Cha mẹ chọn cơ sở giáo dục uy tín để gửi trẻ
Thông tin bé gái 18 tháng tuổi ở Hà Nội bị hai đối tượng nhận trông giữ đã sử dụng dây buộc chân cháu, dùng búa nhựa đập vào đầu, dùng gậy gỗ đánh vào người và dán băng dính vào miệng… dẫn đến nhập viện trong tình trạng hôn mê khiến dư luận bàng hoàng, xót xa, phẫn nộ.
Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương đang tập trung cứu chữa để em bé trở lại bình thường. Có thể các bác sĩ có thể điều trị khỏi những tổn thương về não, phổi nhưng còn ảnh hưởng về tinh thần thì chưa thể nói được vì cháu bé còn quá nhỏ.
Theo Bác sĩ Nguyễn Trọng An – nguyên Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, đây là bài học để các bậc cha mẹ không nên giao con cho những người mà mình thiếu tin tưởng hoặc không đảm bảo về tình yêu thương. “Thực ra, mình không đong đếm được tình yêu thương của người trông trẻ; nhưng nên chọn những chỗ tin cậy như các điểm trông trẻ, nhóm trẻ gia đình đã được kiểm chứng thông tin” – bác sĩ Nguyễn Trọng An nhấn mạnh.
Luật sư Đặng Văn Cường – Văn phòng Luật sư Chính pháp cho rằng, khi cha mẹ giao con cho người khác, đặc biệt là những đứa trẻ ở độ tuổi mầm non thì cần phải chọn cơ sở giáo dục có uy tín, được phép hoạt động. Cha mẹ cần phải kiểm tra tình trạng sức khỏe, tâm lý của con khi giao con cho người khác trông giữ. Khi phát hiện con có những biểu hiện bất thường như lo sợ, hoảng loạn, trên người có vết bầm tím thì cần phải liên hệ kịp thời với người trông giữ để kiểm tra làm rõ. Nếu cơ sở trông giữ không đảm bảo an toàn hoặc tự phát, thiếu sự quản lý của nhà nước thì phụ huynh không nên gửi con ở đó.
Tùy vào mỗi độ tuổi nhất định, trẻ em có mức độ nhận thức, hiểu biết khác nhau, trong đó có hiểu biết về kĩ năng sống. Bởi vậy cha mẹ cần phải giáo dục kỹ năng sống và tạo cơ hội cho trẻ em hiểu biết, rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn, kỹ năng bảo vệ bản thân trước mối nguy cơ bị bạo hành, xâm hại... Với những trẻ em sống trong gia đình thiếu cha, thiếu mẹ phải gia đình không hạnh phúc hoặc sống cùng với cha dượng, mẹ kế thì nguy cơ bị bạo hành, xâm hại rất cao nên cha mẹ cần quan tâm, chú ý và bảo vệ con tốt hơn.
Rất cần đội ngũ nhân viên công tác xã hội
Thời gian gần đây, những vụ bạo hành, xâm hại trẻ em diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Nhiều đối tượng đã bị xử lý hình sự với những chế tài rất nghiêm khắc nhưng hành vi bạo hành trẻ em vẫn diễn ra mọi lúc, mọi nơi và ngày càng phức tạp. Theo Luật sư Đặng Văn Cường, bạo hành trẻ em xảy ra nhiều, phức tạp không phải do thiếu pháp chế hay chế tài không đủ sức răn đe mà bởi nguyên nhân từ các giải pháp phòng ngừa kém hiệu quả, việc đảm bảo quyền trẻ em không được quan tâm, chú trọng đúng mức.
Nhiều năm làm công tác quản lý ở Cục Trẻ em, Bác sĩ Nguyễn Trọng An cho rằng, Luật Trẻ em năm 2016, Chương IV, Điều 47, khoản 1 nêu rõ Bảo vệ trẻ em được thực hiện theo ba cấp độ: Phòng ngừa; Hỗ trợ; Can thiệp. Cấp độ đầu tiên là phòng ngừa, tức là phải có đội ngũ cán bộ, nhân viên công tác xã hội để hỗ trợ các bậc cha mẹ cả về những kiến thức, kỹ năng ở cộng đồng về chăm sóc trẻ. Đội ngũ này còn có tác dụng quan trọng đối với công tác bảo vệ trẻ em là phát hiện sớm ngăn chặn sớm, phòng ngừa sớm để không xảy ra vụ việc trẻ em bị bạo hành.
Có một nghịch lý là ở nước ta, trường Đại học Lao động xã hội và một số trường khác có ngành Công tác xã hội nhưng nhiều sinh viên ra trường bị thất nghiệp, làm việc trái ngành. Trong khi đó, vấn đề trẻ em bị bạo hành xảy ra rất nhiều, liên tục từ năm ngoái đến nay nào là trẻ bị giẫm chân lên người đến gãy xương sườn, trẻ bị đóng đinh vào đầu dẫn đến tử vong; trẻ bị trói chân, dùng búa, gỗ đánh vào đầu, bịt băng dính vào miệng,... “Nếu nước ta có mạng lưới công tác xã hội cộng đồng thì khi cha mẹ đi vắng, hàng xóm không có nhà, đội ngũ này sẽ biết được em bé được mẹ giao cho đôi vợ chồng trông. Nhân viên công tác xã hội được đào tạo sẽ phát hiện ra trẻ bị bạo hành và thông báo tới Hội Phụ nữ, gia đình, hàng xóm để ngăn chặn. Đến giờ này, chúng ta vẫn thiếu vắng mạng lưới nhân viên công tác xã hội, cộng tác viên tại cộng đồng cho nên không làm tốt công tác phòng ngừa, ngăn chặn sớm dẫn đến trẻ em bị bạo lực rồi mới phát hiện ra” – Bác sĩ Nguyễn Trọng An khẳng định.
Cũng có chuyên gia cho rằng, các địa phương cần đầu tư hơn nữa kinh phí, nhân lực, phương tiện vật chất kỹ thuật vào công tác bảo vệ trẻ em thì mới bảo đảm được quyền trẻ em và giảm bớt được những vụ việc trẻ bị bạo hành, xâm hại. Và, để tránh trẻ em bị bạo hành thì cha mẹ, người quản lý trẻ cần phải nâng cao trách nhiệm của mình và tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho trẻ. Không ai có thể quan tâm, chăm sóc con cái tốt hơn cha mẹ; bởi vậy bất đắc dĩ mới giao con mình cho người khác trông giữ.
Theo Luật sư Đặng Văn Cường, cũng cần phải siết chặt hơn nữa công tác quản lý giáo dục mầm non, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm trường hợp trông trẻ tự phát, thiếu kỹ năng, thiếu kiến thức, không có đạo đức thì mới giảm thiểu được những vụ việc đau lòng.
Ngày 28/7, báo chí đưa tin, bé gái L.Q.T 18 tháng tuổi (quê quán: Xã An Dũng, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) tuổi bị cặp vợ chồng Đoàn Diệu Linh, Hoàng Thế Vũ bạo hành tại một căn nhà ở phố Xã Đàn (phường Phương Liên, quận Đống Đa). Ngay sau khi biết thông tin vụ việc, ngày 1/8, lãnh đạo Sở LĐTB&XH Hà Nội đã cử cán bộ Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới, Trung tâm Công tác xã hội – Quỹ Bảo trợ trẻ em TP Hà Nội đến Bệnh viện Nhi Trung ương thăm hỏi, động viên và nắm bắt tình hình sức khỏe của bé. Các cán bộ thuộc Sở LĐTB&XH Hà Nội cũng đã trao đổi với bác sĩ, hỏi xem bệnh viện có đề xuất hỗ trợ trong việc điều trị cho em bé Sở hỗ trợ kịp thời.