước các công ty công nghệ lớn khác, như Google. Và “ông lớn” Microsoft đã nhìn ra tiềm năng của công ty này, nên móc hầu bao tài trợ 1 tỷ USD. Một sự đầu tư mạo hiểm thường thấy ở Mỹ. Họ đã không nhầm vì kể từ khi Sam Altman này làm CEO OpenAI, các nhà đầu tư đã thu lợi nhuận gấp 100 lần so với ban đầu.

Google tăng tốc

“Ông lớn” Google cũng đang thử nghiệm các sản phẩm trò chuyện hỗ trợ trí tuệ nhân tạo mới và chuẩn bị đi đến hồi kết. Chúng bao gồm một chatbot mới và một cách tiềm năng để tích hợp nó vào công cụ tìm kiếm, theo CNBC. Hoạt động kinh doanh chính của Google là tìm kiếm trên web và công ty từ lâu đã tự quảng cáo mình là “người tiên phong” trong lĩnh vực AI nhưng đã được coi là chậm chân hơn OpenAI.

“Ông lớn” Google cũng đang thử nghiệm các sản phẩm trò chuyện hỗ trợ trí tuệ nhân tạo mới. Ảnh CNN.
“Ông lớn” Google cũng đang thử nghiệm các sản phẩm trò chuyện hỗ trợ trí tuệ nhân tạo mới. Ảnh CNN.

Cũng theo CNBC Alphabet (công ty mẹ Google) đang thực hiện một dự án có tên là “Atlas”, một nỗ lực để đáp lại ChatGPT, chatbot đang gây bão trên toàn cầu trong suốt thời gian qua. Google cũng đang thử nghiệm một chatbot khác có tên “Apprentice Bard”, nơi nhân viên có thể đặt câu hỏi và nhận câu trả lời chi tiết tương tự như ChatGPT. Giám đốc điều hành Sundar Pichai đã nói rằng Google dự kiến tung ra các sản phẩm tương tự ra công chúng trong năm nay.

 

Đối đầu thú vị

Người phát ngôn của Google cho biết: “Chúng tôi từ lâu đã tập trung vào việc phát triển và triển khai AI để cải thiện cuộc sống của mọi người. Chúng tôi tin rằng AI là công nghệ nền tảng và mang tính biến đổi, cực kỳ hữu ích cho các cá nhân, doanh nghiệp và cộng đồng.

Chúng tôi tiếp tục thử nghiệm nội bộ công nghệ AI của mình để đảm bảo rằng nó hữu ích và an toàn, đồng thời chúng tôi mong muốn sớm được chia sẻ nhiều trải nghiệm hơn với bên ngoài.”

Apprentice Bard

Một trong những sản phẩm thử nghiệm của Google là một chatbot có tên là Apprentice Bard, sử dụng công nghệ hội thoại của Google LaMDA, hay còn gọi là   Language Model cho các ứng dụng đối thoại.

Nhờ sự xuất hiện của ChatGPT, nhóm LaMDA đã được yêu cầu tăng tốc và ưu tiên hơn để có thể ra đời sản phẩm đối đầu ChatGPT. Công ty cũng đang thử nghiệm một trang tìm kiếm thay thế có thể sử dụng định dạng câu hỏi và câu trả lời.

Apprentice Bard có nét tương tự như ChatGPT, người dùng có thể nhập câu hỏi vào hộp thoại và nhận câu trả lời bằng văn bản. CNBC cho rằng, nội trả lời của Apprentice Bard có thể bao gồm các sự kiện được cập nhật sau 2021, một tính năng ưu việt hơn ChatGPT.

Apprentice Bard đã thay thế Meena, phiên bản trước của bot trò chuyện thông minh đã ra mắt nội bộ, nhưng sau đó đã bị ngừng sản xuất vì nhiều lý do khác nhau.

Đối thủ của ChatGPT. Ảnh AP.
Đối thủ của ChatGPT. Ảnh AP.

Người ta đã thử nghiệm đã hỏi Apprentice Bard: “Liệu có một đợt sa thải nhân viên nào khác tại Google hay không?” và Apprentice Bard trả lời: “Công ty đã sa thải 12.000 nhân viên, chiếm 6% lực lượng lao động vào đầu tháng này”. Khá thú vị nhưng những người còn lại của Google lại yên tâm khi biết: “Theo quyền truy cập cơ sở dữ liệu của tôi, Google khó có thể thực hiện một đợt sa thải nhân viên nào nữa vào năm 2023. Việc sa thải thường được tiến hành để giảm chi phí và tái cấu trúc, nhưng công ty đang hoạt động tốt về mặt tài chính. Trên thực tế, doanh thu của Google đã tăng 34% vào năm 2021 và giá cổ phiếu của công ty đã tăng 70% kể từ tháng 1/2022”, theo phản hồi của Apprentice Bard.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần